'Đổ đất' ngăn người dân đi lại khi cách ly xã hội có đúng hay không?

Thứ năm, 02/04/2020, 18:56 PM

Nhiều nơi đã đổ đất ở đường ngăn người dân đi lại khi thực hiện cách ly toàn xã hội. Bộ GTVT khẳng định không cấm phương tiện cá nhân, xe chở hàng hóa.

dodat

Từ khi thực hiện cách ly xã hội nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng chính quyền đổ đất "ngăn sông cấm chợ" gây khó khăn cho người dân khi đi lại.

Tiêu biểu như một số địa phương ở Quảng Ninh đã đổ đất, cẩu bê tông ra chặn đường, thậm chí lập chốt không cho người dân đi và đến.

Nhiều câu hỏi được đặt ra, nếu trong trường hợp người dân bị bệnh phải đi tuyến trên cấp cứu thì làm thế nào? Hoặc xảy ra các trường hợp hỏa hoạn, xe cứu hỏa đi ra sao, xe chở thực phẩm, hàng hóa lưu thông thế nào?

Trao đổi với PV, một số luật sư khẳng định việc đổ đất, ngăn người dân đi lại là hoàn toàn không đúng. Bởi trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng cũng không nêu vấn đề “cấm”. Chính phủ cũng chưa ban hành lệnh phong toả nên phương tiện cá nhân và hàng hoá vẫn được lưu thông bình thường.

"Chính phủ và cơ quan chức năng chỉ khuyến cáo người dân không ra ngoài trong các trường hợp khẩn cấp chứ không phong tỏa hay cách ly một địa bàn nào. Việc đổ đất ngăn đường hoặc không cho đi lại là không đúng, hiểu sai vấn đề", một số luật sư chia sẻ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, không có chuyện “ngăn sông cấm chợ”, việc cấm triệt để việc đi lại của người dân là không đúng trong khi Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp.

Về các “chốt chặn” tại cửa ngõ các thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay, các chốt này lập ra để nhằm kiểm tra việc thực hiện dừng hoạt động vận tải hành khách, ví dụ như phát hiện ra xe taxi chở khách từ địa phương này sang địa phương khác thì các “chốt chặn” yêu cầu xe quay đầu.

Nhiều người bức xúc vì phải quay đầu xe không lưu thông được do bị từ chối với lý do cách ly xã hội. (Ảnh: Báo Bảo vệ Pháp luật).

Nhiều người bức xúc vì phải quay đầu xe không lưu thông được do bị từ chối với lý do cách ly xã hội. (Ảnh: Báo Bảo vệ Pháp luật).

Đây là biện pháp ngăn chặn dịch bệch Covid-19. Những biện pháp này không áp dụng với xe cá nhân và xe chở hàng hoá.

Riêng đối với đường bộ, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ chỉ đạo Sở GTVT trong trường hợp đặc biệt cần tham mưu cho lãnh đạo các địa phương.

Một số trường hợp đặc biệt như: Xe công vụ, các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hoá.

Các bến xe địa phương thực hiện nghiêm việc dừng hoạt động của các tuyến vận tải hành khách cố định, liên tỉnh, nội tỉnh. Trong trường hợp đặc biệt, Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xem xét, quyết định.

Cũng thưc hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã có Công điện yêu cầu Tổng cục Đường bộ, Cục Hàng không, Cục Đường sắt… và các Sở GTVT thực hiện ngay các giải pháp để hạn chế tình trạng l của virus Sars-Cov-2.

Cụ thể, với đường bộ, từ ngày 1/4, tạm dừng hoạt động của toàn bộ xe khách liên tỉnh, xe taxi, xe hợp đồng (bao gồm cả xe công nghệ) đến ngày 15/4.

Với đường sắt, tạm dừng toàn bộ các tàu địa phương, khu đoạn, tàu Thống Nhất chỉ duy trì 1 chuyến/ngày.

Với hàng không, dừng toàn bộ các đườn bay nội địa, chỉ duy trì 3 đường bay Hà Nội đến TP.HCM, Đà Nẵng, và từ TP HCM đến Đà Nẵng; tần suất đường bay Hà Nội-TP HCM là 2 chuyến/ngày; tần suất bay Hà Nội và TP HCM đến Đà Nẵng là 1 chuyến/ngày.

Về trường hợp đổ đất ngăn đường ở Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết một số chính quyền cấp huyện và xã hiểu không đúng việc cách ly toàn xã hội. Việc đổ đất chỉ xảy ra một vài nơi, không phải toàn tỉnh.

"Chính quyền cấp xã, huyện nghĩ đơn giản không cho người dân đi sang địa bàn khác để phòng dịch. Chúng tôi đã chấn chỉnh, yêu cầu dỡ các điểm đổ đất, cẩu bê tông đi", ông Hậu nói.

Bài liên quan