Điện Biên muốn xây đền thờ liệt sĩ 115 tỷ đồng

Thứ sáu, 06/09/2019, 14:28 PM

UBND tỉnh Điện Biên vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về quyết định chủ trương đầu tư dự án đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại chiến dịch Điện Biên Phủ.

dien-bien-muon-xay-den-tho-liet-si-115-ty-dong
UBND tỉnh Điện Biên vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về quyết định chủ trương đầu tư dự án đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh một góc trung tâm tỉnh Điện Biên.

Theo thông tin trên Pháp luật TP HCM, đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại chiến dịch Điện Biên Phủ được đặt trên đồi F (phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) với diện tích 4,98 ha.

Công trình gồm quảng trường chuông nguyện đoàn tụ gồm lầu thỉnh chuông hình cánh cung; không gian tập trung, giao lưu, tổ chức sự kiện văn hóa… đặc biệt, nhà quản lý, dịch vụ kính AR (phục vụ công nghệ hiện thực ảo tăng cường để nhìn và cảm nhận các trận đánh bên đồi A1 và các điểm cao khác), bậc ngồi ngắm cảnh trên sườn đồi, vườn hoa theo mùa…

Bên cạnh đó, sân trung tâm gồm sân chơi, đường dạo, bậc ngồi nghỉ trên sườn đồi, sân tưởng niệm trung tâm, tượng phù điêu, không gian mặt nước…

Theo UBND tỉnh Điện Biên, mục đích dự án để tỏ lòng ghi nhớ, biết ơn những công lao to lớn của các anh hùng đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn vừa giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau…

Đáng chú ý, dự án có tổng mức đầu tư 115 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương 65 tỉ đồng, ngân sách xã hội hóa 50 tỉ đồng. Thời gian thực hiện ba năm (2019-2021).

Đây không phải lần đầu tiên một địa phương có đề xuất về dự án tượng đài đầu tư số tiền lớn.

Cuối năm 2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Dự án Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Quảng Bình.

Cụ thể, Dự án có mức đầu tư 78,8 tỷ đồng do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư, thực hiện trong năm 2018 - 2019. 

Việc đầu tư xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Quảng Bình thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng thành kính, biết ơn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Quảng Bình với Bác Hồ.

Năm 2015, HĐND tỉnh Sơn La thông qua nghị quyết về việc xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc nhằm "đáp ứng nguyện vọng và tình cảm biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh".

Theo dự kiến, quần thể được xây dựng trên diện tích khoảng 20 ha gồm các hạng mục: nhóm tượng đài Hồ Chủ tịch (cao 5-8 m); quảng trường có sức chứa 20.000 người. Ngoài ra còn có đền thờ Hồ Chủ tịch; đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; bảo tàng tổng hợp... gần trục giao thông chính như phường Tô Hiệu, Chiềng Cơi, Quyết Thắng.

Công trình có mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và xã hội hóa, sẽ động thổ ngày 11/10 nhân 120 năm thành lập tỉnh và hoàn thành vào năm 2019. 

Tượng đài Hồ Chủ tịch với đồng bào các dân tộc Tây Bắc nằm trong quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 10/2014. Theo đề án, ngoài Sơn La, tượng đài lãnh tụ còn được xây dựng tại 14 tỉnh khác.

Trước thông tin trên, trả lời trên Tri thức trẻ ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) chia sẻ ông “rất ngạc nhiên”.

Trong khi dân còn đang khổ, bão bùng ở khắp nơi, trường học còn thiếu, bệnh viện quá tải, Bộ Y tế còn đang cố gắng làm thế nào để xây thêm bệnh viện thì tại sao lại có dự án này?

Ông Hùng băn khoăn: “Xây dựng tượng đài Bác Hồ là điều rất hay, ý nghĩa. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng còn nhiều khó khăn thì việc này đã nên làm chưa?”.

Theo ông, tỉnh Sơn La nên tập trung công trình cho các trường học, bệnh viện, những nơi vùng sâu, vùng xa, những nơi cần xóa đói giảm nghèo.

Cũng theo ông Hùng, về mặt lâu dài, ý định xây tượng đài của tỉnh Sơn La mang tính giáo dục, tính truyền thống và nhân văn sâu sắc, để lại cho con cháu đời sau các di tích văn hóa, nhắc nhở nhiều thế hệ nhớ tới lịch sử, tổ tiên cha ông là điều tốt.

Nhưng trong điều kiện đất nước ta còn nghèo thì 1.400 tỷ đồng ấy trước tiên cần tập trung cho các công trình trường học, bệnh viện và các hoạt động khác.

 

Sắp đề xuất phương án khắc phục sai phạm trong dự án Mường Thanh

Sau khi tổ chức lấy ý kiến người dân đang sinh sống trong các khu chung cư Tập đoàn Mường Thanh. Sở TN&MT Hà Nội sẽ đề xuất phương án khắc phục sai phạm tại các dự án của Mường Thanh.

 

Vụ cháy Rạng Đông: Chính quyền bất nhất, dân tin vào đâu?

Không thể để những kho hóa chất vô cùng độc hại, giống như những “quả bom nổ chậm” ở giữa khu dân cư có hàng chục nghìn người đang sinh sống.

 

Hà Nội: Dấu hiệu lừa đảo tại dự án Housinco Tân Triều

Dự án Housinco Tân Triều dính nghi vấn xây sai thiết kế, diện tích, vượt tầng... vẫn giao bán rầm rộ trên các sàn với lời hứa làm sổ đỏ vĩnh viễn, điều đó là không thể...