Kỳ 3 - Đông y gia truyền: Quảng cáo như thần dược với sự tiếp tay 'gián tiếp' từ các trang TMĐT

Thứ sáu, 14/09/2018, 14:49 PM

Với lời quảng cáo "có cánh" đánh vào tâm lý có "bệnh thì vái tứ phương" cũng như lợi dụng lỗ hổng về quản lý, các sản phẩm Đông y gia truyền đang xuất hiện ngày một nhiều trên các trang TMĐT uy tín đã khiến người tiêu dùng càng thêm tin tưởng.

Đông y gia truyền
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên Phụ khang Bà Vân.

Trong Đông y gia truyền, thì việc bào chế các thảo dược, bài thuốc gia truyền thành các sản phẩm TPCN, mỹ phẩm…là xu hướng chủ đạo hiện nay. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này đều không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị hoặc làm đẹp. Vậy nhưng, nhiều doanh nghiệp lại cố tình quảng cáo “thổi phồng” tác dụng của các sản phẩm này để “đánh lừa” người tiêu dùng.

Khi sản phẩm được thổi phồng công dụng

Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người tiêu dùng, bởi khi họ bỏ một số tiền không nhỏ để mua sản phẩm theo những gì mà nhà sản xuất quảng cáo, nếu sản phẩm không có tác dụng thật sự như vậy thì tâm lý của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.

Trên thị trường mỹ phẩm, các sản phẩm được điều chế bằng thảo dược Đông y hiện nay rất đa dạng và phong phú. Từ kem bôi da, kem trang điểm cho đến mặt nạ thảo dược, sữa tắm…Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm của mình như thuốc chữa bệnh. Đông y gia truyền Bà Vân là một ví dụ cụ thể.

Theo đó, trên website dongduocbavan.com của Công ty TNHH Đông dược Bà Vân (Số 1, đường Đặng Dung, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) đăng tải hình ảnh các sản phẩm như Kem đông y đa năng Bà Vân, viên phụ khang Bà Vân, viên thảo dược an kinh hoạt huyết Bà Vân…do chính đơn vị này phân phối.

dong-y-gia-truyen-ki-3-quang-cao-nhu-than-duoc-voi-su-tiep-tay-gian-tiep-tu-cac-trang-tmdt
Là mỹ phẩm nhưng Kem Đông y Bà Vân không hề ghi rõ thông tin mà chỉ mập mờ là sản phẩm bôi da điều trị bệnh ngoài da... khiến nhiều người tưởng nhầm là thuốc ngay trên chính website chính thức của Công ty TNHH Đông Dược Bà Vân (https://dongduocbavan.com). 

Các sản phẩm này được doanh nghiệp này quảng cáo qua video trên website được là sản xuất, bào chế bằng thảo dược thiên nhiên từ các bài thuốc Đông y gia truyền nhiều đời, được kiểm chứng qua hàng nghìn bệnh nhân đã khỏi bệnh…Vô vàn lời quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, trong khi thực tế đây chỉ là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.

Cụ thể, Kem đông y đa năng Bà Vân là sản phẩm kem bôi da, được sản xuất bởi Công ty cổ phần thương mại Song Ánh (Số 39 ngõ 283/2 Phố Trần Khát Chân, Phường Thanh Nhàn, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trong hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm số 2166/17/CBMP/HN đã được Sở y tế Hà Nội phê duyệt, sản phẩm này là mỹ phẩm, có tác dụng làm mát da, góp phần ngăn ngừa hăm tã, mẩn ngứa, mụn nhọt trên da. Thế nhưng, trên rất nhiều website như dongduocbavan.com, dongybavanvn.com, dongybavan.xyz…lại quảng cáo sản phẩm này như một loại kem “thần dược”, có thể điều trị, chữa khỏi các loại bệnh da liễu như trị mụn, rôm, sảy, trị bỏng, trị chàm, trị hắc lào, ghẻ lở…Đặc biệt, các đại lý, nhà phân phối sản phẩm này tư vấn cho khách hàng, rằng sản phẩm này có thể sử dụng cho trẻ nhỏ, thậm chí cả trẻ sơ sinh.

Còn viên phụ khang Bà Vân được giới thiệu là sản phẩm 100% thảo dược thiên nhiên cũng trên website dongduocbavan.com và quảng cáo là chuyên đặc trị tất cả các bệnh của phụ nữ liên quan đến phần phụ như viêm lộ tuyến, viêm nhiễm phụ khoa, nấm âm đạo Candinia, viêm cổ tử cung, tắc vòi trứng… Những căn bệnh mà nếu chữa bằng y học hiện đại cũng phải mất rất nhiều thời gian mới mong khỏi bệnh.

