Chủ nhật, 01/12/2019, 21:02 PM
  • Click để copy

Dự án đường sắt Nam Thăng Long đội vốn khủng thế nào?

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư liên tục đội vốn chậm tiến độ.

Đoạn ga ngầm C9 đi qua khu vực Hồ Gươm thuộc dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang gây tranh cãi. (Ảnh: Google maps).
Đoạn ga ngầm C9 đi qua khu vực Hồ Gươm thuộc dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang gây tranh cãi. (Ảnh: Google maps).

Đội vốn gấp đôi từ trên giấy, xin lùi 1 thập kỷ

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư).

Dự án được phê duyệt vào tháng 11/2008 với tổng mức đầu tư thời điểm đó là 19.555 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2015.

Quy mô xây dựng dài 11,5km. Hướng tuyến từ Khu đô thị Nam Thăng Long, theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối trên phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du). Dự án có 7 ga ngầm và 3 ga trên cao.

Tuy nhiên, dự án chưa được khởi công thì đến cuối năm 2012, Hà Nội báo cáo Thủ tướng xin tăng vốn đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên hơn 51.750 tỷ đồng. Với việc tăng vốn như trên, Bộ KH&ĐT có văn bản trình Thủ tướng cho dừng dự án.

Sau khi Bộ KH&ĐT thuê tư vấn thẩm định lại đã đề nghị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư tối đa là 30.069 tỷ đồng.

Việc ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và nhà khoa học. (Ảnh: Nhất Nam).
Việc ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và nhà khoa học. (Ảnh: N.Nam).

Dù vậy, sau đó Hà Nội vẫn trình Thủ tướng tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 35.678 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư này vẫn tăng hơn 16.123 tỷ đồng so với dự toán Hà Nội duyệt năm 2008. Hà Nội đồng thời cam kết chịu trách nhiệm về độ chính xác tổng mức đầu tư cao hơn mức thẩm định độc lập của Bộ KH&ĐT.

Nguyên nhân do thay đổi quy mô đầu tư (tăng 1.801 tỷ đồng), tỷ giá tăng quy đổi (2.235 tỷ đồng), giá nguyên liệu, vật tư, nhân công, thiết bị, trượt giá (tăng 6.762 tỷ đồng), thay đổi chế độ chính sách - chi phí quản lý (tăng 5.323 tỷ đồng).

Theo kế hoạch điều chỉnh, vận tốc thiết kế chạy tàu cũng được nâng từ 90km mỗi giờ lên 120km, tốc độ vận hành tối đa các đoàn tàu trên tuyến sẽ đạt 110km ở đoạn trên cao, 80km trong hầm và 15 km một giờ khu Depot.

Cùng đó, TP Hà Nội cũng điều chỉnh giảm số lượng đoàn tàu từ 14 đoàn (56 toa tàu) xuống 10 đoàn (40 toa tàu) để vận hành các đoàn tàu phù hợp với lưu lượng hành khách dự báo, bảo đảm thời gian giãn cách, vận chuyển hành khách tiện lợi.

Cũng theo báo cáo mới đây của Bộ KH&ĐT gửi Chính phủ và Quốc hội, Bộ KH-ĐT đề nghị lùi thời hạn hoàn thành dự án đến năm 2027.

Chưa khởi công đã gây tranh cãi

Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long thời gian qua thu hút sự chú ý của các nhà khoa học với việc đề xuất đặt ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm. Thậm chí Ban quản lý dự án đã trưng bày thiết kế, phương án thi công để xin sự góp ý của nhân dân cùng các nhà khoa học.

Mặc dù Hà Nội cho rằng vị trí xây dựng nhà ga này là phương án tối ưu, tuy nhiên một số quan điểm khác, nhất là các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, lịch sử lại không đồng thuận, cho rằng vi phạm Luật Di sản văn hóa, tác động tiêu cực đến các di tích và danh lam thắng cảnh khu vực Hồ Gươm.

Bộ VHTT&DL cũng đã nhiều lần có văn bản nêu quan điểm cảnh báo gửi TP Hà Nội. Được biết, hiện chưa có quyết định cuối cùng về vị trí xây dựng ga ngầm C9 của dự án.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm chễ chưa biết khi nào hoàn thành.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm chễ chưa biết khi nào hoàn thành. (Ảnh: C.Hiếu).

Cũng liên quan đến dự án này, tại tờ trình UBND TP Hà Nội gửi HĐND TP về việc đưa dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo chạy cạnh hồ Gươm vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (sử dụng từ nguồn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài), nếu tính thêm phần vốn ODA tăng thêm 14.000 tỷ đồng thì mức vay nợ của TP Hà Nội tại thời điểm năm 2021 là khoảng 66.207,55 tỷ đồng.

Theo UBND TP Hà Nội, trong giai đoạn hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn vay ODA và ưu đãi của JICA để thực hiện dự án là phù hợp do nguồn vốn này có thời gian hoàn trả 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi vay từ 0,1-0,2%/năm, thấp hơn nhiều so với huy động từ trái phiếu chính quyền địa phương khoảng 7%/năm. 

TP Hà Nội lý giải, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Nghị định số 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, mức dư nợ vay của ngân sách TP Hà Nội không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Trong năm 2020, Hà Nội dự kiến sẽ ký với Bộ Tài chính hợp đồng vay lại cho dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông với giá trị khoảng 2.306 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội tiếp tục thực hiện giải ngân đối với các dự án đang triển khai có phần vốn ODA thực hiện theo cơ chế vay lại với tổng giá trị dự kiến khoảng 38.077 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính thêm phần vốn ODA tăng thêm của dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là 14.087 tỷ đồng (tương đương 56.778 triệu yên) thì mức vay nợ của TP tại thời điểm năm 2021 là khoảng 66.207,55 tỷ đồng.

Một số chuyên gia giao thông cảnh báo rằng: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là bài học nhãn tiền cho các dự án đường sắt đô thị, là điển hình của nỗi lo kép: vỡ tiến độ, đội vốn, vay thêm vốn cũng vỡ tiến độ, đến nay chưa được đưa vào sử dụng.

Thực tế tại Hà Nội và TP HCM cũng có nhiều dự án đường sắt đô thị đang dính những vấn đề đội vốn choamaj tiến độ như: Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội.

Trong khi đó, hằng ngày người dân ở hai đô thị trên phải chen nhau trên đường. Dự án chậm một ngày tốn kém, lãng phí thêm một ngày, chậm kéo dài từ năm này qua năm khác, dự án càng kém phát huy hiệu quả. Không chỉ thế còn làm đảo lộn các kế hoạch, đề án phát triển, quy hoạch đô thị khác.

Đánh giá về các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đội vốn, Bộ GTVT cho rằng, các dự án này lớn, lần đầu Việt Nam làm, nên chưa có kinh nghiệm quản lý. Đặc biệt, năng lực và kinh nghiệm của các chủ đầu tư với dự án đường sắt đô thị đều hạn chế. Trong khi đó, các đơn vị tư vấn nước ngoài thiếu kinh nghiệm thực hiện dự án tại Việt Nam, nên gặp nhiều vướng mắc.

Về trách nhiệm của tình trạng chậm tiến độ, đội vốn, Bộ GTVT cho rằng, về cơ bản, trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ đầu tư; giải phóng mặt bằng chậm trách nhiệm thuộc địa phương.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/du-an-duong-sat-nam-thang-long-doi-von-khung-the-nao-143575.html