Đường băng sân bay xuống cấp, vì sao ACV không bỏ tiền sửa chữa?

Thứ năm, 26/09/2019, 06:01 AM

Việc đổ lỗi do vướng mắc cơ chế nên ACV không thể thực hiện nâng cấp sửa chữa sân bay là không đúng. Cơ chế, quy định do con người đặt ra nếu vướng mắc phải sửa, nếu không sửa chứng tỏ có lợi ích riêng để đẩy khó khăn về cho nhà nước.

duong-bang-san-bay-xuong-cap-vi-sao-acv-khong-bo-tien-nang-cap-sua-chua
Đường băng sân bay xuống cấp, vì sao ACV không bỏ tiền nâng cấp sửa chữa?

Việc hạ tầng khu bay, đường cất/hạ cánh, đường lăn, cả sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều xuống cấp nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa được nâng cấp sửa chữa ảnh hưởng tới việc hạ cất cánh của các chuyến bay đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tại sân bay Nội Bài, theo báo cáo của ACV, hiện tại, bề mặt đường cất hạ cánh 1A đã xuất hiện hiện tượng hằn vệt bánh tàu bay theo vệt càng. Hai vệt bánh tàu bay mỗi vệt hằn rộng 1m, trên đường cất hạ cánh này còn có hiện tượng nứt dọc tim kiểu rạn chân chim… Đường cất hạ cánh 1B thường xuyên xuất hiện hư hỏng như nứt vỡ, phùi bùn. Một số tấm bê tông xi măng có hiện tượng bị lún, cá biệt có những vị trí độ lệch giữa khe 2 tấm bê tông xi măng lên tới 3cm.

Những lý do dẫn tới hiện tượng trên được ACV nêu, khu vực đường lăn có kết cấu bê tông nhựa, trên bề mặt các đường lăn nối đoạn tiếp giáp đường cất hạ cánh 11L/29R cũng đã xuất hiện vệt hằn theo vệt càng sau tàu bay. Tháng 8/2018 đã sửa chữa những khu vực bị xuống cấp, nhưng vẫn tiếp tục bị hư hỏng trở lại do nền yếu và phùi bùn lên trên bề mặt. Cùng đó, khu vực đường lăn có kết cấu bê tông xi măng thì thường xuyên bị nứt vỡ.

Thông tin về vấn đề an toàn hàng không, lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho rằng: “Tình trạng đường lăn cất hạ cánh bị xuống cấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho hoạt động bay, thậm chí đường băng đối mặt với nguy cơ phải dừng khai thác bất cứ lúc nào”.

Tình trạng lún nứt, phụt bùn cũng là xảy ra tại đường băng Tân Sơn Nhất. Tần suất khai thác quá lớn là nguyên nhân chính của tình trạng này.

duong-bang-san-bay-xuong-cap-vi-sao-acv-khong-bo-tien-nang-cap-sua-chua
Sau khi cổ phần hóa ACV vẫn được giao quản lý khai thác sân bay nhưng việc sửa chữa đường băng lại do nhà nước bỏ tiền ra.

Đáng nói dù tình trạng đường băng sân bay xuống cấp nhưng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán ACV - UpCOM) đơn vị được giao quản lý, khai thác 21 sân bay lại không đứng ra sửa chữa, nâng cấp như trước đây.

Mấu chốt vấn đề là việc cổ phần hóa ACV. Cụ thể, trước khi thực hiện cổ phần hóa ACV, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nằm trong giá trị tài sản của ACV.

Lúc đó, thông qua kế hoạch đầu tư phát triển của ACV, Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho ACV đầu tư các dự án phát triển cảng hàng không, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. ACV chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý, khai thác theo quy định của Luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan bằng nguồn vốn của ACV.

Tuy nhiên, từ ngày 1/4/2016, ACV cổ phần hóa, tuy nhiên mức cổ phần hóa rất nhỏ chỉ 4,6% (nhà nước vẫn nắm giữ 95,4%). Từ đó đến nay, ACV tiếp tục giao quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý để đảm bảo hoạt động hàng không được liên tục, an toàn.

Điều đáng nói, sau khi cổ phần hóa ACV, việc thực hiện công tác bảo trì, đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng hàng không gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, các đường băng, đường lăn tại các cảng hàng không có công suất khai thác lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã vượt tần suất khai thác so với tính toán thiết kế ban đầu, xuất hiện các hư hỏng có nguy cơ uy hiếp an toàn bay và cần phải được đầu tư nâng cấp.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, các hạng mục trên thuộc tài sản Nhà nước và phải đầu tư bằng ngân sách.

Nói cách khác ACV được quyền khai thác, quản lý sân bay hưởng lợi từ dịch vụ nhưng phần khó khăn nhất là hạ tầng đường băng, bãi đỗ sân bay thì nhà nước phải gánh.

duong-bang-san-bay-xuong-cap-vi-sao-acv-khong-bo-tien-nang-cap-sua-chua
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, vấn đề cốt lõi là việc cho cổ phần hóa ACV.

Đánh giá những này, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, vấn đề cốt lõi là việc cổ phần hóa ACV và việc sau khi cổ phần hóa vẫn giao cho ACV quản lý khai thác sân bay.

Thứ nhất, vấn đề quản lý sân bay nếu nhà nước xác định không cần giữ, giao cho tư nhân làm, giao tư nhân quản lý thì cần thoái vốn hết. Ngược lại nếu lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng, an toàn hàng không… nhà nước phải giữ ACV là doanh nghiệp nhà nước.

Tại sao lại chủ trương cổ phần hóa ACV? Mức cổ phần hóa chỉ 4,6% nhà nước không thu được bao nhiêu từ lượng thoái vốn đó.

Thứ hai, tại sao sau khi ACV cổ phần hóa, doanh nghiệp hoạt động theo quy định công ty cổ phần, tại sao Bộ GTVT vẫn giao doanh nghiệp này quản lý, khai thác sân bay?

Đáng ra lúc đó phải mời thầu công khai các đơn vị khác tham gia đấu thầu quyền khai thác dịch vụ sân bay. Bởi những hạng mục quan trọng của sân bay như đường bằng, sân đỗ nhà nước đã quản lý. Nhà nước nên đấu thầu quyền khai thác dịch vụ hàng không cho đơn vị khác để lấy nguồn tiền đó quay lại đầu tư, nâng cấp cải tạo sân bay.

“Nếu nhà nước đã giao cho ACV vì lợi nhuận doanh nghiệp này thì doanh thu, lợi nhuận của ACV bao nhiêu phải chi ra để nhà nước sửa chữa, nâng cấp sân bay”, TS. Bùi Trinh cho biết.

Theo báo cáo tài chính của ACV, trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu ACV đạt 8.909 tỷ đồng, tăng 12% so với nửa đầu năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.563 tỷ đồng, hoàn thành 55,7% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.703 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 3.696 tỷ đồng.

Tính đến hết quý II/2019, ACV còn 805 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng và hơn 28.372 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn không quá 12 tháng.