Đội cứu hộ đặc biệt trên ‘dốc tử thần’

Thứ tư, 20/06/2018, 07:59 AM

Sau hàng loạt các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của nhiều người tại đèo Lò Xo. Chính quyền địa phương đã thành lập đội cứu nạn, cứu hộ tại đây để ứng phó các trường hợp khẩn cấp.

doi-cuu-ho-dac-biet-tren-doc-tu-thanLực lượng chức năng và đội cứu hộ có mặt tại hiện trường ngay sau khi tai nạn xảy ra.

Các vụ tai nạn thảm khốc trên đèo Lò Xo

Đèo Lò Xo thuộc địa phận huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) và một phần giáp danh với tỉnh Quảng Nam. Do địa hình hiểm trở, nhiều đoạn dốc núi cheo leo, gấp khúc, vực sâu nên đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm. Nơi đây cũng được mọi người biết đến với tên gọi “dốc tử thần”.

Vào 14/5/2017, chiếc xe đầu kéo di chuyển theo hướng Đà Nẵng – Kon tum. Khi xe đi đến đoạn đèo Lò Xo bất ngờ tông vào ta luy đường, khiến chiếc xe lật nghiêng làm 3 người trên xe mắc kẹt trong ca bin. Sau đó, lực lượng chức năng và người dân hỗ trợ cắt cửa, đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Cũng trong năm 2017, chiếc xe chở dầu đang lưu thông trên đèo Lò Xo thì bất ngờ bị lật và bốc cháy khiến 2 người thương vong.

Tiếp đến, ngày 1/3/2018 một chiếc xe khách khi lưu thông theo hướng Quảng Nam - Kon Tum. Khi xe đến đường Hồ Chí Minh (thuộc xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) đoạn qua đèo Lò Xo thì bất ngờ mất lái, cả chiếc xe lao xuống vực sâu khiến tài xế tử vong tại chỗ. Riêng 19 hành khách khác bị thương được người dân hỗ trợ đưa đi cấp cứu.

Vụ tai nạn được xem là thảm khốc nhất từ trước đến nay trên đèo Lò Xo xảy ra vào ngày 21/4/2005, khi chiếc xe khách chở theo các cựu chiến binh, ở phường Kim Liên (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đi thăm lại chiến trường xưa.

Khi xe di chuyển đến khu vực đèo Lò Xo bất ngờ lao xuống vực khiến 31 người tử vong và 2 người bị thương.

Vụ tai nạn xảy ra gần đây nhất là vào ngày 16/6/2018, khi chiếc xe khách giường nằm đang lưu thông theo hướng Hải Dương - Bình Phước. Khi đến khu vực đèo này đã bất ngờ lao xuống vực sâu hơn 20m. Vụ tai nạn đã khiến 22 người thương vong.

Đội cứu nạn, cứu hộ đặc biệt

doi-cuu-ho-dac-biet-tren-doc-tu-than
Chiếc xe khách gặp nạn 16/6 rơi xuống vực nên đội cứu hộ phải đi đường vòng để cõng người gặp nạn lên đường.

Nhiều vụ tai nạn xảy ra liên tiếp trên đèo Lò Xo, nơi đây cũng trở thành điểm đen của các vụ tai nạn giao thông. Địa hình hiểm trở, khi các vụ tai nạn xảy ra cũng khiến quá trình cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Do đó, chính quyền UBND xã Đăk Man đã quyết định thành lập đội thanh niên sơ cứu, ứng cứu nhanh tại nạn giao thông trên đoạn đèo này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đội cứu nạn cứu hộ nhanh có 10 thành viên với tuổi đời còn khá trẻ, trong đó 9 thành viên là người dân tộc thiểu số Giẻ-Triêng.

Là một trong những thành viên trong đội, bác sĩ Lê Huy Thanh (Trưởng Trạm y tế xã Đăk Man, Phó đội hỗ trợ giao thông) cho biết đã tham gia được 4 năm nay.

Theo bác sĩ Thanh, do địa hình khu vực này hiểm trở nên sau khi nhận được tin báo anh huy động lực lượng đến hiện trường để ứng cứu.

Nhớ lại vụ tai nạn 3/2018 vừa qua, bác sĩ Thanh cho hay, khi đó là vào khoảng 3h sáng, anh nhận được cuộc điện thoại báo tin. Sau đó, anh cùng khoảng 10 người là thành viên của đội đã nhanh chóng tới hiện trường.

“Lúc đó chúng tôi thấy “biển người” kêu cứu thất thanh, ngay lập tức các thành viên trong đội cùng phân công nhau, người phá cửa cứu người, người cõng nạn nhân lên. Vì đường khó đi nên chúng tôi phải cột dây vào người, rồi cõng nạn nhân lên trên đường. May mắn, việc cứu hộ khẩn trương, kịp thời đã giảm thương vong về người”, bác sĩ Thanh nói.

doi-cuu-ho-dac-biet-tren-doc-tu-than
Trong các trường hợp cần thiết, đội cứu hộ ứng cứu người gặp nạn tại chỗ.

Cũng là một thành viên trong đội, anh Đinh Văn Hoàng cho biết, vào ngày 16/6 vừa qua sau khi được anh Thanh thông báo có xe khách bị lật thì cả đội cùng đến hiện trường.

Theo anh Hoàng, để cứu được người bị nạn mọi người phải phát cỏ rồi đỡ từng người đi vòng một còn đường khác mới lên được…

“Chúng tôi vào đội cứu nạn này đều trên tinh thần tự nguyện giúp người, bởi riêng bản thân tôi đã chứng kiến bao vụ tai nạn thảm khốc xảy ra và nhân lực thiếu nên khi thấy người gặp nạn muốn hết lòng giúp đỡ…”, anh Hoàng nói.

Ông A Lê Mai, Chủ tịch UBND xã Đăk Man cho biết, đường Hồ Chí Minh là cung đường rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, UBND xã lại nằm gần trên đỉnh đèo nên công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tai nạn là thường xuyên. Do đó, đơn vị đã lập nên đội cứu hộ này với tinh thần tự nguyện.

 “Để công tác cứu người một cách nhanh nhất thì chúng tôi luôn tập huấn cho đội cứu nạn những kĩ năng sơ cứu người và đưa người ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Sau hơn 4 năm tham gia ứng cứu hàng chục vụ tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo thì 10 thành viên Đội thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông xã đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và ngày càng chuyên nghiệp hơn trong việc cứu giúp người gặp nạn…”, ông Mai nói.

 

Đèo Lò Xo: Điểm đen về những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng

Những năm qua, tuyến đèo Lò Xo được xem là tuyến đường nguy hiểm với nhiều khúc cua gấp. Tại đây cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng

 

Vụ xe khách lao xuống đèo Lò Xo khiến 22 người thương vong: Lời kể của nhân chứng

Nhiều hành khách bị thương trong vụ tai nạn trên đèo Lò Xo vẫn chưa hết hãi hùng khi nhớ lại thời điểm cận kề cái chết.