Độc đáo tục rước 'ông lợn'

Thứ ba, 05/02/2019, 08:42 AM

Từ lâu, lễ rước ông lợn đã trở thành nét văn hóa tâm linh của người dân làng La Phù (huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) mỗi dịp Tết đến xuân về. Đây cũng là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của các vị tiền nhân đã có công đánh giặc giữ vững bờ cõi.

doc-dao-tuc-ruoc-ong-lon
Rước ông lợn trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng La Phù.

Theo các cụ cao niên ở xã La Phù, tục rước ông lợn nơi đây vào dịp đầu xuân, bắt nguồn từ việc khao quân của đức thánh Tam Lang Đại Vương - lạc tướng thời Hùng Vương, có công đánh giặc Thục.

Tục truyền, mỗi khi đức thánh Tam Lang Đại Vương tập hợp quân sĩ đánh giặc, người dân thường thổi xôi, thịt lợn để khao quân. Ông được vua Lê Đại Hành, vua Trần Thái Tông, vua Lê Thái Tổ và vua Quang Trung ban sắc phong. Vị tướng tài ba đã về trời vào ngày 14 tháng Giêng. Từ đó, cứ đến ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, người dân xã La Phù lại tổ chức lễ hội rước lợn khao quân, qua đó tưởng nhớ ngày giỗ của Tam Lang Đại Vương.

Mắc màn nuôi ông lợn

Nói về tục rước ông lợn, ông Nguyễn Văn Đích, Trưởng ban Khánh tiết lễ hội cho biết: Theo quan niệm của người dân trong làng, nếu năm đó lễ rước có một ông lợn to, đẹp để tế Thánh, được chăm bẵm công phu và không bệnh tật thì cả thôn sẽ được hưởng lộc, gặp nhiều điều may mắn. Do đó, việc nuôi và chọn lợn đòi hỏi những tiêu chuẩn rất khắt khe.”

Gia đình cai đám (người được chọn nuôi lợn tế) buộc phải là người có đức, tài, con cái gia đình đuề huề, đủ trai lẫn gái, vợ chồng đều có đôi, gia đình có truyền thống nề nếp theo nếp sống văn hóa, nhà không có tang trong vòng một năm. Trường hợp gia đình có tang bất ngờ phải chuyển ông lợn qua gia đình khác. Ngày 13 âm lịch, cả làng phải gọi là ông lợ, không ai được gọi là con lợn.

doc-dao-tuc-ruoc-ong-lon
Các ông lợn để tế Đức Thánh nuôi với một chế độ đặc biệt trong suốt 1 năm

Việc chăm sóc lợn để tế đức thánh đặc biệt quan trọng. Chính vì thế, cai đám phải nuôi ông lợn với một chế độ đặc biệt, quan trọng nhất là môi trường nuôi, thức ăn phải sạch sẽ, đảm bảo an toàn.

Để lợn không bị muỗi đốt làm đỏ da khi sửa lễ, người ta còn mắc màn hoặc đốt hương muỗi trong chuồng. Thậm chí, trời nóng, họ còn phải lắp quạt cho lợn.

Người dân trong làng tin rằng, nếu lợn tế khi lên kiệu không đẹp, xóm đó rất có thể trong năm sẽ gặp những điều không thuận lợi. Nếu lợn tế không được chăm sóc tốt, điều này ảnh hưởng đến vận may của cả xóm, bởi thế các cụ cao niên thường đi kiểm tra việc chăm sóc các ông lợn trong năm.

Độc đáo lễ rước

Nói về tục rước ông lợn, ông Tạ Tương Tùng, Trưởng thôn Trần Phú, xã La Phù cho hay: “Đến ngày lễ hội, sáng sớm ngày 13 tháng Giêng, cai đám sẽ cho lợn ăn no. Sau đó làm mấy mâm cỗ để mời các cụ trong xóm cùng những người đến thịt lợn. Một nét độc đáo là người ta phải trải chiếu từ cổng chuồng để rước ông lợn ra ngoài. Xã La Phù có 15 xóm, ngày lễ hội, mỗi xóm sẽ trịnh trọng rước một ông lợn về đình.

Khoảng 14 giờ ngày 13 tháng Giêng, các cụ trong làng đến làm lễ tại nhà cai lợn. Những người thịt lợn không được dùng roi quất hoặc dùng dây trói buộc ông lợn mà phải dùng tay để giữ. Sau khi thịt ông lợn người ta đặt lên một chiếc khung tuýp nước bằng sắt đã được uốn cong để tạo dáng chống mình lợn lên cao. Sau đó, ông lợn được đặt lên chiếc chõng cao khoảng 1,2m tạo dáng cho lợn như lúc còn sống. Chiều rộng, dài của chõng tùy trọng lượng của lợn. Sau khi ông lợn đã yên vị trên chõng, người ta bắt đầu trang trí ông bằng những bông hoa từ giấy màu, hoa tươi kết thành vòng.

doc-dao-tuc-ruoc-ong-lon
Ảnh minh họa

Theo kinh nghiệm của các cụ cao niên, muốn có giải cao về ông lợn tế đẹp thì phải hết sức quan tâm đến “áo khoác” của ông. “Áo khoác" chính là miếng mỡ lá lấy ra từ bên trong khi mổ lợn. Ông lợn nào được phủ lá mỡ nhiều, đều và hình như tấm áo lưới đẹp trên thân mình, cộng với việc trang trí bắt mắt sẽ có cơ hội giành được giải cao.

Theo lệ, xóm gần rước trước, xa rước sau. Một đội rước được sắp xếp tuần tự: Đi đầu là hai lá cờ đại, sau đó là đội nhạc kèn, múa lân. Tiếp theo sẽ là bàn độc với đủ đồ thờ như cây đèn, ống hoa, mâm ngũ quả, chè oản và đỉnh hương trầm nghi ngút rồi đến quả xôi. Cuối cùng, kiệu của ông lợn được khiêng bởi những thanh niên khỏe mạnh được tuyển chọn trong làng.

Khi đến đình làng, bàn độc của các xóm được xếp dọc hai bên sân đình ngoài và sân đình trong, lễ lợn được khiêng vào đại đình và hậu cung để các cụ làm lễ. Sau đó, từng xóm lại khiêng lợn về và xẻ thịt, chia phần cho từng hộ trong xóm.

Trong những ngày Tết đến xuân về lễ rước ông lợn khao quân ở La Phù là một lễ hội đẹp mang nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho mọi người; là một nghi lễ giàu màu sắc tâm linh, văn hóa của người Việt.

 

Mừng Tết Kỷ hợi 2019, ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam, khắp thế giới

Hôm nay (5/2), Google Doodle đã đổi biểu tượng để mừng Tết Kỷ hợi 2019, ngày lễ quan trọng nhất trong năm ở Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác.

 

Tết Kỷ Hợi - sự kiện đặc biệt khiến Google đổi Doodle để chào mừng

Tết Kỷ Hợi 2019 là dịp quan trọng và ý nghĩa của không chỉ người Việt Nam mà cả cộng đồng cư dân ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, châu Á khác.

 

Lời chúc năm mới Kỷ Hợi 2019. Lời chúc Tết Kỷ Hợi 2019. Lời chúc Tết hay

Xin gửi tới bạn đọc tham khảo những lời chúc năm mới Kỷ Hợi 2019 hay, ý nghĩa nhất để gửi tặng người thân, bạn bè, đồng nghiệp.