Doanh nghiệp ngang nhiên xây dựng 'lâu đài' không phép giữa thành phố, cần xử lý nghiêm để làm gương

Thứ năm, 02/01/2020, 11:06 AM

Sau 04 lần ban hành văn bản yêu cầu tháo dỡ nhưng Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài Ven Sông vẫn phớt lờ và có dấu hiệu “chống lệnh”. Mới đây, Chủ tịch UBND quận 4 (TP HCM) Trần Hoàng Quân đã có văn bản báo cáo UBND TP HCM về việc xử lý vi phạm công trình xây dựng không phép tại Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Riverside Palace (360 - 360D Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4, TP HCM).

doanh-nghiep-ngang-nhien-xay-dung-lau-dai-khong-phep-giua-thanh-pho-can-xu-ly-nghiem-de-lam-guong
Công trình Riverside Palace tọa lạc ở số 360-360D Bến Vân Đồn, quận 4, nằm sát bên rạch Bến Nghé, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài Ven Sông.

 Cấp quận “bất lực” với doanh nghiệp xây sai phép

Công trình Riverside Palace tọa lạc ở số 360-360D Bến Vân Đồn, quận 4 (TP HCM) nằm sát bên rạch Bến Nghé, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài Ven Sông (Công ty Lâu Đài Ven Sông). Ngay bên kia rạch là khu trung tâm quận 1 và cách UBND phường 1 chỉ vài trăm mét. Với vị trí đắc địa, trung tâm này được xây dựng hoành tráng như tòa lâu đài trắng tráng lệ.

doanh-nghiep-ngang-nhien-xay-dung-lau-dai-khong-phep-giua-thanh-pho-can-xu-ly-nghiem-de-lam-guong
Văn bản trả lời báo chí của UBND quận 4.

Trước đó, để tạo điểm nhấn cho tòa nhà này, đồng thời làm đẹp cho đô thị quận 4, tháng 11/2015, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Khahomex - đơn vị thuê đất) đã xin phép cải tạo sảnh đón khách ngoài trời ngay mặt tiền bằng vật liệu sắt, khung thép, mái kích, vách kính với diện tích 250 m2.

Tuy nhiên, trước khi cho khởi công công trình, UBND quận 4 đề nghị Khahomex phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan có thẩm quyền hoàn tất các thủ tục giao thuê đất theo quy định do một phần diện tích xin lắp khung, vách kính chưa được cơ quan thẩm quyền giao cho Khahomex.

Trong khi Khahomex được xác định chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo yêu cầu của UBND quận 4 thì trung tâm này đã được đơn vị thuê lại thực hiện cải tạo phần mặt tiền tòa nhà. Do đó đến đầu tháng 8, quận 4 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng không phép 261,184 m2 của trung tâm trên.

Ngay cuối tháng 8/2019, quận 4 ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại Riverside Palace đối với tổ chức vi phạm là Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Lâu Đài Ven Sông (Riverside - đơn vị thuê tài sản trên đất của Khahomex, tức thuê tòa nhà Riverside Palace và khai thác).

Đến ngày 10/9, khi quận 4 tống đạt quyết định trên thì Riverside lại không nhận quyết định theo quy định. Sau đó, liên tiếp các ngày 25/9, 1/10, 8/10, UBND phường 1, quận 4 đã ra các thông báo đến Riverside đề nghị công ty tự tháo dỡ công trình vi phạm nhưng đơn vị này vẫn không thực hiện. 

Ngày 29/10, một lần nữa UBND quận 4 ban hành tiếp quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với công trình xây dựng không phép tại Riverside Palace.

Trong báo cáo ngày 19/12/2019, quận 4 gửi UBND TP.HCM về trường hợp này nêu rất rõ thời gian tiến hành cưỡng chế là ngày 20/12/2019. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, phần xây không phép trước mặt tiền Riverside Palace vẫn còn nguyên vẹn như thách thức pháp luật và dự luận.

Quận phải báo cáo Thành phố xử lý

Trong một động thái nhằm phản hồi thông tin báo chí, chủ đầu tư Riverside Palace cho rằng mình chỉ là đơn vị thuê lại tài sản của Khahomex và bỏ tiền đầu tư, kinh doanh khai thác hạng mục hơn 250 m2 trước mặt tiền chứ không phải là bên đứng tên trên hồ sơ pháp lý về quyền sử dụng đất.

“Việc quận 4 xác định Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Lâu Đài Ven Sông là tổ chức có hành vi vi phạm và ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là không phù hợp với quy định của pháp luật, sai chủ thể pháp lý”, chủ đầu tư Riverside Palace cho biết.

doanh-nghiep-ngang-nhien-xay-dung-lau-dai-khong-phep-giua-thanh-pho-can-xu-ly-nghiem-de-lam-guong
Phần xây dựng sai phép của Công ty Lâu Đài Ven Sông.

