Điều chỉnh phụ tải điện mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng

Thứ ba, 24/03/2020, 18:37 PM

Chương trình hướng đến hiệu quả về giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện vùng, miền nhằm giảm nhu cầu về vốn đầu tư để xây dựng mới, mở rộng hệ thống điện, góp phần giảm áp lực tăng giá điện, khai thác hợp lí các nguồn tài nguyên năng lượng và phát triển bền vững.

Biểu đồ thống kê phần trăm công suất theo nhu cầu tại Thừa Thiên Huế năm 2019.

Biểu đồ thống kê phần trăm công suất theo nhu cầu tại Thừa Thiên Huế năm 2019.

Theo dự báo của Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện ở nước ta đang ở mức rất cao và còn tiếp tục duy trì. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguy cơ mất cân bằng cung cầu.

Nhằm tăng cường công tác quản lí nhu cầu phụ tải, giảm áp lực đầu tư và tăng giá điện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về Quản lí nhu cầu điện - (Demand Side Management - DSM), trọng tâm là chương trình điều chỉnh phụ tải điện DR (Demand Response), góp phần mang nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế và cộng đồng.

Thách thức về nguồn cung ứng điện

Hiện nay, nước ta thuộc nhóm các nước có cường độ sử dụng năng lượng cao nhất trong khu vực và thế giới, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện bình quân khoảng 10% giai đoạn 2015 - 2020.

Các dự án nguồn điện (than, khí) theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ từ 2 đến 3 năm. Thêm vào đó, nguồn cung năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt, phải nhập khẩu một số loại nhiên liệu (than, dầu, khí), nguồn nước thủy điện ngày càng thấp do tác động của biến đổi khí hậu... Trong khi đó, nhu cầu phụ tải vẫn tiếp tục tăng cao và có thể kéo dài đến năm 2025, gây áp lực lớn trong cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Với thực tế tình hình sử dụng điện của các phụ tải trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2019, có hơn 90% tổng thời gian trong năm khách hàng sử dụng từ 50%-90% công suất cực đại của hệ thống, trong đó, chỉ có 3% số thời gian công suất hệ thống đạt cực đại.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, mức độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm hàng năm luôn ở mức khá cao, bình quân 9,15%/năm (giai đoạn 2015 - 2020). Năm 2020, dự kiến tăng trưởng toàn tỉnh ở mức 5,9% so với năm 2019, tương đương 1,888 tỉ kWh.

Những lợi ích mà chương trình điều chỉnh phụ tải điện DR mang lại.

Những lợi ích mà chương trình điều chỉnh phụ tải điện DR mang lại.

Với tình hình phát triển phụ tải như hiện nay, thách thức về nguồn điện là có thật nếu không có giải pháp kịp thời. Biện pháp cấp bách, hữu hiệu hiện nay là quản lí nguồn cầu, đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Giải pháp kỳ vọng

Điều chỉnh phụ tải điện là chương trình được xây dựng, thiết kế và triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với các mục tiêu, nội dung của Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 8/3/2018.

Chương trình hướng đến hiệu quả về giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện vùng, miền nhằm giảm nhu cầu về vốn đầu tư để xây dựng mới, mở rộng hệ thống điện, góp phần giảm áp lực tăng giá điện, khai thác hợp lí các nguồn tài nguyên năng lượng và phát triển bền vững.

Năm 2019, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (TTHPC) đã nhận được sự đồng thuận, ký kết tham gia DR phi thương mại với 30 khách hàng, với tổng công suất ký kết thỏa thuận tiết giảm hơn 21MW, trong đó 100% khách hàng là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đều tham gia.

Năm vừa qua, TTHPC đã tiến hành triển khai 4 sự kiện DR vào các tháng 4, 7, 9, 10 với tổng công suất tiết giảm bình quân qua các đợt hơn 6MW, đạt gần 7% công suất cực đại toàn hệ thống khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2019, tổng sản lượng đã tiết giảm được là 141.940 kWh.

Ngoài việc chung tay cùng ngành điện đảm bảo vận hành ổn định hệ thống, khi tham gia Chương trình DR phi thương mại, khách hàng còn được hưởng nhiều lợi ích như gián tiếp giảm chi phí tiền điện do chuyển một phần công suất sử dụng từ giờ cao điểm sang thấp điểm; tối ưu dây chuyền sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Vệ sinh các thiết bị, công trình điện của khách hàng bằng công nghệ hotline.

Vệ sinh các thiết bị, công trình điện của khách hàng bằng công nghệ hotline.

Ngoài ra, TTHPC cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tham gia bằng việc hỗ trợ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, rút ngắn thời gian xử lí sự cố lưới điện (nếu có), thực hiện chương trình “Vệ sinh trạm biến áp miễn phí” cho khách hàng, hỗ trợ các yêu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng…

Cùng với việc đẩy mạnh triển khai chương trình DR, TTHPC cũng khuyến khích khách hàng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời mái nhà, thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, TTHPC đã thỏa thuận đấu nối với hơn 117 khách hàng đăng ký bán điện từ các dự án điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất lắp đặt hơn 2,4 MWp.

Theo dự báo, tình hình cung cấp điện trong những tháng mùa khô năm 2020 và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục khó khăn và thách thức, ngành điện kêu gọi khách hàng và cộng đồng chung tay trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, có các giải pháp quản lý nhu cầu điện hợp lí để sẵn sàng tham gia các sự kiện DR, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp hướng đến lợi ích chung toàn xã hội và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Bài liên quan