Dự án nhà ở xã hội HQC Nha Trang: Dân kéo đến ăn nằm để 'đòi nhà'

Thứ sáu, 14/08/2020, 19:03 PM

Nhiều người dân mua nhà tại khối A1 của Dự án nhà ở xã hội HQC Nha Trang đã đưa đồ đạc đến sảnh khu nhà và căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư bàn giao nhà.

Dự án nhà ở xã hội HQC Nha Trang nhiều lần bị căng băng rôn vì chậm tiến độ. (Ảnh chụp năm 2019 - Dân Trí).

Dự án nhà ở xã hội HQC Nha Trang nhiều lần bị căng băng rôn vì chậm tiến độ. (Ảnh chụp năm 2019 - Dân Trí).

Dự án nhà ở xã hội HQC Nha Trang (địa chỉ ở phường Vĩnh Hoà, TP Nha Trang, Khánh Hòa) do Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (Công ty Hoàng Quân) làm chủ đầu tư.

Dự án này có quy mô 1 khối đế, 4 khối tháp, với tổng số căn hộ là 1.002 căn hộ, 7 khu thương mại dịch vụ. Dự án được triển khai từ năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2016 sẽ bàn giao nhà cho khách hàng.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, dự án bị phản ánh chậm tiến độ khiến những người mua nhà khốn đốn, nhiều lần căng băng rôn đòi nhà, yêu cầu gặp chủ đầu tư để đối thoại.

Đến đầu năm 2020, Công ty Hoàng Quân mới bắt đầu bàn giao nhà cho người dân ở một số khối nhà B1, B2, A2. Còn khối A1 của dự án chung cư này (có 220 căn hộ, chủ yếu là các căn hộ thuộc diện ký hợp đồng đặt cọc thuê).

Những ngày qua, tại đây xuất hiện tình trạng người dân kéo đến ăn nằm ngay tại sảnh khu nhà để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao nhà.

Báo Tiền Phong dẫn lời khách hàng mua nhà là ông Lý Ngọc Thoa (mua căn hộ tại tầng 15 khối nhà A1) cho biết: Gần 1 tháng qua, ông cùng hàng chục khách hàng liên tục đến văn phòng Công ty Hoàng Quân để đòi nhà nhưng chỉ gặp nhân viên.

Nhân viên yêu cầu cư dân thực hiện 1 trong 3 phương án mà chủ đầu tư đưa ra nhưng cả 3 phương án đều vi phạm quy định pháp luật, gây bất lợi cho người dân.

Người dân kéo đến

Người dân kéo đến "ăn nằm" ngay ại sảnh khối A1 dự án HQC Nha Trang để đòi nhà. (Ảnh: Tiền Phong).

"Khi khách hàng mua nhà đòi gặp lãnh đạo công ty để đối chất nhưng đều bị từ chối. Chúng tôi đã gửi đơn tố cáo liên tục cho UBND tỉnh, Công an tỉnh Khánh Hoà nhưng tình hình vẫn không thay đổi", ông Thoa nói.

Theo người mua nhà, khối nhà A1 đã có khoảng 40 hộ đến nhận nhà, trong đó có một số căn nhà thương mại, nhà ở xã hội thuộc đối tượng mua và một số hộ thuộc đối tượng thuê nhưng quá cần nhà ở nên chấp nhận phương án trái luật mà chủ đầu tư đưa ra.

Hiện còn khoảng 180 hộ thuộc đối tượng thuê vẫn chưa được nhận nhà, tiếp tục đấu tranh đòi chủ đầu tư thực hiện đúng hợp đồng đặt cọc thuê.

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Khánh Hoà mới đây, Công ty Hoàng Quân cho biết khối nhà A1 đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày 29/5/2020. Hiện Cty đang bàn giao nhà cho khách hàng ký hợp đồng mua căn hộ, nhưng nhiều người dân “chưa hiểu rõ nội dung của hợp đồng nên khiếu nại”?

Theo báo chí, Công ty này đưa ra 3 phương án cho khách hàng ký hợp đồng thuê lựa chọn gồm: Khách hàng ứng trước 95% trị giá căn hộ và không phải đóng tiền thuê hàng tháng; khách hàng ứng trước 75% trị giá căn hộ và đóng tiền thuê hàng tháng là 22.000 đồng/m2; khách hàng đóng 50% trị giá căn hộ và đóng tiền thuê hàng tháng 44.000 đồng/m2.

Bên cạnh đó, theo doanh nghiệp này, hiện UBND tỉnh Khánh Hoà chưa phê duyệt giá bán nhà ở xã hội tại dự án HQC Nha Trang nên chưa tiến hành ký hợp đồng mua bán căn hộ thuê đối với khách hàng: Chờ sau khi căn hộ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, công ty sẽ ký hợp đồng mua bán căn hộ với giá bán căn hộ theo giá được cơ quan có thẩm quyền thẩm định...

Tuy vậy, khách hàng cho rằng: Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS quy định đối với nhà thuê thì chủ đầu tư chỉ được thu tối đa 50% trị giá căn hộ, số tiền còn lại sẽ được nộp sau 5 năm nếu khách hàng được duyệt mua căn hộ đang ở. Khối nhà A1 đã hoàn thiện từ cuối tháng 4/2020, nhưng đến nay Công ty Hoàng Quân vẫn không bàn giao nhà cho khách hàng và yêu cầu người dân phải đóng tiếp 45% trị giá căn hộ mới ký hợp đồng và bàn giao nhà là sai quy định.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng Khánh Hoà cho biết, Sở này đã nhiều lần yêu cầu Công ty Hoàng Quân ký hợp đồng theo đúng các nội dung đã thỏa thuận theo hợp đồng đặt cọc thuê căn hộ với khách hàng và không được thu tiền đặt cọc vượt quá 50% trị giá nhà ở cho thuê.

Tới đây, Sở sẽ mời lãnh đạo công ty lên làm việc để yêu cầu bàn giao nhà cho người dân. "Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là đôn đốc, nhắc nhở chứ không thể cưỡng chế căn hộ để cho người dân vào ở”, vị lãnh đạo Sở trả lời báo chí xung quanh vụ việc.

Bài liên quan