Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất: ACV càng chậm trễ tắc nghẽn Tân Sơn Nhất càng lớn

Thứ năm, 28/02/2019, 03:59 AM

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, dự án xây dựng nhà ga T3 của ACV kéo dài 4 năm sẽ khiến sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, tắc nghẽn.

du-an-nha-ga-t3-tan-son-nhat-acv-cang-cham-tre-tac-nghen-tan-son-nhat-cang-lon
Dự án xây dựng nhà ga T3 của ACV kéo dài 4 năm sẽ khiến sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, tắc nghẽn. Ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để Ủy ban trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Theo Bộ GTVT, hiện nay ACV đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên ủy ban phải cho ý kiến thống nhất với phương án đầu tư của ACV để thực hiện bước tiếp theo của dự án. Tuy nhiên, đến nay ủy ban vẫn chưa có ý kiến.

Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng về phương án đầu tư dự án nhà ga hành khách T3 cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT cũng cho biết trước đây khi ACV trực thuộc Bộ GTVT đã thống nhất với danh mục các dự án đầu tư phát triển của ACV.

Cụ thể, ngày 28/12/2018, ACV đã có tờ trình gửi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ GTVT.

Theo đó, ACV đề xuất xây dựng nhà ga nội địa T3 có 2 cao trình (đi và đến tách biệt), năng suất thiết kế 20 triệu lượt hành khách/năm, tổng diện tích sàn nhà ga khoảng 100.000m2. Mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.650m2.

du-an-nha-ga-t3-tan-son-nhat-acv-cang-cham-tre-tac-nghen-tan-son-nhat-cang-lon
Cảnh người dân xếp hàng chờ đợi sân bay Tân Sơn Nhất. 

Bên cạnh đó, đầu tư các hạng mục phụ trợ như: trạm cấp điện, trạm cấp nước, sân đường giao thông nội bộ, bãi để xe; hệ thống thoát nước mặt, thoát nước thải...

Tổng mức đầu tư khái toán khoảng 11.430 tỷ đồng hoàn toàn bằng nguồn vốn doanh nghiệp của ACV. Thời gian từ chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành đưa vào khai thác khoảng 43 tháng. Dự kiến từ quý 4/2018 đến quý 2/2022.

Theo Bộ GTVT thì đây là dự án cấp bách cần phải khẩn trương triển khai, do đó cần khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để Bộ Kế hoạch và đầu tư có cơ sở thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Trường hợp ACV không thực hiện đầu tư, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT công bố danh mục kêu gọi đầu tư theo quy định của pháp luật.

Giới chuyên gia đánh giá nhà ga T3 sẽ là một trong những công trình hàng không có khả năng sinh lời cao nhất trong lĩnh vực hạ tầng hàng không hiện nay. Trong khi đang muốn làm chủ đầu tư sân bay Long Thành, ACV vẫn không muốn buông dự án này, cho rằng vẫn có đủ năng lực tài chính lẫn lợi thế kinh nghiệm.

Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không cho rằng, thiết kế nhà ga T3, Tân Sơn Nhất của ACV khó đáp ứng đủ năng suất 20 triệu hành khách, thậm chí còn tạo điểm nghẽn ở các khu vực khác trong và ngoài nhà ga. Mặt khác, nếu theo dự án của ACV, thời gian xây dựng sẽ kéo dài tới gần 4 năm, quá chậm, quá tốn kém.

Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, vấn đề ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra cả ở trong sân bay và ngoài sân bay. Mở rộng Tân Sơn Nhất hiện nay vẫn chỉ tập chung vào phia Nam.

du-an-nha-ga-t3-tan-son-nhat-acv-cang-cham-tre-tac-nghen-tan-son-nhat-cang-lon
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, dự án xây dựng nhà ga T3 của ACV kéo dài 4 năm sẽ khiến sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, tắc nghẽn. 

“Theo tôi đầu tiên  phải mở rộng giao thông hai mặt Bắc và Nam của sân bay để tăng tính kết nối, giảm ách tắc. Sau đó, tiến hành mở rộng nhà ga hành khách phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, vì TP HCM là cửa ngõ lớn, là thành phố biểu tượng của Việt Nam”, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.

PGS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, nâng cấp mở rộng cả hai mặt phía Bắc và phía Nam sân bay Tân Sơn Nhất sẽ nâng năng suất vận chuyển hành khách Tân Sơn Nhất lên 60 triệu hành khách. Dự tính năm 2023 sẽ có sân bay Long Thành, tuy nhiên với tiến độ hiện nay rất khó để đưa sân bay Long Thành vào hoạt động năm 2023.

“Dù có hay không có Long Thành thì sân bay Tân Sơn Nhất vẫn phải phát triển với năng suất thiết kế tối đa có thể là 50-60 triệu hành khách /năm, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của TP HCM nói riêng, các tỉnh thành phía Nam.

Vì thế, việc xây dựng thêm ga hành khách là điều vô cùng cần thiết, mà cần thiết từ nhiều năm rồi. Việc xây dựng ga hành khách giống như hạ tầng xây dựng khác đâu cần đến 4 năm. Với đà tăng trưởng, nhu cầu đi lại người dân hiện nay trong 4 năm nữa sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ùn tắc khủng khiếp đến mức nào”, ông Tống cho biết.

Theo ông Tống việc ACV kéo dài thời gian làm nhà ga T3 là có nguyên nhân. Họ lấn cấn, không muốn đầu tư vào sân bay Tân Sơn Nhất vì sợ bị giam vốn. Họ muốn đầu tư vào Long Thành. Nhưng làm sao họ có đủ tiềm lực để đầu tư vào Long Thành được. Nếu để Tân Sơn Nhất hoạt động được với công suất tối đa, chúng ta phải mở rộng, xây thêm nhà ga trên diện tích 200.000 m2. Còn việc mở rộng ít hơn chỉ phát huy được hiệu quả ngắn hạn.

Việc ACV đề xuất mở rộng sân bay chỉ trên khu đất 16 ha, tức là diện tích nhà ga chỉ 100.000 m2 (giảm một nửa so với thiết kế của Bộ GTVT và Tư vấn ADPi của Pháp) là quá thiếu khả thi.

 

Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư

Theo ông Bùi Kiến Thành – Chuyên gia kinh tế, cái tên Hà Nội, Việt Nam sẽ gắn với sự kiện lịch sử Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, không phải chỉ bây giờ mà gắn với tiến trình này cho đến khi kết thúc.

 

Không sao lưu video đầy đủ: Lo ngại doanh nghiệp đầu tư cao tốc TP HCM - Dầu Giây gian dối

Từ vụ cướp 2,2 tỉ đồng tại một ca trực của trạm thu phí Dầu Giây, dư luận đã nghi ngờ doanh thu thực tuyến cao tốc TP HCM - Dầu Giây.

 

Đầu tư nhà ga hàng không: Lợi nhuận thu hồi chậm vì sao doanh nghiệp vẫn đổ tiền vào

Đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng hàng không lợi nhuận thu hồi lâu nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, lan tỏa cho phát triển kinh tế vùng, nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.