Doanh nghiệp FDI lớn mạnh, GDP tăng nhưng nguồn lực kinh tế bị thu hẹp

Chủ nhật, 17/03/2019, 18:28 PM

Theo TS. Bùi Trinh, xét theo nguyên tắc thường trú thì sự lớn mạnh của khu vực FDI có thể làm tăng GDP nhưng lại làm nguồn lực của nền kinh tế ngày càng bị thu hẹp.

doanh-nghiep-fdi-lon-manh-gdp-tang-nhung-nguon-luc-kinh-te-bi-thu-hep
Theo TS. Bùi Trinh, xét theo nguyên tắc thường trú thì sự lớn mạnh của khu vực FDI có thể làm tăng GDP nhưng lại làm nguồn lực của nền kinh tế ngày càng bị thu hẹp. Ảnh minh họa

Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào thì kỳ vọng của họ đều nhằm tới mục đích gia tăng lợi nhuận và mở rộng thị phần.Đối với một Quốc gia, đặc biệt là một nước có nền kinh tế kém hoặc đang phát triển thì họ kỳ vọng gì vào đầu tư trực tiếp nước ngoài?

Về nguyên tắc sự kỳ vọng của các quốc gia vào FDI, thứ nhất đó là luồng tiền (luồng ngoại tế); Thứ hai là mở mang thị trường nội địa nhằm tăng giá trị sản phẩm nội trong chuỗi giá trị toàn cầu; Thứ ba là chuyển giao công nghệ cải thiện khả năng R&D, bốn là tạo việc làm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Như vậy đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn vốn có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó khi lượng vốn FDI chảy vào có xu hướng tăng qua các năm và được chứng minh có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù luồng vốn đầu tư từ khu vực FDI được kỳ vọng tạo tăng trưởng cho Việt Nam. Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh cho biết, theo số liệu từ Tổng cục thống kê tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất và nếu so năm 2013 với năm 1995 thì chỉ giảm 1,6 điểm phần trăm (từ 42% xuống 40,4%); một điều đặc biệt là kể từ khi hội nhập WTO năm 2007 đến nay vốn đầu tư cho khu vực kinh tế Nhà nước lại có xu hướng tăng lên, trong khi đó khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI lại có xu hướng giảm xuống.

Mặc dù số vốn của khu vực FDI chỉ chiếm khoảng 22% trong tổng vốn nhưng giá trị xuất nhập khẩu của khu vực này ngày càng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá trị xuất nhập khẩu. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam luôn ở trong tình trạng nhập siêu cao, cao nhất là năm 2008 với tổng mức nhập siêu lên đến trên 18 tỷ USD.

“Đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, vấn đề nhập siêu cũng không hẳn là không tốt, nếu các hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.

doanh-nghiep-fdi-lon-manh-gdp-tang-nhung-nguon-luc-kinh-te-bi-thu-hep
Không ít doanh nghiệp FDI dính nghi án chuyển giá trốn thuế. 

Tuy nhiên trên thực tế, các loại hàng hóa nhập khẩu lại chủ yếu phục vụ cho khu vực FDI, một khu vực mà hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu… dùng cho sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu, rồi sau đó lại phục vụ cho xuất khẩu. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như điện tử; máy tính và linh kiện; điện thoại và các loại linh kiện; hàng dệt may; giày dép..., lại mang nặng tính lắp ráp gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, hiệu quả thu về cho nền kinh tế cũng không nhiều”, TS. Bùi Trinh cho biết.

Bùi Trinh cho biết, xét theo nguyên tắc thường trú thì sự lớn mạnh của khu vực FDI có thể làm tăng GDP nhưng lại làm nguồn lực của nền kinh tế ngày càng bị thu hẹp thông qua chỉ tiêu GNI, NDI và Tiết kiệm (saving) của nền kinh tế, trong khi những chỉ tiêu này của nước chủ quan các doanh nghiệp FDI lại tăng.

