Đột phá trong công tác bảo hiểm xã hội

Chủ nhật, 30/01/2022, 14:11 PM

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thừa Thiên Huế đã gặp phải không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

Bảo hiểm xã hội Thừa Thiên Huế.

Bảo hiểm xã hội Thừa Thiên Huế.

Để tăng tốc, hoàn thành những chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm 2021, BHXH tỉnh đã tích cực triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính “đột phá”. Kết quả là các chỉ tiêu cơ bản về BHXH, BHYT đều vượt so với năm trước.

Thu - chi đều tăng

Toàn tỉnh có 146.269 người tham gia BHXH, chiếm trên 2,9% so với lực lượng lao động trong tuổi; trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 124.460 người, tăng 5.342 lao động so với năm 2020; số người tham gia BHXH tự nguyện là 21.809 người, tăng 6.001 người so với năm 2020. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 115.882 người, tăng 6.166 người so với năm 2020. Số người tham gia BHYT là 1.153.643 người, tăng 5.507 người tham gia so với năm 2020; độ bao phủ BHYT đạt 98,90% so với dân số, vượt 8,90% so với chỉ tiêu được giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN là 3.148.031 triệu đồng, tăng 17.083 triệu đồng so với năm 2020.

Trong năm 2021, BHXH tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết khoảng 1,3 nghìn hồ sơ hưởng các chế độ hưu trí, tử tuất, TNLĐ - BNN hàng tháng và trợ cấp một lần cho gần 10 nghìn người hưởng. Quản lý, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho hơn 32 nghìn người hưởng. Thanh toán chi phí KCB BHYT cho hơn 2 triệu lượt người. Tổng số chi trong năm 2021 ước thực hiện là 4.834.644 triệu đồng; tăng 6,5% so với năm trước (trong đó chi hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-TTg là 256.436 triệu đồng).

Đồng bộ và hiệu quả

Nhất quán với quan điểm, BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, BHXH Thừa Thiên Huế đã hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm tạo ra sự đột phá về công tác BHXH, BHYT, đưa chính sách của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống.

Ngoài việc bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BHXH tỉnh cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trên từng lĩnh vực, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Tăng cường công tác truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN một cách hiệu quả, sâu rộng, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Vừa chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện vừa kết hợp tăng cường vận động, đối thoại trực tiếp tại cơ sở đã mang lại những hiệu quả tích cực. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đốc thu, giảm nợ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị SDLĐ; kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi trốn đóng, để nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT, chống lạm dụng, trục lợi; sử dụng quỹ BHYT an toàn, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi KCB của người tham gia.

Với phương châm lấy người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm phục vụ, BHXH tỉnh luôn xác định đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn. Hướng tới mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ thực hiện các chế độ chính sách BHXH, BHYT cho người tham gia. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa tất cả các quy trình, thủ tục theo hướng phục vụ tốt nhất người tham gia và thụ hưởng chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Tích cực triển khai đồng bộ hóa dữ liệu tham gia BHYT theo hộ gia đình; đẩy mạnh giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, đẩy mạnh liên thông kết nối dữ liệu với các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhất là đối với các cơ sở y tế về dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT.