Vì sao doanh số mì ăn liền tăng mạnh có thể khiến Trung Quốc lo lắng?

Thứ hai, 07/10/2019, 10:41 AM

Doanh số bán mì ăn liền tăng mạnh ở Trung Quốc đang thúc đẩy cuộc tranh luận về chủ đề: người tiêu dùng có đang giảm mức chi tiêu do lo ngại về triển vọng kinh tế hay không?

vi-sao-doanh-so-ban-mi-an-lien-tang-manh-co-the-khien-trung-quoc-lo-lang
Ảnh minh họa

Cuộc tranh luận này rất quan trọng vì chính phủ Trung Quốc đang cần tăng chi tiêu của người tiêu dùng để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ. Nếu người tiêu dùng giảm chi tiêu của họ, điều đó có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế còn chậm hơn dự kiến.

Tiêu thụ mì ăn liền hay mì tôm ở Trung Quốc đại lục bắt đầu giảm từ năm 2015. Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, doanh số mì ăn liền ở Trung Quốc giảm xuống chỉ còn 38,5 tỷ gói trong năm 2016, nhưng đã tăng trở lại hơn 40 tỷ gói năm 2018, chiếm hơn 38,8% tổng doanh số mì ăn liền của thế giới. Các nhà phân tích dự đoán doanh số này sẽ tăng hơn nữa trong năm nay.

Mì ăn liền là một sản phẩm tiêu dùng mang tính biểu tượng gắn liền với quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc trong 40 năm qua. Doanh số bán mì ăn liền tăng mạnh thường đi kèm với sự gia tăng của tầng lớp lao động chân tay, và sẽ giảm khi tầng lớp trung lưu phát triển. Điều này là bởi những người gia nhập tầng lớp trung lưu sẽ sử dụng thu nhập lớn hơn của họ để mua các thực phẩm cao cấp hơn thay vì mì ăn liền.

Do mức độ phổ biến và tầm quan trọng, doanh số bán mì ăn liền và xe hơi thường ngay lập tức được so sánh để đánh giá chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc. Họ được cho là đang tăng chi tiêu nếu doanh số bán các mặt hàng đắt tiền tăng và hạ mức chi tiêu khi mua nhiều hơn các sản phẩm thay thế rẻ hơn và tiết kiệm hơn.

Ông Trump và ông Tập Cận Bình gặp nhau tại Đà Nẵng vào cuối tháng Hai?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, 14 trong số 15 tháng tính đến tháng 8/2019, doanh số bán xe của Trung Quốc đều giảm. Cùng với sự gia tăng doanh số bán mì ăn liền, các nhà phân tích coi đây là một dấu hiệu cho thấy sự chậm lại trong tăng trưởng thu nhập, mức nợ cao hơn và sự lo lắng về triển vọng công việc đang khiến người tiêu dùng tiết kiệm hơn trong chi tiêu.

Cuộc tranh luận diễn ra khi tăng trưởng doanh số bán lẻ tiếp tục chậm lại trong những tháng gần đây, đặc biệt là doanh số bán xe hơi, theo Cục Thống kê Quốc gia. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ thực phẩm tăng 10,6% từ tháng 1 đến tháng 8/2019, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung là 7,5%.

“Trong 5 năm qua, doanh số bán mì ăn liền ở Trung Quốc đã tăng trở lại lên tới 40 tỷ gói mỗi năm. Ngành sản xuất mì ăn liên có nhiều cải tiến, nhưng cho dù sản phẩm đã thay đổi bao nhiêu, thì đó vẫn là mì ăn liền”, ông Tao Dong, giám đốc điều hành của tổ chức tài chính Credit Suisse Private Banking Asia-Pacific, đã viết trong một ghi chú gần đây.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã liên tục bác bỏ ý kiến cho rằng người tiêu dùng đang giảm chi tiêu của họ. Thay vào đó, họ lập luận sự phục hồi trong doanh số bán mì ăn liền là một câu chuyện thành công của các sản phẩm được cải tiến, có nghĩa là doanh số cao hơn thực sự là do mì ăn liền được làm ngon hơn.

“Sự trở lại của mì ăn liền và rau đóng hộp không phải vì người tiêu dùng đã giảm 'mức tiêu thụ', mà là các công ty đã nắm bắt cơ hội thị trường để người dân Trung Quốc nâng cấp tiêu dùng thông qua sự đa dạng hóa và xuất hiện của các mặt hàng cao cấp”, một bài báo trên  People’s Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết tháng trước.

Meng Suhe, người đứng đầu Viện Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Trung Quốc trực thuộc chính phủ, cho biết trong một bài phát biểu gần đây rằng sự đa dạng các loại mì ăn liền là một ví dụ về nâng cấp tiêu thụ. Theo tính toán của viện, tổng giá trị bán hàng của 22 nhà sản xuất mì ăn liền lớn của Trung Quốc đạt 51,5 tỷ nhân dân tệ năm 2018, tăng 3,3%, trong khi sản lượng tăng 0,73% lên 34,4 tỷ gói.

Dù vậy, tăng trưởng thu nhập gần đây của Trung Quốc, một yếu tố quyết định chính cho tiêu dùng, đã gây thất vọng. Tăng trưởng thu nhập khả dụng bình quân hàng năm giảm xuống mức 6,6% trong nửa đầu năm 2019, từ mức cao hơn 8% trong năm 2014, theo Cục Thống kê Quốc gia.

Trong khi đó, các gia đình có thu nhập cao có sự tăng trưởng nhiều hơn về thu nhập - phần lớn nhờ vào đầu tư thay vì tiền lương - hơn là người có thu nhập trung bình và thấp.

Nhưng ngay cả các hộ gia đình có thu nhập cao cũng thận trọng hơn về cách chi tiêu. Nghiên cứu của Hurun Report, một công ty tư vấn tập trung vào tài sản và đầu tư, cho thấy chỉ số tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ đã giảm 0,3% trong năm nay, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2015.

Theo ông Tao, mức tiêu dùng phụ thuộc vào kỳ vọng thu nhập trong tương lai. Ông nói: “Triển vọng về thu nhập trong tương lai không chắc chắn sẽ dẫn đến sự lựa chọn của người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn”.