Dự án Bright City: Sau cuộc họp 4 bên, người dân tiếp tục chờ CĐT ký cam kết

Thứ sáu, 27/04/2018, 10:05 AM

Cuộc họp 4 bên về những vấn đề liên quan đến dự án nhà ở xã hội Bright City diễn ra khá căng thẳng, nhưng các bên vẫn không tìm được tiếng nói chung.

du-an-bright-city-sau-cuoc-hop-4-ben-nguoi-dan-tiep-tuc-cho-cdt-ky-cam-ket
Hàng trăm người dân có mặt từ sớm để tham gia buổi đối thoại.

Chậm tiến độ do gói vay 30.000 tỷ kết thúc

Ngày 26/4 vừa qua, cuộc họp bàn về phương án và các giải pháp để tiếp tục triển khai dự án sau quá trình chậm tiến độ, ngừng thi công của Dự án Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (tên thương mại là Bright City) đã diễn ra tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.

4 bên tham dự cuộc họp bao gồm: Đại diện chủ đầu tư là ông Bùi Viết Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, đại diện phía ngân hàng là ông Lê Huy Hoàng - Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Tây Hà Nội, đại diện UBND huyện Hoài Đức là ông Cao Văn Tâm - Phó Chánh Thanh tra huyện Hoài Đức và hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Bright City.

Hàng loạt các vấn đề được cư dân đặt ra tại buổi đối thoại: Vì sao dự án chậm tiến độ? Dự án chậm tiến độ chủ đầu tư có trả lãi phạt cho cư dân không? Khi nào dự án sẽ hoàn thiện bàn giao được cho người dân?…

Trước những câu hỏi, những vấn đề người mua nhà đặt ra, ông Bùi Viết Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long cho biết, tình hình triển khai dự án Bright City đang gặp rất nhiều khó khăn do Công ty không còn nguồn vốn thực hiện, ngay từ khi thực hiện dự án, chủ đầu tư đã phải gánh rất nhiều khoản chi phí, trong khi đó gói vay 30.000 tỷ đồng lại dừng giải ngân nên gặp rất nhiều khó khăn.

“Dự án nhà ở xã hội Bright City khác với các dự án nhà ở xã hội khác bởi không được hưởng ưu đãi về đất. Cụ thể, khi triển khai dự án chủ đầu tư tự bỏ tiền ra để mua lại đất, đến năm 2015, chủ đầu tư quyết định chuyển đổi dự án này từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với mục đích thay đổi cơ cấu diện tích căn hộ và hưởng ưu đãi về lãi suất thấp, chỉ từ 4,8 – 5% từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Thế nhưng, gói vay 30.000 tỷ đồng lại bị dừng khiến chúng tôi phải đi vay lãi suất thương mại khiến lãi chồng lãi'', ông Sơn trần tình.

Theo ông Sơn, cả chủ đầu tư và khách hàng đều là nạn nhân của chính sách, Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long đã làm đơn cầu cứu khắp nơi nhưng không được đáp ứng, trong khi đó vẫn phải trả lãi cho ngân hàng với lãi suất thương mại nhưng không có nguồn thu khiến Công ty không còn đủ khả năng thực hiện dự án.

Người dân yêu cầu các bên ký cam kết, chủ đầu tư cam kết bằng miệng

Đại diện chủ đầu tư cũng đề xuất, giải pháp thiết thực nhất hiện nay là Công ty là sẽ chuyển người dân của tòa nhà A2 sang hai tòa nhà A1.1 và A1.2. Chủ đầu tư cũng cam kết trong vòng 30 ngày sẽ chuyển tiền đối ứng cho ngân hàng đối với việc xây dựng hai tòa nhà A1.1 và A1.2.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng của dự án cho biết mong muốn lớn nhất là nhận được nhà nhưng phải có sự bàn giao đồng thời giữa hai tòa A1.1 và A1.2 đồng thời chủ đầu tư cũng phải ký cam kết thực hiện có cả đại diện chính quyền địa phương và phía ngân hàng.

du-an-bright-city-sau-cuoc-hop-4-ben-nguoi-dan-tiep-tuc-cho-cdt-ky-cam-ket
Không khí cuộc họp diễn ra khá căng thẳng.