Được biết, Công ty Lâu Đài Ven Sông đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu TAND TP HCM hủy quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các quyết định cưỡng chế của UBND quận 4.

Phản hồi lại thông tin từ Công ty Lâu Đài Ven Sông, ông Trần Thái Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Khahomex) cho biết: Phần diện tích xây dựng trái phép tại Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Riverside Palace là do Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài Ven Sông (Công ty Lâu Đài Ven Sông) tự ý tổ chức thi công xây dựng, sử dụng và quản lý, bất chấp khiếu nại của Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội đến các cơ quan chức năng. Hành vi vi phạm của Công ty Lâu Đài Ven Sông không có bất cứ liên quan nào đến Khahomex.

Theo hợp đồng ký kết thì phần diện tích xây dựng không phép của Công ty Lâu Đài Ven Sông nằm ngoài hợp đồng thuê tài sản trên đất đã ký kết giữa hai bên. Hành vi vi phạm của Công ty Lâu Đài Ven Sông còn gây thiệt hại nghiêm trọng về hình ảnh và hoạt động kinh doanh của Khahomex.

Ngoài ra, theo Khahomex, trong biên bản làm việc được cơ quan chức năng tổ chức giữa ba bên thì Khahomex không có bất kỳ văn bản nào cho phép Công ty Lâu Đài Ven Sông xây dựng. Đồng thời, Công ty Lâu Đài Ven Sông đã từng thừa nhận hành vi sai phạm của mình trước cơ quan có thẩm quyền.

doanh-nghiep-ngang-nhien-xay-dung-lau-dai-khong-phep-giua-thanh-pho-can-xu-ly-nghiem-de-lam-guong
Công ty Lâu Đài Ven Sông do ông Nguyễn Cao Trí làm đại diện pháp luật. Ảnh Viettimes

Trước sự tranh cãi giữa Khahomex và Lâu Đài Ven Sông, cùng với sự “chây ỳ”, “chống lệnh’ của doanh nghiệp bị cưỡng chế, mới đây, Chủ tịch UBND quận 4 Trần Hoàng Quân đã có văn bản báo cáo UBND TP HCM về việc xử lý vi phạm công trình xây dựng không phép tại Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Riverside Palace (360 - 360D Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4, TPHCM).

Được biết, Công ty Lâu Đài Ven Sông do ông Nguyễn Cao Trí làm đại diện pháp luật. Công ty có 12 cổ đông sáng lập, trong đó có 7 pháp nhân và 5 cá nhân.

Các pháp nhân của doanh nghiệp này gồm: Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phan Thành chiếm 300.000 cổ phần; Công ty cổ phần Văn hóa Tổng hợp Bến Thành 270.000 chiếm cổ phần; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khánh Hội chiếm 405.000 cổ phần; Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Xuất nhập khẩu Như Ngọc chiếm 135.000 cổ phần; Công ty cổ phần Tập đoàn Capella chiếm 810.000 cổ phần; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Giày Dép Nam Á chiếm  270.000 cổ phần; Công ty cổ phần Đầu tư Đại Thủ đô 245.000 chiếm cổ phần.

Còn lại là các cá nhân gồm: bà Nguyễn Thu Nga (70 Trần Hưng Đạo, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) 85.000 cổ phần; bà Nguyễn Thanh Hà (35 Calmette, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) 135.000 cổ phần; bà Bùi Thị Thu Hoài (số 5 lô B, 590 Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3) 270.000 cổ phần; bà Võ Thị Ngọc Loan (số 16Q Cư xá Phú Lâm, phường 10, quận 6) 25.000 cổ phần; Đào Ngọc Bảo Phương (14/1 Trần Hưng Đạo, phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) 50.000 cổ phần.

Ngoài đứng đại diện pháp luật cho Công ty Lâu Đài Ven Sông, ông Trí còn là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Capella (Tập đoàn Capella; 136 - 138 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM).

Ngoài vai trò là một doanh nhân, hiện ông Trí còn là Chủ tịch Hội doanh nghiệp quận 1 (nhiệm kỳ 2018 - 2023); Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Văn Lang.

Người dân TP HCM và cả nước đang chờ biện pháp xử lý quyết liệt, dứt điểm từ chính quyền để làm gương, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

 

Những lưu ý với người mua nhà năm 2020

Từ đầu năm 2020, nhiều chính sách đất đai, xây dựng thay đổi bắt đầu có hiệu lực vì thế người mua nhà, người có ý định xây nhà cần phải chú ý.

 

Chính sách bất động sản có hiệu lực từ đầu năm 2020

Dưới đây là những chính sách bất động sản nổi bật có hiệu lực từ đầu năm 2020.

 Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/doanh-nghiep-ngang-nhien-xay-dung-lau-dai-khong-phep-giua-thanh-pho-can-xu-ly-nghiem-de-lam-guong-147972.html