Doanh nghiệp đăng ký vốn 6 tỷ đô la, trường hợp 'bịa vốn' không hiếm

Thứ tư, 26/02/2020, 13:30 PM

Trước thông tin một doanh nghiệp ở Hà Nội đăng ký thành lập với số vốn 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD) nhiều người cho rằng không phải lạ bởi trường hợp khai man, bịa vốn rất nhiều.

Doanh nghiệp ở Hà Nội đăng ký thành lập với số vốn 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD). (Ảnh minh họa).

Doanh nghiệp ở Hà Nội đăng ký thành lập với số vốn 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD). (Ảnh minh họa).

Gần đây, dư luận đang xôn xao trước thông tin một doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Hà Nội với số vốn 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD).

Thông tin với báo chí, đại diện Cục Đăng ký kinh doanh cho biết doanh nghiệp này thành lập ngày 17/1 và có trụ sở chính tại huyện Đan Phượng.

Vị này cho hay theo Luật Doanh nghiệp, cơ quan chức năng tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện tại, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Tuy nhiên, Cục Đăng ký kinh doanh cho biết đang theo dõi chặt chẽ, chủ yếu liên quan đến việc góp vốn mà không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Theo đó, nếu sau 90 ngày (thời hạn góp vốn), sẽ yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình góp vốn.

Thông tin doanh nghiệp đăng ký vốn trên 6 tỷ đô la khiến dư luận cảm thấy bất ngờ bởi hiện tại nhiều doanh nghiệp lớn cũng chưa có số vốn đến con số tỷ đô như doanh nghiệp mới thành lập kia. Cũng chính bởi thế nhiều người nghi ngờ việc doanh khiệp đăng ký vốn 6 tỷ đô la có thể không đúng sự thật.

Trên thực tế, quá trình tác nghiệp PV cũng từng bắt gặp rất nhiều trường hợp "khai man" vốn khi đăng ký kinh doanh. Tiêu biểu là trường hợp của một Công ty về dược phẩm có địa chỉ đăng ký tại phường Định Công (Hà Nội).

Theo đó, doanh nghiệp này có thông tin đăng ký vốn đến cả chục tỷ đồng nhưng trên thực tế chủ doanh nghiệp chỉ là những sinh viên mới ra trường, lập công ty để kinh doanh thực phẩm chức năng. Trụ sở đăng ký chỉ là "mượn" phòng trọ.

Chia sẻ với PV, bạn trẻ đại diện cho Công ty này thừa nhận hiện nay việc đăng ký kinh doanh, thành lập công ty khá dễ dàng cũng vì thế những bạn trẻ này trong một phút "bốc đồng" đã khai vốn đăng ký với con số cả chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ sau khoảng thời gian ngắn thành lập với việc hoạt động buôn bán TPCN không hiệu quả công ty đã giải tán, trụ sở hiện cũng không rõ ở đâu.

Trước vấn đề trên, nhiều người đặt câu hỏi vậy việc đăng ký khai vốn dễ dàng như hiện nay thì quá trình kinh doanh, hợp tác cùng ngân hàng, hợp tác cùng đối tác khác xảy ra tranh chấp thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư hiện tại thì việc xác định vốn điều lệ của doanh nghiệp được pháp luật tôn trọng quyền tự quyết, tự chủ về tài chính (trừ các trường hợp yêu cầu về vốn pháp định).

Các doanh nhân, pháp nhân kể cả trong nước hoặc nước ngoài khi muốn thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thì phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư, thành lập doanh nghiệp. Khi đã đảm bảo hồ sơ và các điều kiện theo quy định của luật về thành lập mới doanh nghiệp thì sẽ hoạt động như trong giây phép đăng ký kinh doanh.

Luật sư Hoàng Tùng.

Luật sư Hoàng Tùng.

Vốn điều lệ công ty là tổng số vốn do các thành viên hoặc cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty. Theo quy định tại Điều 35 Luật doanh nghiệp mới nhất 2014 thì:

1. Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

2. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.

Theo quy định tài Điều 48, 74, 112 thì thời hạn góp vốn (hoàn thành vốn góp theo thỏa thuận và đăng ký) là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận hoặc theo điều lệ của công ty.

Trong trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.

Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.

Theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 50/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký.Biện pháp khắc phục được áp dụng:

c) Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này;

Bài liên quan