Doanh nghiệp Mỹ rời bỏ Trung Quốc, cơ hội nào để Việt Nam đón sóng đầu tư?

Thứ bảy, 24/08/2019, 18:30 PM

Các chuyên gia dự báo sẽ có làn sóng doanh nghiệp Mỹ rời bỏ Trung Quốc sau tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên trang cá nhân.

se-co-lan-song-doanh-nghiep-my-roi-bo-trung-quoc
Các chuyên gia dự báo sẽ có làn sóng doanh nghiệp Mỹ rời bỏ Trung Quốc sau tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên trang cá nhân. Ảnh minh họa

Cuộc thương chiến Mỹ - Trung bất ngờ tăng nhiệt khi giới chức Bắc Kinh hôm 23/8 công bố áp thuế mới với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong đó ô tô có thể là một trong những hàng hóa sẽ bị đánh thuế. Ngay tối 23/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đáp trả loạt thuế mới của Trung Quốc bằng cách tăng 5% thuế đối với 550 tỷ USD hàng hoá nước này, trong động thái “ăn miếng trả miếng” mới nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đồng thời, trên trang cá nhân mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị các doanh nghiệp Mỹ "ngay lập tức bắt đầu tìm phương án thay thế Trung Quốc, trong đó có đưa công ty về quê hương và sản xuất tại Mỹ". Ông cũng yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển nước này, như FedEx, Amazon, UPS và USPS "rà soát và từ chối tất cả đơn hàng giao Fentanyl từ Trung Quốc hoặc bất kỳ nơi nào khác".

UPS đã ra thông báo cho biết họ "đang hợp tác chặt chẽ với giới chức để kiểm soát các sản phẩm bị cấm" và "luôn tuân thủ luật pháp tại nơi hoạt động". FedEx cũng khẳng định họ có các biện pháp giám sát chặt để mạng lưới của mình không bị lợi dụng cho mục đích phi pháp.

Quan ngại của Trump về lợi ích các công ty Mỹ mang lại cho Trung Quốc là có cơ sở. Theo thống kê của viện nghiên cứu Rhodium Group, các công ty Mỹ đầu tư tổng cộng 256 tỷ USD vào Trung Quốc từ năm 1990 đến 2017, gần gấp đôi so với tổng vốn đầu tư 140 tỷ USD của các công ty Trung Quốc vào Mỹ.

Tuy nhiên, Trump sẽ gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục các công ty Mỹ chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc, bởi động thái này sẽ tốn rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, không ít công ty Mỹ, chẳng hạn các công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, dịch vụ và bán lẻ chắc chắn sẽ khước từ áp lực buộc họ rời khỏi một thị trường không những lớn mà còn đang phát triển nhanh chóng như Trung Quốc.

Để buộc các công ty Mỹ làm theo yêu cầu của mình, Tổng thống Trump nắm trong tay một số công cụ hành pháp vốn không cần xin sự phê chuẩn từ quốc hội. Điều đầu tiên mà ông có thể làm là tiếp tục tăng thuế nhằm bóp nghẹt lợi nhuận của các công ty đến khi họ cảm thấy hoạt động ở Trung Quốc không còn giá trị.

Hàng rào thuế quan ngày càng cao mà Trump dựng lên không chỉ khiến việc mua linh kiện từ các nhà cung cấp Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn, mà còn gây ảnh hưởng tới những công ty Mỹ sản xuất hàng hóa thông qua các liên doanh ở Trung Quốc.

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2018 (VBF 2018) ở Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), ông Michael Kelly, cho rằng căng thẳng đang diễn ra trong thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc đã làm nổi bật rủi ro của các cơ sở sản xuất tập trung ở một quốc gia đơn lẻ và đang kích hoạt việc tái tổ chức chuỗi cung ứng.

Một cuộc khảo sát gần đây của AmCham tới các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc cho thấy 1/3 đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước khác trong bối cảnh căng thẳng trong thương mại. Một cuộc khảo sát riêng biệt của các công ty nước ngoài từ các quốc gia khác cho thấy một nửa đang cân nhắc việc di dời, và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ.

"Trung Quốc vẫn sẽ là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng việc các công ty và các nhà cung cấp di chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đang có được lợi ích từ một số doanh nghiệp đó. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng triệt để cơ hội này để tiếp tục giữ vững tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng"- ông Michael Kelly nói.

Theo ông Daniel J.Krirenbrink - đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đặc biệt trong hai thập kỷ vừa qua. Do đó, với vai trò là một trong những đối tác quan trọng, chính phủ Hoa Kỳ ưu tiên thúc đẩy thương mại và đầu tư với Việt Nam.

Đáng chú ý là Việt Nam đang có nhiều sự thay đổi và nhiều công ty lớn cũng đang có chuyển dịch vào Việt Nam. Do đó, ông Daniel J.Krirenbrink cho biết các doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn cùng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt trong bối cảnh của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, theo ông Daniel J.Krirenbrink, Việt Nam có những lợi thế lớn thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đa quốc gia như lực lượng lao động dồi dào, kinh tế phát triển ổn định. Tuy nhiên ông cũng lưu ý đến tính ổn định các chính sách để đảm bảo môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp. 

"Việt Nam có những thách thức trong việc tăng cường khả năng định vị hơn nữa. Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm trên 90% trong tổng số doanh nghiệp, nhưng chỉ đóng góp khoảng 40% vào GDP, chỉ 1/4 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu" - đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói.

Theo ông, giá trị tiềm năng để tăng khả năng nội địa hóa trong xuất khẩu thông qua chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam là 115 tỉ USD. Tiềm năng phát triển cho Việt Nam qua việc đẩy mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu khoảng 58 tỉ USD.

Tuy nhiên, ông Daniel J.Krirenbrink cho rằng do doanh nghiệp Việt không hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nên đã bỏ lỡ mất cơ hội này. Trong khi đây là con đường để nâng nâng cao năng suất của Việt Nam.

Vì vậy, ông đại sứ cho rằng cần phải đưa doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy quá trình nâng cao năng suất, sự đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

 

Có nét giống Donald Trump và Kim Jong-un bạn sẽ được ăn pizza miễn phí

Đó là khẳng định của chủ cửa hàng bánh Pizza tại đường Đại Cổ Việt (TP Hà Nội), mỗi thực khách chỉ cần để kiểu tóc giống nhà lãnh đạo Mỹ-Triều hay có tên "Kim", "Trung" là được mời vào ăn bánh miễn phí.

 

Trung Quốc giảm lãi suất, tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ: Ảnh hưởng xuất khẩu của Việt Nam

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất cho vay cơ bản, cùng với động thái phá giá đồng Nhân dân tệ, các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam được nhận định sẽ khó cạnh tranh.

 

Giá sắt thép nhập từ Trung Quốc về Việt Nam giảm mạnh

Nguyên nhân việc giá sắt thép nhập từ Trung Quốc về Việt Nam giảm mạnh do nước này phá giá đồng Nhân dân tệ. Trước đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định áp hơn 400% mức thuế đối với thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.