Doanh nhân Trần Uyên Phương: Truyền thông trong doanh nghiệp gia đình cực kỳ quan trọng

Thứ ba, 25/06/2019, 13:40 PM

Theo nữ doanh nhân Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, nếu bản thân các thành viên trong gia đình còn không thể giao tiếp thì sẽ rất khó khăn với các thành viên khác trong doanh nghiệp. Vì thế truyền thông trong gia đình rất quan trọng.

doanh-nghiep-gia-dinh
Sáng 25/6 tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công”. Ảnh Chí Hiếu

Sáng 25/6 tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công” thu hút sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả, lãnh đạo doanh nghiệp gia đình.

Không thể gia đình trị và tình cảm trị

Khai mạc Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, doanh nghiệp gia đình hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào. Theo khảo sát 10 doanh nghiệp gia đình lớn nhất trên thế giới hiện nay cho thấy tổng số vốn  của các doanh nghiệp gia đình này lên đến trên 3.000 tỷ USD.

Hiện 40% GDP trong nền kinh tế thế giới được tạo ra bởi các doanh nghiệp gia đình với những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Hyundai, Estée Lauder…. Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước.

Khẳng định các doanh nghiệp gia đình đang đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công trong doanh nghiệp gia đình, Chủ tịch VCCI cho rằng, quản trị doanh nghiệp là yếu tố quyết định.

“Phải xây dựng được quản trị chuyên nghiệp, không thể gia đình trị và tình cảm trị mà phải kỹ trị và phải có quản lý chuyên môn chuyên nghiệp. Các thành viên gia đình được khuyến khích tham gia vào đầu tư, quản trị doanh nghiệp. Khi tuyển dụng các thành viên gia đình vào các vị trí quản trị phải nghiêm ngặt như tuyển dụng các nhân sự bên ngoài khác. Có vậy doanh nghiệp mới phát triển, nếu không muốn phải đối mặt sự thua kém doanh nghiệp khác và rồi thất bại”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

doanh-nghiep-gia-dinh
 TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, doanh nghiệp gia đình hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào. Ảnh Chí Hiếu

Kinh nghiệm thành công của các tập đoàn, doanh nghiệp gia đình trên thế giới cũng cho thấy bài học tuyển dụng các thành viên vào vị trí quản trị phải chuyên ngiệp. Thậm chí, nếu thành viên gia đình không đảm bảo năng lực quản trị hoàn toàn có thể tuyển dụng nhân sự quản trị từ bên ngoài. Tuy nhiên, các thành viên gia đình sẽ thuận lợi hơn nhiều so với nhân sự từ bên ngoài bởi bên cạnh năng lực trong quản trị sẽ là sự gắn kết gia đình.

TS Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm: “Nếu thành viên trong gia đình là người quản trị doanh nghiệp, ngoài chỉ số về IQ sẽ có thêm chỉ số tình yêu, nếu phát huy được tình yêu đó cộng với các yếu tố về quản trị chuyên nghiệp sẽ tạo cảm xúc và sáng tạo trong phát triển kinh doanh”.

Phải có doanh nghiệp 100 năm

Tại Diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã chia sẻ một số thực trạng trong quá trình chuyển giao doanh nghiệp gia đình và mong muốn nhìn ở góc độ của cơ quan quản lý.

doanh-nghiep-gia-dinh
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Ảnh Chí Hiếu

“Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước chúng tôi mong muốn rằng, quá trình chuyển gia kế nghiệp trong các công ty gia đình làm thế nào được càng lâu càng tốt, làm thế nào các doanh nghiệp Việt Nam có thể tồn tại được 100 năm”, ông Hiếu chia sẻ.

Theo đó, nhìn lại thời điểm khởi nghiệp của các doanh nhân gia đình Việt Nam từ những năm 1990, thời điểm đó, các doanh nhân khởi nghiệp thường ở tuổi 30-35, đến nay những doanh nhân đó cũng đã ở tuổi 70 tuổi. Ở thời điểm này, vấn đề chuyển giao kế nghiệp là rất quan trọng và là vấn đề lớn trong mỗi doanh nghiệp gia đình.

Tuy nhiên, vấn đề khiến ông Phan Đức Hiếu quan ngại, đó là làm thế nào để doanh nghiệp chuyển giao với tầm nhìn rộng hợn, chiến lược tốt, hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời phải tách biệt giữa hoạt động sở hữu và điều hành công ty, phải chọn được người có năng lực, nếu trong thế hệ tiếp theo nếu chưa có năng lực quản trị hãy chờ đến thế hệ tiếp theo.

