Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Chạy thử trong vòng 1 tháng nữa

Thứ năm, 28/06/2018, 17:50 PM

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt phải làm việc với nhà thầu cuối tháng 7, đầu tháng 8 phải đóng điện xong cho các đoàn tàu chạy trên đường Cát Linh- Hà Đông.

duong-sat-cat-linh-ha-dong-chay-thu-trong-vong-1-thang-nua
Một đoạn dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, ảnh: H.Lực

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa thực địa rà soát tiến độ các dự án trọng điểm của ngành giao thông trong đó có dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Ban Quản lý dự án đường sắt phải làm việc với nhà thầu, để 15/7 phải đưa điện lưới quốc gia kết nối với hệ thống vận hành tàu; cuối tháng 7, đầu tháng 8 phải đóng điện xong cho các đoàn tàu chạy trên đường Cát Linh- Hà Đông.

"Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp chặt chẽ với tổng thầu để đưa dự án, các đoàn tàu vào chạy thử trong tháng 8/2018. Vận hành thử nghiệm là giai đoạn quan trọng để căn chỉnh, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, an toàn khi khai thác thương mại. Công tác kiểm định an toàn chất lượng, nghiệm thu, giải ngân cần được đẩy nhanh", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Thể cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với Hà Nội đưa các chuyên gia, cán bộ, nhân viên được đào tạo tốt nhất để khi hoàn thiện vận hành trơn tru, hiệu quả cao; phối hợp với Hội đồng nghiệm thu nhà nước tiếp cận, tìm hiểu hồ sơ, thực tế…để giám sát, kiểm tra dự án. Việc nghiệm thu đánh giá an toàn của hệ thống phải đặc biệt chú trọng từ khâu kiểm tra thiết kế đến thực tế để đảm bảo an toàn chạy tàu cho người và phương tiện.

Liên quan đến kiểm soát chất lượng an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện một đơn vị tư vấn của châu Âu đang thực hiện việc rà soát, đánh giá chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn thiết kế dự án.

Theo ông Võ Hồng Phương, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành được 95% khối lượng xây dựng, thiết bị nhập về đáp ứng 80% và lắp đặt thiết bị đạt 60%.

Phấn đấu đến tháng 9/2018, dự án đưa vào vận hành chạy thử về kỹ thuật, bao gồm cả căn chỉnh tổng hợp, vận hành thử không tải, vận hành chở khách mô phỏng, với thời gian vận hành thử là từ 3 đến 6 tháng, tùy thuộc vào kết quả chạy thử để tiến hành để tiến hành đưa vào khai thác thương mại.

Và đến tháng 12, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Như vậy, với tiến độ mới được lập, dự án sẽ chậm khoảng 11 tháng so với kế hoạch được Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh hồi tháng 2/2017 là hoàn thành, khai thác thương mại vào quý 1/2018.

Lý giải nguyên nhận thậm tiến độ, ông Phương cho biết, do chậm được cấp nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD. Tuy nhiên, từ tháng 12/2017, các thủ tục đã được tháo gỡ xong, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung trên. Tiến độ giải ngân đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án.

Trên thực tế, nếu không giải quyết và kiểm soát chặt tiến độ, nguy cơ tuyến đường sắt đô thị này chỉ có thể đưa vào vận hành khai thác thương mại vào năm 2019 là không ngoại trừ.

Trong khi đó, ông Vũ Hồng Phương cũng cho biết, đến tháng 12/2018, tuyến đường sắt này mới đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác thương mại, việc vận hành do UBND Hà Nội tiếp nhận thực hiện khai thác, Bộ Giao thông chỉ làm giai đoạn đầu tư và thực hiện đầu tư.

Khi nào chính thức khai thác thương mại còn phụ thuộc vào UBND Hà Nội phụ trách, ông Võ Hồng Phương nói và cho biết thêm, tất nhiên hai bên phải phối hợp cùng làm, chứ không phải đổi lỗi trách nhiệm cho nhau.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 552,8 triệu USD vào năm 2008, đến năm 2016, được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,1 triệu USD). Vì tăng tổng mức đầu tư, dự án phải vay thêm Ngân hàng Eximbank Trung Quốc thêm 250 triệu USD.

 

Cầu vượt ‘chướng mắt’ bắc qua đường sắt đẩy người đi bộ xuống quốc lộ ở Thanh Hóa

Một cây cầu vượt “hoàng tráng” được xây dựng bắc qua đường ray tàu hỏa chỉ rộng vài “bước chân” ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Trong khi cầu không được xây kéo dài bắc qua đường quốc lộ đang khiến dư luận xôn xao.

 

5 tháng đường sắt xảy ra 122 vụ tai nạn làm tử vong 56 người

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, ngành đường sắt để xảy ra 122 vụ tai nạn làm chết 56 người và 81 người bị thương.

 

Đường sắt sẽ cấm nhân viên sử dụng điện thoại thông minh

Sau loạt tai nạn nghiêm trọng, ngành đường sắt đang siết chặt công tác quản lý, đồng thời quy định cấm nhân viên tại một số vị trí sử dụng điện thoại thông minh trong giờ làm.