Đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức: Nhà đất TP HCM có sốt?

Thứ ba, 18/08/2020, 14:02 PM

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức.

Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức hiện tại.

Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức hiện tại.

Phó thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp về đề án không tổ chức hội đồng nhân dân quận, phường ở TP HCM và đề án thành lập thành phố trực thuộc TP HCM.

Theo đó, căn cứ các quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về đề án thành lập thành phố trực thuộc TP HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý chủ trương thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM.

Thành phố Thủ Đức sẽ được thành lập trên cơ sở sắp xếp Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Việc thành lập Thành phố Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo.

Trong quá trình xây dựng đề án, Phó Thủ tướng đề nghị TP HCM cần lưu ý quy hoạch chung, trong đó nên tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng.

Về hình thức lấy ý kiến, có thể tổ chức họp trực tuyến nhằm tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, yêu cầu về cơ sở hạ tầng để có thể tích hợp vào quy hoạch, định hướng chung của toàn thành phố.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, để thu hút đầu tư vào Thành phố Thủ Đức, TP HCM cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới, trong việc so sánh không chỉ với các thành phố trong nước mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực châu Á.

Đồng thời, cần làm việc với các bộ, ngành để có thể tích hợp các đề án, chương trình liên quan vào định hướng phát triển của thành phố mới.

Bất động sản TP HCM có sốt giá?

Trên thực tế đề xuất thành lập thành phố trên cơ sở gộp 3 quận (quận 2, 9 và Thủ Đức) được TP HCM đưa ra đã lâu được dư luận thường biết đến là đề xuất thành lập Thành phố phía Đông.

Việc thành phố mới được thành lập được dự đoán sẽ làm thị trường bất động sản TP HCM trở lại nhịp sôi động sau thời gian ảm đạm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc giá đất tăng cũng kéo theo nhiều nỗi lo trên thị trường.

Theo dự báo của giới kinh doanh, thời gian tới thị trường bất động sản - nhà đất tại khu vực này sẽ rất sôi động. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tỉnh táo tránh bị cuốn vào vòng biến ảo của thị trường.

Trở lại câu chuyện thành lập Thành phố trực thuộc TP HCM, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia về đô thị học, người có nhiều nghiên cứu các mô hình đô thị trên thế giới từng chia sẻ với báo chí rằng: "Hiện ở Việt Nam đã có cơ cấu TP trong TP chưa? Trên thực tế chưa có, nhưng nếu có cấu trúc tổ chức hành chính, quan hệ chiều dọc và chiều ngang, công tác quản lý đô thị (hành chính, dân số, kinh tế-tài chính) sẽ như thế nào? Chúng ta tạm gọi TP mà chính quyền TP HCM đang mong muốn xây dựng trên cơ sở sát nhập 3 quận phía Đông là TP Sáng tạo, nó sẽ có cấu trúc như thế nào?

Về nguyên tắc, nếu là TP phải là đơn hành chính độc lập có lãnh thổ xác định, có dân số, có Thành ủy, UBND và HĐND TP.

Tuy nhiên, nó quan hệ như thế nào với phần còn lại (19 quận, huyện) của TP HCM, bản thân nó được tổ chức như thế nào với 1 đơn vị hành chính? TP Sáng tạo có UBND, có Thành ủy, có HĐND… hay không?

Và quan hệ với TP HCM là quan hệ ngang bằng hay quan hệ trên dưới? Khi xây dựng mô hình này TP HCM muốn 2 cấp, tức chỉ có TP và phường hay TP và quận?

Trong khi đó, tại công văn phúc đáp, Bộ Xây dựng cho rằng, đề xuất việc đề xuất sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Thành phố phía Đông trực thuộc TP HCM và áp dụng không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp của UBND TP HCM là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Bộ cho rằng: Căn cứ Khoản 1, Điều 110, Hiến pháp năm 2013 và Khoản 2, Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc đề xuất thành lập "Thành phố trực thuộc Thành phố" trực thuộc Trung ương là phù hợp quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, với đề xuất lập Thành phố phía Đông, Bộ Xây dựng cho rằng: Việc đề xuất sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Thành phố phía Đông Và áp dụng "không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp" là chưa đủ cơ sở pháp lý...

Bài liên quan