Duterte gạt phán quyết chủ quyền, nhận 'ăn chia phần trăm' trên Biển Đông với Trung Quốc

Thứ năm, 12/09/2019, 06:30 AM

"Họ muốn thăm dò. Họ nói nếu phát hiện khí, chúng ta sẽ nhận 60% lợi nhuận còn họ chỉ nhận 40%. Ông Tập Cận Bình đã hứa như vậy", Tổng thống Duterte nói về đề nghị của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm nước này của ông hồi cuối tháng Tám.

duterte-gat-phan-quyet-chu-quyen-nhan-an-chia-phan-tram-tren-bien-dong-voi-trung-quoc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Philippines Duterte tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh hôm 29/8. Ảnh: Inquirer.

Theo Bloomberg, trong một cuộc họp báo hôm 10/9, Tổng thống Philippines tuyên bố ông sẽ lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, vốn xác nhận chủ quyền của Philippines trên Biển Đông, để hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Philippines nói thêm Bắc Kinh đã hối thúc ông gạt sang một bên phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển có tranh chấp với Philippines.

"Hãy gạt phán quyết và tuyên bố chủ quyền của các ngài sang một bên. Sau đó cho phép mọi người liên doanh với các công ty Trung Quốc", Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhắc lại lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi trả lời giới báo chí, đề cập phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" Trung Quốc đơn phương vẽ ra để đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông.

Theo Duterte, ông Tập đề nghị trao cổ phần cho Philippines trong một liên doanh khai thác khí đốt tại bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện do Philippines kiểm soát, nếu Manila bỏ qua phán quyết của PCA. "Họ muốn thăm dò. Họ nói nếu phát hiện khí, chúng ta sẽ nhận 60% lợi nhuận còn họ chỉ nhận 40%. Ông Tập Cận Bình đã hứa như vậy", Duterte nói. 

Khi được hỏi liệu thỏa thuận với ông Tập có bao gồm các khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Duterte lập luận rằng những khu vực này đã được đưa vào phán quyết của trọng tài. "Vùng đặc quyền kinh tế là một phần của phán quyết trọng tài mà chúng tôi sẽ bỏ qua để tiến hành hoạt động kinh tế", Duterte nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từ chối cung cấp thông tin cụ thể về việc trao đổi giữa hai lãnh đạo, song cho biết ông Tập lưu ý rằng hợp tác sẽ mang lại tiến bộ lớn hơn trong việc khai thác tài nguyên biển. 

Bà Hoa cũng nói rằng Duterte đã sẵn sàng đẩy nhanh hợp tác khai thác dầu khí cũng như phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines. Đối với một số "tình huống đặc biệt", các nhóm làm việc giữa hai bên sẽ thảo luận kỹ lưỡng.

Trong chuyến thăm Trung Quốc cuối tháng trước của Duterte, ông Tập nhắc lại lập trường không công nhận phán quyết Biển Đông của PCA. Bắc Kinh trước đó đã đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông.

Sau khi lên làm Tổng thống năm 2016, Duterte thực thi chính sách xích lại gần Trung Quốc và né tránh thực thi phán quyết của PCA vì cho rằng điều đó sẽ dẫn đến chiến tranh. Tuy nhiên, lãnh đạo Philippines gần đây thay đổi giọng điệu với Trung Quốc, sau khi chịu nhiều sức ép từ giới chức và dư luận Philippines.

Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc ngăn cản các quốc gia Đông Nam Á tiếp cận các nguồn tài nguyên hydrocarbon chưa khai thác trị giá ước tính 2.500 tỉ USD.

Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng từng thúc giục các nước châu Á kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông trong chuyến công du của ông tới Hà Nội.

 

Philippines khẳng định không từ bỏ phán quyết Biển Đông

Phủ Tổng thống Philippines cho biết Manila sẽ không từ bỏ phán quyết Biển Đông, khẳng định phán quyết là cuối cùng, mang tính ràng buộc và không thể kháng cáo.

 

Báo Philippines minh oan cho Tổng thống Duterte: Có đề cập đến phán quyết về Biển Đông nhưng bị ông Tập Cận Bình từ chối tuân thủ

Trong khi Tân Hoa Xã không đề cập đến nội dung nào liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông 2016 khi đưa tin về cuộc gặp ngày 29/8 giữa hai nhà lãnh đạo Trung – Philippines, báo Philippines khẳng định ông Duterte đã đề cập đến phán quyết nhưng bị ông Tập từ chối tuân thủ.