Doanh nghiệp Trung Quốc chạy sang Việt Nam trốn thương chiến, nhưng không dễ

Thứ sáu, 23/08/2019, 12:53 PM

Với việc Mỹ và Trung Quốc vướng vào cuộc chiến thương mại, các doanh nghiệp Trung Quốc muốn chuyển sang Việt Nam để “trốn”, nhưng điều này không hề dễ dàng gì, tờ Wall Street Journal ngày 21/8 nhận định.

Nhà máy sản xuất của Omnidex ở tỉnh Bình Dương.
Các kĩ sư tại nhà máy sản xuất của Omnidex ở tỉnh Bình Dương.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có sản xuất ở Trung Quốc cho biết họ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Rất ít công ty đang có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn, nhưng những công ty sản xuất hầu hết ở Trung Quốc đang khẩn trương tìm cách chuyển sản xuất sang nước khác để tránh thuế nhập khẩu cao vào Mỹ.

Việc chuyển hướng này đã xuất hiện vài năm qua nhưng vì lý do lao động ở Việt Nam có xu hướng rẻ hơn Trung Quốc và các chính sách nhà nước cởi mở. Tuy nhiên, nó bắt đầu diễn ra mạnh mẽ hơn kể từ hơn một năm trước khi Mỹ và Trung Quốc có những dấu hiệu sẽ đối đầu thương mại.

Một số công ty đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang các nước Đông Nam Á hoặc các nơi khác, trong khi vẫn tiếp tục sản xuất ở Trung Quốc cho thị trường Trung Quốc và thị trường ngoài nước Mỹ. Đây gọi là chiến lược mà họ gọi là Trung Quốc + 1.

Câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp có sản xuất ở Trung Quốc đang đặt ra là: “Chúng ta nên đi đâu?”.

Nhà sản xuất máy ảnh GoPro đang chuyển phần lớn sản xuất cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Guadalajara, Mexico trong khi các phần còn lại tại Trung Quốc phục vụ cho thị trường ngoài Mỹ. Công ty sản xuất máy hút bụi Hoover Techtronic Industries dự định thành lập một nhà máy mới tại Việt Nam và bổ sung công suất cho các hoạt động tại Mississippi. Công ty cho biết sẽ duy trì một số phần sản xuất tại Trung Quốc trong ít nhất một thập kỷ.

doanh-nghiep-muon-chay-sang-viet-nam-de-tron-thuong-chien-nhung-khong-he-de
Ảnh minh họa

Kết quả là, một cục diện sản xuất toàn cầu mới đang bắt đầu hình thành. Các hoạt động sản xuất rời Trung Quốc được chia vào các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam được chú ý nhất, và một phần nhỏ đến Mỹ.

Tuy nhiên, việc tạo ra các trung tâm sản xuất khổng lồ thay Trung Quốc sẽ không xảy ra trong một đêm. Việt Nam cung cấp lao động giá rẻ, nhưng dân số gần 100 triệu người của Việt Nam nhỏ hơn gấp 10 lần so với 1,3 tỷ dân của Trung Quốc. Việt Nam cũng đang rơi vào tình trạng thiếu lao động khi các nhà sản xuất toàn cầu đổ xô vào đây để mở các nhà máy nhằm tránh thuế cao của Mỹ.

Các con đường và cảng ở Việt Nam hiện cũng đã rất đông đúc.

Ở Việt Nam, khó có thể tìm thấy các chuỗi cung ứng chuyên biệt đã biến Trung Quốc thành một cường quốc sản xuất điện thoại thông minh và thang nhôm, máy hút bụi và bàn ăn và nhiều sản phẩm khác. Các nhà máy có chứng nhận an toàn phục vụ cho thị trường Mỹ cũng như các máy móc cần đầu tư nhiều vốn cũng rất hiếm hoi.

Theo Wing Xu, một giám đốc của Omnidex, tập đoàn sản xuất máy bơm lớn cho nhà sản xuất thiết bị công nghiệp McLanahan Corp có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ, Trung Quốc có hệ thống hoạt động lâu năm có thể cung cấp bất cứ thứ gì doanh nghiệp muốn.

Omnidex đã chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam, nhưng trong số hơn 80 bộ phận máy bơm, họ mới chỉ có thể bắt đầu sản xuất 20 bộ phận vì thiếu thốn.

“Bạn không thể chuyển doanh nghiệp sang Việt Nam và mong muốn tìm thấy tất cả những gì bạn đang tìm kiếm”, Wing Xu nói.

doanh-nghiep-muon-chay-sang-viet-nam-de-tron-thuong-chien-nhung-khong-he-de
Ảnh minh họa

Mô hình của Trung Quốc trong 20 năm qua đã phát triển mạnh dựa trên việc các nhà cung cấp nằm gần nhau, giúp sản xuất nhanh hơn, ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn. Bây giờ, khi các hoạt động sản xuất bị phân tán hơn, chi phí có thể tăng, thời gian giao hàng bị kéo dài và khiến các công ty phải giải quyết thêm nhiều vấn đề về thuế và lao động phát sinh.

Không chỉ vậy, khi chuyển sản xuất sang Việt Nam, các công ty gặp khó khăn khi thực hiện các quy tắc phức tạp chi phối một sản phẩm phải có bao nhiêu phần trăm được sản xuất ở Việt Nam hay tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu để được cho là “Made in Việt Nam”, ông Willy C. Shih, một nhà kinh tế chuyên về sản xuất tại Trường Kinh doanh Harvard Business cho hay.

