Đức cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine

Thứ năm, 02/06/2022, 06:40 AM

Thủ tướng Đức Scholz tuyên bố nước này sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng IRIS-T theo đề nghị của Kiev.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Brussels, Bỉ, hôm 31/5. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Brussels, Bỉ, hôm 31/5. Ảnh: AFP.

"Chính phủ đã quyết định sẽ cung cấp hệ thống phòng không IRIS-T hiện đại nhất mà Đức sở hữu cho Ukraine", Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước quốc hội hôm 1/6.

Thủ tướng Scholz cho biết Đức đã liên tục chuyển giao vũ khí hỗ trợ Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra tại nước này hôm 24/2, trong đó có 15 triệu viên đạn, 100.000 lựu đạn và hơn 5.000 quả mìn chống tăng.

IRIS-T có tầm bắn xa 40 km và có thể bắn hạ các mục tiêu ở độ cao tối đa 20 km, được thiết kế để phòng thủ trước các cuộc tấn công từ máy bay, trực thăng, UAV hay tên lửa.

Tuyên bố của Đức về việc cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine không có nghĩa là điều này sẽ được thực hiện lập tức. "Sẽ mất một khoảng thời gian, có thể là vài tháng", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với các nghị sĩ.

Trước những chỉ trích rằng Đức không hành động đủ để hỗ trợ Ukraine tự vệ, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh chính phủ của ông đã đáp trả chiến dịch quân sự của Nga bằng sự thay đổi lớn về chính sách ở Đức, đưa vũ khí hạng nặng vào vùng chiến sự.

Không quân di chuyển một tên lửa IRIS-T ở miền bắc nước Đức tháng 12/2005. Ảnh: Reuters.

Không quân di chuyển một tên lửa IRIS-T ở miền bắc nước Đức tháng 12/2005. Ảnh: Reuters.

Theo Thủ tướng Đức, nước này vẫn tiến hành các cuộc đàm phán với những đối tác nhằm tìm cách hỗ trợ Ukraine chống lại lực lượng Nga. Ukraine gần đây liên tục đề nghị các nước hỗ trợ vũ khí hạng nặng trong bối cảnh lực lượng Nga tiến quân ở các mặt trận ác liệt tại khu vực Donbass như Severodonetsk.

Đức hôm 31/5 tuyên bố sẽ chuyển giao các xe chiến đấu bộ binh (IFV) cho Hy Lạp để đổi lại việc Athens có thể chuyển giao vũ khí thời Liên Xô cho Ukraine.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/6 công bố gói vũ khí giá 700 triệu USD cho Ukraine, trong đó có hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao nhắm chính xác mục tiêu ở khoảng cách 80 km.

“Mỹ sẽ sát cánh với Ukraine và tiếp tục cung cấp cho Ukraine vũ khí và thiết bị để tự vệ”, Reuters dẫn lời ông Biden cho biết trong một tuyên bố.

Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa tiên tiến (HIMARS) sau khi Kyiv đảm bảo họ sẽ không sử dụng loại vũ khí này để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Chính quyền Mỹ đã áp đặt điều kiện nhằm cố gắng tránh leo thang căng thẳng.

"Ukraine đảm bảo với chúng tôi rằng họ sẽ không sử dụng hệ thống này chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết khi xuất hiện với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng cho biết Mỹ sẽ gửi 4 hệ thống HIMARS tới Ukraine. Quan chức này nói sẽ mất khoảng ba tuần để huấn luyện lực lượng Ukraine về cách sử dụng hệ thống mới.

CNN dẫn lời các quan chức cho biết gói hỗ trợ an ninh mới sẽ bao gồm cả radar giám sát không phận, vũ khí chống tăng Javelin, đạn pháo, trực thăng, xe tác chiến và phụ tùng để giúp Ukraine bảo trì thiết bị.