Phát biểu tại cuộc họp, một người dân cho rằng, việc có những cam kết bằng văn bản với chữ ký ba bên, bao gồm cả phía ngân hàng BIDV, là cần thiết trong trường hợp chủ đầu tư đã nhiều lần chây ì tiến độ nhà.

"Hiện tại, với cam kết miệng của chủ đầu tư, cư dân sẽ không tin tưởng nữa. Chúng tôi yêu cầu có văn bản kèm chữ ký của BIDV, bảo lãnh hai tòa A1.1 và A1.2 cho đến khi công ty bàn giao nhà. Tức là nếu theo hạn của văn bản mà việc bàn giao nhà không được thực hiện thì BIDV phải có cam kết trách nhiệm rõ ràng với người trả lãi mua nhà trong dự án này", người mua nhà kiến nghị.

Trả lời khách hàng, đại diện chủ đầu tư cho rằng phương án cụ thể về việc xây dựng hai toà nhà A1 cũng như việc di dời cư dân từ tòa A.2 sang A1 như thế nào sẽ được chủ đầu tư đưa ra trong thời gian sớm nhất sau ngày 1/5.

Về phía BIDV, trả lời khách hàng về các vấn đề liên quan, đại diện ngân hàng BIDV, ông Lê Hữu Hoàng - Giám đốc BIDV Tây Hà Nội cho biết, hiện nay khi dự án chậm tiến độ, BIDV sẵn sàng cơ cấu nợ vay của chủ đầu tư và khách hàng mua nhà, giãn số tiền nợ gốc phải trả, chưa thu lãi vay để giảm áp lực tài chính cho khách hàng đến khi nhận được bàn giao nhà.BIDV sẽ tiếp tục tài trợ vốn bằng cách điều chỉnh tăng giới hạn cho vay đối với dự án từ 423 tỷ đồng lên 640 tỷ đồng để chủ đầu tư có thể thi công tiếp, hoàn thiện bàn giao nhà cho khách hàng.

Đồng thời, BIDV cũng sẽ phối hợp với chủ đầu tư xây dựng gói lãi suất ưu đãi cho khách hàng mới vay mua nhà với lãi suất 4,8%/năm trong vòng 3 năm, mức lãi suất này thấp hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay thương mại thời điểm này khoảng 10%/năm, để hỗ trợ khách hàng mới mua nhà thu nhập thấp.

Giải đáp thắc mắc BIDV có bảo lãnh tiến độ dự án hay không? Ông Hoàng cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục giải ngân cho dự án theo tiến độ triển khai.

Kết thúc cuộc họp, nhiều cư dân tại dự án nhà ở xã hội Bright City tỏ ra khá thất vọng với kết quả cuộc gặp này, bởi những mâu thuẫn lớn nhất của các bên vẫn chưa có lời giải cụ thể, và những người mua nhà ở xã hội của AZ Land vẫn phải chờ đợi văn bản cam kết chính thức từ các bên liên quan.

 

BIDV cam kết giãn nợ gốc, chưa thu lãi nhưng không bảo lãnh tiến độ dự án Bright City

BIDV cho biết không bảo lãnh tiến độ dự án nhưng sẽ giãn số tiền nợ gốc phải trả, chưa thu lãi vay để giảm áp lực tài chính cho khách hàng đến khi nhận bàn giao nhà.

 

Cư dân Bright City căng băng rôn cầu cứu: Vì đâu nên nỗi?

Ngày 21/4/2018 vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018. Tuy nhiên, rất đông cư dân dự án Bright City tụ tập căng băng rôn biểu tình tại đây.