Đơn cử, tắc vòi trứng là tình trạng vòi trứng của chị em bị chít hẹp hoặc dính gây tắc nghẽn, cản trở con đường di chuyển của tinh trùng vào gặp trứng và trứng di chuyển sau khi phóng noãn từ buồng trứng. Bệnh có thể gây hiếm muộn, vô sinh ở nữ giới nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Các chuyên gia y tế cho rằng, để điều trị tắc vòi trứng cần có những phương pháp phù hợp như nội khoa dùng thuốc kháng sinh, hoặc ngoại khoa như phẫu thuật nội soi. Việc dùng TPCN không thể chữa khỏi được bệnh như nhà sản xuất quảng cáo.

dong-y-gia-truyen-bien-tuong-kinh-doanh-da-cap-gia-tri-thuc-thap-den-bat-ngo
Đông y gia truyền Bà Vân trên một website được quảng cáo với khả năng điều trị "bách bệnh"

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phối hợp cùng với C49 – Bộ Công an đã bắt giữ một lô hàng là sản phẩm kem đa năng Bà Vân tại địa chỉ số nhà 202 tại ngách 53/42/197 phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Tiến hành thu giữ tại chỗ 29 lọ sản phẩm đang được người bán cất giữ trong tủ lạnh. Qua kiểm tra, người bán không có hóa đơn, chứng từ, sản phẩm không có bất kỳ thông tin gì về địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ. Tất cả tang vật đã được thu giữ, niêm phong theo quy định. Chủ của số hàng trên đã bị xử phạt lên đến 17 triệu đồng.

Ngày 24/11/2014, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng. Trong đó quy định cụ thể việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải được thực hiện theo quy định pháp luật về quảng cáo.

Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên phương tiện truyền thông phải có dòng chữ chú ý: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết, lời đọc phải nhìn được và nghe rõ ràng trong điều kiện bình thường. Vậy nhưng, nhiều doanh nghiệp vấn phớt lờ quy định này để “đánh lừa” người tiêu dùng.

Thương mại điện tử gián tiếp "tiếp tay" cho TPCN chưa được cấp phép

Không thể phủ nhận vai trò của các trang thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc làm thị trường TPCN, mỹ phẩm và thuốc…trở nên hỗn loạn, khó kiểm soát. Với sự phát triển rầm rộ của internet và hình thức kinh doanh online, các website mua hàng online, thương mại điện tử cũng mọc lên rầm rộ. Nhiều trang thương mại điện tử trở thành các “siêu thị online” bởi mặt hàng nào cũng có. Từ thuốc, thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em, đồ điện tử, các mặt hàng gia dụng, phụ kiện…đều được bày bán với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú. Cũng chính vì thế nên việc quản lý, kiểm duyệt về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm này còn rất mong manh.

dong-y-gia-truyen-ki-3-thi-truong-hon-mang
Kem Đông y Bà Vân được bán công khai trên sàn TMĐT Sendo.vn với mức giá từ 170.000đ đến 300.000đ dù chưa được cấp phép lưu hành.

Đơn cử, trên website thương mại điện tử Sendo (Thuộc Công ty Cổ phần Sendo, có trụ sở tại FPT Tân thuận, Quận 7, TP. HCM) đăng bán sản phẩm Kem đông y đa năng Bà Vân nhưng lại quảng cáo như thuốc đông y có tác dụng điều trị bệnh da liễu.

Bên cạnh đó, sản phẩm Điều kinh Thanh Mộc Hương cũng được Sendo đăng bán với giá 300 nghìn đồng, do Thầy thuốc nhân dân, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Siêm – Chủ tịch Hội Đông y Thành phố Hà Nội nghiên cứu, bào chế. Thế nhưng điều ngạc nhiên là ông Nguyễn Hồng Siêm lại xác nhận với PV rằng sản phẩm này chưa được cấp phép lưu hành và cũng chưa hề có mặt trên thị trường.

dong-y-gia-truyen-ki-3-thi-truong-hon-mang
Những sản phẩm Đông y gia truyền này quảng cáo và buôn bán một cách công khai với những công dụng "không tưởng"

Không chỉ riêng sản phẩm điều kinh Thanh Mộc Hương, theo tìm hiểu, nhiều sản phẩm được quảng cáo, đăng bán trên Sendo cũng không hề được cấp phép lưu hành như sản phẩm đặc trị xoang Thanh Mộc Hương, giảm cân Tiến Hạnh…

dong-y-gia-truyen-ki-3-quang-cao-nhu-than-duoc-voi-su-tiep-tay-gian-tiep-tu-cac-trang-tmdt
Không chỉ Sendo mà trên Lazada cũng xuất hiện TPCN Kem Đông y đa năng Bà Vân. 

Việc kiểm duyệt các sản phẩm thuốc, TPCN một cách sơ sài, thiếu chặt chẽ của các trang thương mại điện tử chính là một trong những nguyên nhân khiến thị trường TPCN và mỹ phẩm làm đẹp tại Việt Nam hỗn loạn như hiện nay.

Trao đổi với PV, Trưởng phòng kiểm duyệt sản phẩm của Sendo – bà Phạm Thị Ngọc Thuý cho biết: “Đã tiếp nhận thông tin phản ánh của PV và cho xác minh lại thông tin từ các đại lý, bắt họ phải trình ra được hình ảnh giấy phép của các sản phẩm đăng bán mới tiếp tục hỗ trợ bán hàng, còn nếu không xuất trình được thì sẽ ngừng ngay lập tức”.

Việc quản lý chặt chẽ TPCN cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn sự bành trướng của các sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng trên thị trường và bảo vệ sức khoẻ người dân. Cùng với đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tối đa áp dụng với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Nghị định quy định mức phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm gồm: Điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; bảo đảm an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác. Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.

Hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không có hình thức cảnh cáo và số tiền phạt cũng tăng lên nhiều lần so với trước đó. Theo đó, nghị định quy định tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tối đa đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm (trước chỉ 3,5 lần).