Omnidex trước đây có tên là ChinaSavvy, công ty do ông Christopher Devereux thành lập vào đầu những năm 2000, nhận đơn đặt hàng các sản phẩm kim loại phức tạp từ các công ty phương Tây và làm việc với các nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất chúng với giá cả cạnh tranh. Cuối năm 2018, sau Mỹ áp thuế với loại mặt hàng này, khách hàng của ông bắt đầu thúc giục ông rời khỏi Trung Quốc.

Ông Devereux đã kiểm tra hàng chục nhà máy tại Việt Nam và đổi thương hiệu cho công ty của mình là thành Omnidex dường như để mang tính toàn cầu và giảm yếu tố Trung Quốc.

Việc Omnidex di dời việc sản xuất máy bơm cho Tập đoàn McLanahan ở Pennsylvania sang Việt Nam đang tiến hành. Tuy nhiên, các máy bơm được tạo thành từ 80 bộ phận phải được đúc chính xác để tránh rò rỉ. Ông Devereux chọn chế tạo các bộ phận nhỏ trong các nhà máy gần thành phố Hồ Chí Minh nhưng điều này không dễ dàng.

Lớp phủ bột DuPont màu đỏ tươi rất khó tìm. Không có nhiều xưởng đúc đủ điều kiện để lựa chọn và những nhà sản xuất cho thị trường nội địa không phải lúc nào cũng có các chuyên gia kiểm soát chất lượng. Các kỹ sư từ Trung Quốc đã phải đi đi về về giữa Việt Nam và Trung Quốc để có thể cung cấp các mẫu chính xác.

Cuối cùng, các nhà điều hành của công ty đã quyết định không di chuyển việc sản xuất các bộ phận lớn hơn từ Trung Quốc sang Việt Nam. Máy bơm sẽ được sản xuất ở hai quốc gia. Điều này có nghĩa là họ không thể thoát hoàn toàn thuế cao từ Mỹ.

Vào mùa xuân năm 2019, ông Peter Zhao, người chịu trách nhiệm nhận sản xuất các thiết bị cho công ty thiết bị điện ECM Industries ở Wisconsin, đã từ bỏ hy vọng cuộc chiến thương mại sẽ kết thúc. Ông quay sang Google để tìm kiếm các đối tác ở Đông Nam Á và liên hệ với công ty trung gian Seditex ở Việt Nam.

Ông Zhao yêu cầu họ tìm một nhà máy có kinh nghiệm chế tạo đồng hồ vạn năng, đo điện áp và hiện đang được sản xuất tại Trung Quốc. Seditex kiểm tra mạng lưới của họ nhưng không thể tìm ra công ty đáp ứng được yêu cầu. Công ty phù hợp nhất là Viettronics chuyên sản xuất TV và các thiết bị khác.

Trong văn phòng của họ, một chuyên gia nghiên cứu và phát triển của Viettronic đã tháo dỡ chiếc đồng hồ vạn năng mẫu mà ông Zhao gửi sau đó kết luận: Công ty có thể tìm nhà cung cấp địa phương cho vỏ, dây cáp nhựa của thiết bị và lắp ráp đồng hồ vạn năng trong nhà máy của Viettronics, nhưng một số bộ phận chính, như mạch tích hợp, sẽ cần phải được nhập khẩu.

Đó là một vấn đề đối với ông Zhao. Ông đã quen với việc có thể mua gần như mọi thứ ở Trung Quốc kể từ khi sản xuất đồng hồ vạn năng chuyển từ Đài Loan đến Trung Quốc đại lục một thập kỷ trước. Theo thời gian, các nhà máy Trung Quốc đã tạo ra mô hình tinh chỉnh của riêng họ, dựa trên thế mạnh của mạng lưới cung ứng phát triển tốt của họ.

Tại Trung Quốc, ông Zhao không gặp vấn đề về thiết kế hoặc tìm kiếm các thành phần. Ông chỉ cần quan tâm đến thành phẩm và giá cuối cùng. Ông tương tác phần lớn với nhà cung cấp chính, chứ không phải các nhà cung cấp bên dưới và duy trì hoạt động tinh gọn.

Để chuyển sản xuất sang Việt Nam, ông cho biết sẽ phải phát triển chuỗi cung ứng xuyên biên giới, xác định các nhà máy ở Trung Quốc cho các bộ phận mà Việt Nam không có và đàm phán các tiêu chuẩn chất lượng, độ tương thích và giá cả. Ông chưa có nhân lực hay ngân sách cho việc đó.

Tuy nhiên, ông vẫn đang suy nghĩ về việc hợp tác để các bộ phận chính của Trung Quốc có thể được bọc trong vỏ nhựa do Việt Nam sản xuất và lắp ráp tại một nhà máy Việt Nam. Tuy nhiên, ông lo lắng nếu có sự cố xảy ra, các nhà cung cấp Trung Quốc và Việt Nam có thể đổ lỗi cho nhau.

“Đó là rủi ro. Có thể không hiệu quả và chi phí có thể quá cao”, ông cho hay.

 

Mỹ quan ngại Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí của Việt Nam

Hôm 22/8, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo báo chí bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về việc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông.

 

YouTube khóa 210 kênh miệt thị biểu tình Hong Kong có liên hệ với Trung Quốc

Sau Facebook và Twitter, YouTube cũng đã khóa nhiều tài khoản bị cáo buộc là một phần trong chiến dịch do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ nhằm phá hoại các cuộc biểu tình ở Hong Kong, Google cho biết hôm 22/8.

 

Việt Nam không phủ nhận khả năng đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế

Về việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại vùng biển của Việt Nam, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có hành vi vi phạm, làm gia tăng căng thẳng…