Doanh nghiệp lao đao, lao động chịu khổ vì 'Hải Phòng không sang được Hải Dương'

Thứ ba, 14/04/2020, 13:13 PM

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã gặp khó khăn, thậm chí phải dừng dây chuyền sản xuất vì người lao động ở Hải Phòng không sang được Hải Dương.

Nhiều doanh nghiệp ở Hải Dương phải dừng dây chuyền sản xuất bởi Hải Phòng ra quy định kiểm soát chặt lao động. (Ảnh: CTV).

Nhiều doanh nghiệp ở Hải Dương phải dừng dây chuyền sản xuất bởi Hải Phòng ra quy định kiểm soát chặt lao động. (Ảnh: CTV).

Mới đây, UBND huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) đã có văn bản gửi UBND TP Hải Phòng đề nghị tạo điều kiện cho công nhân sang làm việc tại một số doanh nghiệp, Công ty trên địa bàn huyện Tứ Kỳ được đi về hàng ngày khi người lao động xuất trình đầy đủ thẻ công nhân và thẻ căn cước.

Đồng thời cho phép các công nhân trên địa bàn huyện Tứ Kỳ đang làm việc tại các Công ty, doanh nghiệp trên địa bàn các quận, huyện TP Hải Phòng cũng được đi về hàng ngày.

Trước đó, ngày 4/4, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã ký văn bản hỏa tốc yêu cầu các chốt kiểm soát người ra vào TP Hải Phòng. Trong đó, yêu cầu nếu là người từ các địa phương có dịch thì lập tức đưa đi cách ly tập trung 14 ngày. Việc này khiến nhiều công nhân từ địa phương này đồng loạt phải nghỉ việc do không thể “vượt chốt” kiểm soát dịch bệnh của Hải Phòng để đi làm.

Trong khi đó, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) vị trí giáp ranh một số huyện của TP Hải Phòng nên là nơi tiếp nhận hàng nghìn công nhân từ Hải Phòng sang làm việc nên nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn.

Là một trong số các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ việc lao động không đi lại được giữa 2 địa phương, Công ty GFT Việt Nam (đóng trên địa bàn huyện Tứ Kỳ - Hải Dương) đang đứng trước nguy cơ bị phạt hợp đồng do dừng nhiều chuyền sản xuất.

Bà Lương Ngọc Hân - Phó Giám đốc Công ty GFT Việt Nam, cho biết: Công ty có 7.000 lao động, trong đó hơn 1.200 công nhân là người Hải Phòng.

Văn bản của huyện Tứ Kỳ - Hải Dương.

Văn bản của huyện Tứ Kỳ - Hải Dương.

Gần đây, TP Hải Phòng thực hiện kiểm soát, chốt chặn dẫn đến việc người lao động vì lo ngại bị cách ly tập trung nên đã đồng loạt gửi đơn xin nghỉ việc. Trong đó có những công nhân kỹ thuật cao không thể thay thế nên nhà máy phải ngưng 1 nửa dây chuyền sản xuất.

Trong khi đó, ông Lin Yun Chen - Giám đốc Công ty Bai Hong phản ánh: Công ty có 1700 công nhân, trong đó có hơn 320 người từ Hải Phòng và do việc "kiểm soát" của địa phương đã khiến gần 300 công nhân không thể đến nhà máy. Điều này dẫn đến việc Công ty phải dừng một số dây chuyền sản xuất dẫn đến nguy cơ đóng cửa.

“Đã có khoảng 300 công nhân ở nhà, không đến nhà máy. Chỉ 1 số ít chấp nhận xa gia đình sang đây ở trọ. Nhưng Tứ Kỳ lại không có nhiều nhà trọ cho thuê, nên họ phải ở ghép, ở nhờ chen chúc nhau trái quy định giãn cách xã hội của Chính phủ”, ông Lin Yun Chen nói.

Ông Lin Yun Chen - Giám đốc Công ty Bai Hong. (Ảnh: CTV).

Ông Lin Yun Chen - Giám đốc Công ty Bai Hong. (Ảnh: CTV).

Đáng chú ý, ông Lin Yun Chen cho biết, đơn vị có 4 chuyên gia người Nhật ở đây làm việc từ trước Tết (thời điểm chưa có dịch). Họ ở 1 khách sạn 4 sao tại Hải Phòng. Từ ngày 6/4, họ không được đi làm như thông lệ bởi vướng lệnh cấm. Việc này khiến cho doanh nghiệp hết sức hoang mang.

Cá nhân ông Lin cho rằng, Hải Phòng đang có những chính sách cứng nhắc, phiền hà gây khó khăn cho việc sản xuất của doanh nghiệp. "Chống dịch phải khoa học, không nên để ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp...", Giám đốc Công ty Bai Hong bày tỏ.

Thông qua tổ chức Công đoàn lao động huyện Tứ Kỳ, vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp đã gửi văn bản kêu cứu. Trong danh sách đó, không ít doanh nghiệp đưa ra lý do lao động ở Hải Phòng không sang được.

Trong khi các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tứ Kỳ gặp khó, nhiều công nhân người Hải Phòng làm việc tại Hải Dương cũng gặp cảnh chéo ngoe khi có nhà mà không được về.

Phản ánh đến báo chí, anh Trần Minh T. (31 tuổi, làm việc tại Công ty GFT Việt Nam) cho hay: Ngày 5/4, anh từ nhà mình ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đi xe đạp sang nhà máy tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) để làm ca 2. Tuy nhiên, khi tan ca anh đi về lại nhà thì bị Tổ kiểm dịch tại vị trí giáp ranh của Hải Phòng chặn lại.

“Họ nói, một là tôi quay trở lại huyện Tứ Kỳ (của tỉnh Hải Dương), hai là về thì đi cách ly 14 ngày”, anh T. cho biết và nói rằng, do sợ cách ly, mất việc nên đã quay lại nhà bạn xin tá túc. Trong suốt 9 ngày qua nay, anh phải ăn nhờ, ngủ cậy và mặc tạm quần áo của ông bạn cùng nhà máy. Trong khi nhà anh cách đó không xa.

Cũng khổ sở vì việc "kiểm soát" của Hải Phòng, chị Lã Thị Ngân H. (30 tuổi, ở xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) cho biết, bản thân chị sợ mất việc nên phải sang huyện Tứ Kỳ thuê trọ, việc này khiến đứa con trai của chị gặp khó trong việc học hành.

"Mẹ đi ở trọ nên con trai tôi ở nhà không có ai mở máy tính cho học trực tuyến thế là nghỉ học, chấp nhận thiếu hổng kiến thức...", Nữ công nhân này cho biết.

Ở diễn biến khác, trước những phản ánh của báo chí, Sở TT&TT TP Hải Phòng đã có công văn gửi UBND huyện Tứ Kỳ Hải Dương, trong đó khẳng định địa phương này chưa ban hành "lệnh cấm" nào liên quan đến việc phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, không có bất kỳ chỉ đạo nào mang tính "kỳ thị" đối với người dân ở các địa phương khác. 

Sở TT&TT Hải Phòng cho rằng, thời gian qua các cấp ngành và nhân dân TP này đã nỗ lực cùng với các địa phương trong cả nước thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động đến các cơ quan, đơn vị công tác làm việc theo quy định.

Bài liên quan