Truyền thông gia đình cực kỳ quan trọng

Đại diện cho thế hệ F2 trong doanh nghiệp gia đình, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, tất cả các thế hệ phải thay đổi tư duy, từng thành viên trong gia đình phải cởi mở hơn khi cùng tham gia điều hành tổ chức. Mục tiêu của tổ chức của doanh nghiệp cần được ưu tiên trên hết.

Thế hệ đi trước cần sẵn sàng tiếp thu những cái mới, lắng nghe quan điểm của thế hệ đi sau khi những quan điểm đó hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển.

doanh-nghiep-gia-dinh
Theo nữ doanh nhân Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, nếu bản thân các thành viên trong gia đình còn không thể giao tiếp thì sẽ rất khó khăn với các thành viên khác trong doanh nghiệp. Vì thế truyền thông trong gia đình rất quan trọng. Ảnh Chí Hiếu

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát nhấn mạnh yếu tố truyền thông trong gia đình, đồng thời cho rằng đây vấn đề quan trọng bởi bản thân các thành viên trong gia đình còn không thể giao tiếp thì sẽ rất khó khăn với các thành viên khác trong doanh nghiệp.

Tại Tân Hiệp Phát, quyền lực vô hình của nhà sáng lập được tách ra tới 2-3 vai trò là Chủ tịch HĐQT, Ban Giám đốc và vai trò người điều hành quản trị hàng ngày. Nếu tách bạch 3 vai trò đó sẽ hình thành tổ chức vận hành đơn giản hơn, hơn 5.000 nhân viên sẽ dễ tương tác với nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT.

Do đó, tại Tân Hiệp Phát có cả Ban cố vấn với các chuyên gia và TGĐ doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia. Ban cố vấn chỉ làm việc duy nhất là chất vấn Chủ tịch HĐQT. Theo đó, Chủ tịch phải giải thích cho những người không tham gia vào quá trình điều hành về những quyết sách, hoạt động của doanh nghiệp, đây là sự cởi mở của người sáng lập Tân Hiệp Phát.

"Đây cũng chính là giải pháp của Tân Hiệp Phát để lựa chọn được những nhà quản trị có năng lực đồng thời đưa cả những nhân sự từ bên ngoài vào, phát triển doanh nghiệp bền vững”, bà Uyên Phương cho biết.

doanh-nghiep-gia-dinh
Bà Trần Uyên Phương cho biết, Tân Hiệp Pháp đã xây dựng được một yếu tố văn hoá vô cùng quan trọng, đó là văn hoá ghi nhận những người xung quanh. Ảnh Chí Hiếu

Chia sẻ về một trong những nét văn hoá của doanh nghiệp Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương cho biết, Tân Hiệp Pháp đã xây dựng được một yếu tố văn hoá vô cùng quan trọng, đó là văn hoá ghi nhận những người xung quanh. Đây là một nét văn hoá chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam.

Đồng thời, Tân Hiệp Phát cũng đã kêu gọi 2 sáng lập của mình tham gia phát động phong trào “Người Tân Hiệp Phát yêu”. Để tiên phong cho phong trào này, ông Trần Quý Thanh - Nhà sáng lập Tân Hiệp Phát đã gửi tặng bà Phạm Thị Nụ một bài thơ nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày cưới. Đây là bài thơ chân tình thể hiện nỗi niềm sau 40 năm chung sống, rằng ông chưa bao giờ tặng hoa, tặng quà cho bà, mà chỉ có bờ vai vững chắc thôi! Bài thơ đã gây ra sự xúc động lớn cho bà Phạm Thị Nụ.

“Nói một ví dụ như vậy tôi muốn nhấn mạnh tới cách xây dựng về văn hoá doanh nghiệp và giá trị gia đình của Tân Hiệp Phát”  bà Phương nhấn mạnh.

 

CEO Tân Hiệp Phát: ‘Tập trung tối đa vào phát triển nhân lực, phục vụ khách hàng’

Theo Tiến sĩ Trần Quí Thanh – TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Tân Hiệp Phát việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý nhưng không máy móc mà đơn giản hóa, tập trung tối đa vào phát triển nhân lực, phục vụ khách hàng.

 

Bộ KHCN trao giải Vàng Chất lượng Quốc gia cho tập đoàn Tân Hiệp Phát

Sáng nay (18/06) tại Hà Nội, Bộ KHCN đã chính thức công bố trao giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2018 cho Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Đây là giải thưởng duy nhất về chất lượng cấp quốc gia nhằm tôn vinh các Doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định trao tặng và nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương.

 

Sinh viên Harvard Business School tham quan Tập đoàn Tân Hiệp Phát để khởi động chương trình FIELD Global Immersion

Giữa tháng 5 vừa qua, sáu sinh viên trong số sinh viên đến từ trường kinh doanh Harvard Business School đã có chuyến tham quan tại Tập đoàn Tân Hiệp Phát.