“Ngoài việc khu vực FDI có trình độ quản lý tốt, nguồn vốn mạnh các chính sách của Việt Nam  làm lợi cho khu vực này quá nhiều, trong khi doanh nghiệp ngoài Quốc doanh trong nước không được những ưu đãi này.

Không thể hiểu người ta nghĩ gì khi miễn thuế cho các doanh nghiệp làm gia công (mà FDI cơ bản sản xuất gia công), nếu doanh nghiệp nội cũng nhập loại hàng hóa đó để sản xuất bán trong nước thì phải chịu thuế nhập khẩu, thuế VAT hàng nhập khẩu nhưng những doanh nghiệp làm gia công lại được miễn thuế”, TS. Bùi Trinh nói.

doanh-nghiep-fdi-lon-manh-gdp-tang-nhung-nguon-luc-kinh-te-bi-thu-hep
Doanh nghiệp FDI lớn mạnh, GDP tăng nhưng nguồn lực kinh tế bị thu hẹp. Ảnh H.Lực

Cũng theo TS. Bùi Trinh, doanh nghiệp FDI còn được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp “các doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại khu kinh tế được áp dụng mức thuế suất 10% trong thời gian 15 năm liên tục kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu”.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong khu kinh tế sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi kinh doanh có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

“Ngay trong nông nghiệp một lĩnh vực được ưu tiên, nhưng sản xuất nông nghiệp và đầu vào của nông nghiệp như thuốc trừ sâu lại “được” hưởng chính sách không chịu thuế. tức là VAT đầu vào không được khấu trừ. Trong khi xuất khẩu “hộ” lại “chịu” thuế suất bằng 0, tức là vừa không chịu thuế vừa được khấu trừ VAT đầu vào. Tại sao doanh nghiệp nội khi bán sản phẩm trong nước không được ứu đãi về chính sách thuế mà chỉ doanh nghiệp FDI được hưởng? Người Việt Nam chịu khổ quen rồi nên tiếp tục chịu đựng sao?”, TS. Bùi Trinh lấy ví dụ.

Với chính sách ưu đãi về thuế như vậy, theo TS. Bùi Trinh khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước không thể vượt quá 8% GDP trong suốt 15 năm qua, sự chuyển đổi cơ cấu sở hữu trong GDP chỉ là sự chuyển đổi giữa hai khu vực được ưu đãi là doanh nghiệp Nhà nước và khu vực FDI.

“Nếu không có gì thay đổi hoặc chỉ thay đổi bằng lời nói thì trong nhiều năm tới khu vực kinh tế cá thể vẫn là chủ đạo (đóng góp trên 30% GDP) trong lúc khu vực FDI không được quan lý và ràng buộc chặt chẽ. Như vậy hội nhập CPTPP sẽ là sân chơi của các doanh nghiệp FDI và nước khác mà thôi”, TS. Bùi Trinh cho hay.

 

Giữa tâm bão tiêu chuẩn nước mắm, cổ phiếu Tập đoàn Masan liên tiếp giảm

Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đã giảm 3,6% sau 4 phiên giảm và 1 phiên tăng giá, đóng cửa ở mức giá 86.500 đồng/cp tuần qua.

 

Ngân hàng Nam Á: Lùm xùm cổ đông sáng lập tố mất tài sản, siết nợ chung cư ngay trước Đại hội đồng cổ đông 2019

Trước kỳ Đại hội đồng cổ đông dự kiến diễn ra tuần sau (ngày 23/3) Ngân hàng TMCP Nam Á – Ngân hàng Nam A Bank đang phải xử lý loạt thông tin bên lề.

 

Tin tức kinh tế trong tuần: Nóng dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm

Nguyên Tổng Giám đốc PVEP bị truy tố, tranh cãi xung quanh dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước.... là những tin tức kinh tế gây "bão" dư luận tuần qua.