Doanh nghiệp bất động sản 'kêu cứu' Bộ Xây dựng, chuyên gia lo lắng

Thứ bảy, 15/02/2020, 06:47 AM

Gần đây, đại diện một số doanh nghiệp đã có đơn “kêu cứu” khẩn cấp Bộ trưởng Bộ Xây dựng với mong muốn được tiếp tục phát triển dự án dang dở. Theo các chuyên gia, thị trường nhà đất 2020 có thể lắng xuống vì thanh tra dự án.

Doanh nghiệp bất động sản 'kêu cứu' Bộ Xây dựng, chuyên gia lo lắng.

Doanh nghiệp bất động sản 'kêu cứu' Bộ Xây dựng, chuyên gia lo lắng.

Trong năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện kế hoạch thanh tra đối với các dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là việc làm cần thiết để chống thất thoát tài sản nhà nước, tạo sự công bằng minh bạch trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên việc thanh tra, kiểm tra kéo dài theo các chuyên gia sẽ ảnh hưởng đến phát triển của doanh nghiệp.

Trong buổi công bố báo cáo thị trường gần đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch VARS, cho biết tại các đô thị lớn (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang) và nhiều tỉnh thành trên cả nước, nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đô thị và nhà ở sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chính được xác định là việc rà soát, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai tại các dự án.

Lượng giao dịch cũng sụt giảm mạnh do hệ lụy từ lượng cung sụt giảm, giá bất động sản có chiều hướng tăng, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản bị siết mạnh làm giảm lượng giao dịch từ các nhà đầu tư thứ cấp.

Bên cạnh đó, tâm lý e ngại, lo sợ từ các nhà đầu tư, người tiêu dùng khi thị trường xuất hiện nhiều dự án không phù hợp với quy định pháp luật. Trong khi đó, nguồn thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước gần như không có để giúp họ kiểm chứng.

Theo ông Đính, chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới trong năm qua đã gây ra những sức ép lớn. Việc tạm dừng dự án đang triển khai để thanh tra, rà soát... đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm ra thị trường.

Lãnh đạo VARS cho rằng, việc rà soát là hoàn toàn đúng nhưng nếu không có giải pháp đẩy mạnh hơn, nhanh hơn thì năm 2020, tình trạng cầu nhiều cung ít vẫn còn tiếp diễn, thị trường sẽ mất ổn định. Đặc biệt, cần có giải pháp cho các dự án dang dở của doanh nghiệp. Nếu không, thị trường bất động sản năm 2020 có thể sẽ tiếp tục đi xuống hơn so với năm 2019.

Vấn đề trước mắt là cơ quan quản lý phải giải quyết hết toàn bộ những vướng mắc mà lâu nay đã được doanh nghiệp đề cập tới liên quan đến luật, pháp lý chồng chéo.

Giữa năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước khấp khởi vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Chủ trương nêu trên một lần nữa được người đứng đầu Chính phủ đề cập tại Chỉ thị 07/CT-TTg năm 2018. Chỉ thị này nêu rõ, việc kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện trong trường hợp thật sự cần thiết và phải có quyết định của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền.

Việc Thủ tướng quy định chỉ được thanh, kiểm tra doanh nghiệp mỗi năm một lần được cho là sẽ giúp các doanh nghiệp “dễ thở” hơn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước đó, không ít doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra 6 - 7 lần/năm; có trường hợp quận đã kiểm tra, thành phố cũng kiểm tra, chưa kể các cơ quan quản lý chuyên ngành khác…

Không thể phủ nhận quy định chỉ kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Thủ tướng và Chính phủ trong việc tạo đà cho doanh nghiệp phát triển, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn nhiều băn khoăn xoay quanh quy định này.

Cụ thể, doanh nghiệp đặt câu hỏi: Có phải 1 năm tất cả cơ quan, ban, ngành chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần không? Hay mỗi lĩnh vực riêng biệt (như thuế, hải quan, lao động, bảo hiểm...) thì được thanh tra hoặc kiểm tra quá 1 lần/năm? Hay tất cả lĩnh vực thì không được thanh tra quá 1 lần/năm và kiểm tra quá 1 lần/năm…

Bài liên quan