Đồng loạt mũi dùi chỉ trích Trung Quốc

Thứ ba, 14/07/2020, 13:00 PM

Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về chủ quyền trên Biển Đông nhắm vào Trung Quốc, hàng loạt hành động "tiền hô hậu ủng" của quan chức Mỹ và Nhật Bản đã diễn ra.

Các nghị sĩ Mỹ lên tiếng

Thượng nghị sĩ Jim Risch, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Ảnh: Reuters.

Thượng nghị sĩ Jim Risch, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Ảnh: Reuters.

Trong một tuyên bố chung, hai thượng nghị sĩ Jim Risch - chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện - và Bob Menedez, cùng hai hạ nghị sĩ Eliot Engel - chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện - và Michael McCaul, khẳng định các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là "phi pháp".

Các nhà lập pháp Mỹ khẳng định Bắc Kinh đã không tuân thủ phán quyết có tính ràng buộc pháp lý của Tòa Trọng tại Thường trực năm 2016, cũng như không đưa ra được bất cứ chứng cứ pháp lý nào đủ sức thuyết phục cho các tuyên bố của họ.

"Thay vào đó, họ chọn cách cưỡng ép các nước láng giềng, tiến hành chiến dịch cải tạo và quân sự hóa các thực thể một cách quyết liệt, đồng thời tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác", tuyên bố nêu. "Việc này chỉ thấy càng gia tăng trong vài tháng qua khi thế giới tập trung đối phó với Covid-19".

Các nhà lập pháp cho rằng việc Mỹ tiếp tục "mập mờ" về chính sách đối với các tuyên bố của Trung Quốc tại Biển Đông đã không còn "phục vụ lợi ích chung của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khi mà Trung Quốc có các hành động hung hăng và không tuân thủ luật pháp quốc tế".

Tuyên bố nói Mỹ cam kết duy trì luật quốc tế, đi lại và hoạt động tự do ở bất cứ đâu luật quốc tế cho phép, đồng thời ủng hộ các bên tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton của bang Arkansas chia sẻ lại bài đăng của Ngoại trưởng Pompeo, nói Mỹ "đứng về phía các đồng minh và đối tác của chúng tôi tại Đông Nam Á".

"Chúng tôi phản đối chủ nghĩa bành trướng và sự gây hấn của đảng Cộng sản Trung Quốc", nhà lập pháp với lập trường cứng rắn về Bắc Kinh, tuyên bố.

Cũng chia sẻ lại tweet của ông Pompeo, Thượng nghị sĩ Jim Inhofe, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nói các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là "phi pháp một cách rành rành".

"Mỹ chống lại sự bắt nạt của Bắc Kinh và đứng về phía các đồng minh và đối tác của chúng ta ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Inhofe viết.

Hạ nghị sĩ Ted Yoho của bang Florida cho rằng động thái của Bộ Ngoại giao Mỹ là việc đáng lẽ phải được làm từ lâu. Ông nói Trung Quốc đã "vi phạm tuyên bố lãnh thổ của các nước láng giềng ven biển một cách liên tục và trơ tráo", cũng như bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo "phi pháp" trong nhiều năm.

"Các thành viên ASEAN phải lên tiếng một cách mạnh mẽ về sự xâm phạm trên biển của Trung Quốc cũng như xa hơn là nguy cơ tính toán sai lầm và xung đột trên biển", ông viết trên Twitter.

Nhật Bản ủng hộ quan điểm Trung Quốc bành trướng trên biển

Sách trắng quốc phòng Nhật Bản.

Sách trắng quốc phòng Nhật Bản.

Hôm nay (14/7), Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2020 đã được công bố. Ngoài điểm mới là đề cập ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Sách Trắng cũng đánh giá về hành động của Trung Quốc ở các vùng biển đảo.

Phần đầu của Sách Trắng nhấn mạnh rằng sẽ làm rõ sức cạnh trạnh giữa các quốc gia đang mở rộng sức ảnh hưởng ra thế giới mà đầu tiên là Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đây là thể hiện sự cảnh giới cần phải quan tâm với tư cách là vấn đề an ninh quốc gia.

 Về việc Trung Quốc tăng cường hoạt động ở các vùng biển đảo, Sách Trắng phê phán việc tàu thuyền của Trung Quốc hàng ngày vẫn hoạt động tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, bất chấp tất cả tiếp tục đơn phương thực hiện việc thay đổi hiện trạng.

Bên cạnh đó, Sách Trắng cho rằng hoạt động quân đội Trung Quốc thiếu tính minh bạch về gia tăng kinh phí quốc phòng, về tăng cường lực lượng quân đội. Điều này gây lo ngại mạnh mẽ về mặt quốc phòng đối với khu vực và thế giới. Đồng thời kêu gọi Trung Quốc cần hành động dựa trên luật pháp quốc tế.

Sách Trắng cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 thúc đẩy hoạt động quân sự tại khu vực xung quanh Nhật Bản, tiến hành công tác tuyên truyền đối với nhiều quốc gia khác với mục đích gây bất an trong xã hội.

Xung quanh vấn đề Triều Tiên, Sách Trắng cho rằng bằng kinh nghiệm đối phó với tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với các nước khác để đối phó với những hành động tiếp theo của Triều Tiên.

Bài liên quan