Đưa thông tin về Covid-19 sai lệch trên MXH có bị xử lý hình sự?

Thứ ba, 24/03/2020, 13:00 PM

Theo quan điểm của luật sư, xử lý nghiêm việc đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 là hết sức cần thiết.

Các cá nhân đăng tin xuyên tạc lên mạng xã hội về dịch Covid-19.

Các cá nhân đăng tin xuyên tạc lên mạng xã hội về dịch Covid-19.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội.

Đặc biệt đã có một số đối tượng thù địch, phản động, bất mãn chính trị trong và ngoài nước lợi dụng sự kiện này phát tán trên mạng Internet các thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh; kích động người dân đình công, ngừng buôn bán, tích trữ lương thực, thực phẩm...

"Hành vi này không chỉ gây khó khăn, cản trở cho công tác phòng, chống dịch mà còn tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, sói mòn niềm tin của nhân dân vào nhà nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội", luật sư Thơm phân tích.

"Hiện nay, công tác phòng chống dịch bệnh đã và đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm đồng lòng, đoàn kết thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực rất đáng ghi nhận. Do đó, người dân cần thận trọng khi tiếp cận, chia sẻ các thông tin không chính thống trên không gian mạng", luật sư Thơm nói.

Công an làm việc với những người đăng tin thất thiệt về dịch Covid-19.

Công an làm việc với những người đăng tin thất thiệt về dịch Covid-19.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết đã chia sẻ trên trang Facebook của mình những thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng, thậm chí là thông tin của các trang mạng phản động để lan truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng nhằm câu view, câu like, thể hiện cái tôi của mình hoặc phục vụ bán hàng online,..

"Do đó, xử lý nghiêm việc đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay nhằm góp phần duy trì sự ổn định xã hội thì công tác phòng chống dịch bệnh sẽ đạt được hiệu quả cao nhất. Dưới góc độ pháp luật, việc thông tin sai sự thật trên không gian mạng là hành vi trái pháp luật được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019)", luật sư Nguyễn Anh thơm nhận định.

"Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Hành vi vi phạm này tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân", luật sư Nguyễn Anh Thơm thông tin.

Đặc biệt, theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay thì những thông tin sai sự thật lại càng có tính chất nguy hiểm đối với xã hội. Đối với các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận, đặc biệt là những đối tượng thù địch, phản động, bất mãn chính trị thì cũng cần thiết xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 hoặc Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

"Xử lý hình sự những đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ, đăng tải những bài viết cá nhân hoặc chia sẻ lên trang Facebook những thông tin xuyên tạc về sự chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh là cần thiết nhằm ngăn ngừa những hệ lụy tiêu cực đối với xã hội", luật sư Thơm chốt lại.

Theo thông tin từ Bộ Công an, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, nhiều người lợi dụng tình hình dịch bệnh tung tin thất thiệt hoặc đưa những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân nhằm câu view, câu like, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Theo thống kê của lực lượng công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn. Gần 600.000 tin, bài, video, clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội.

Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.

Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đến nay đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 người.

Các trường hợp sai phạm sau khi được cơ quan công an làm việc, phân tích đã nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân, tự gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và cam kết không tái phạm; trong đó có cả những KOL (người có ảnh hưởng trong xã hội).