Thứ năm, 14/11/2019, 14:34 PM
  • Click để copy

Gần 4.500 kiến nghị được người dân gửi đến 'Phản ánh hiện trường’

Từ đầu năm đến nay, đã có gần 4.500 phản ánh của người dân được gửi đến "phản ánh hiện trường". Qua xác minh, có 4.376 phản ánh đủ điều kiện theo quy định được xử lý.

gan-4500-kien-nghi-duoc-nguoi-dan-gui-den-phan-anh-hien-truong
Một phản ánh của người dân gửi đến hệ thống.

Dịch vụ phản ánh hiện trường là một phần quan trọng trong hoạt động của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Trung tâm IOC).

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 132 cơ quan, tổ chức, đơn vị tham gia vào hoạt động xử lý phản ánh hiện trường (PAHT) trên cơ sở có phát sinh phản ánh thuộc thẩm quyền xử lý.

Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có gần 4.500 phản ánh của người dân; qua xác minh có 4.376 phản ánh đủ điều kiện theo quy định được xử lý. Tổng số phản ánh có sự tham gia đánh giá mức độ hài lòng của người dân là 2.281, chiếm tỷ lệ 57% trên tổng số phản ánh đã được xử lý, trong đó tỷ lệ đánh giá từ mức chấp nhận trở lên chiếm gần 84%...

Đánh giá về hệ thống phản ánh hiện trường trong thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, hệ thống PAHT đã xây dựng được bộ công cụ giúp người dân, doanh nghiệp chủ động, tin tưởng và tham gia phản ánh kiến nghị. Xây dựng được kênh tương tác đa chiều, đánh giá kết quả xử lý cũng như công khai minh bạch, tạo lòng tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, thu hút sự tham gia tăng dần của đông đảo quần chúng. Giảm bớt khâu xử lý trung gian, phương thức giám sát hiện đại.

Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo ra cơ chế tự giám sát kết hợp với nghiệp vụ giám sát của Trung tâm IOC. Qua đó, thời gian, nội dung, chất lượng, số lượng các phản ánh đều có cơ chế đảm bảo hiệu quả và không bị bỏ sót. Giúp thay đổi ý thức, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan xử lý.

gan-4500-kien-nghi-duoc-nguoi-dan-gui-den-phan-anh-hien-truong
Mức độ hài lòng của người dân.

Hệ thống xây dựng theo hướng mở, linh động và hình thành được phương thức quản lý mới. Qua đó, đã xây dựng được mô hình kết nối doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xử lý. Các doanh nghiệp có thể tiếp nhận thông tin tức thời và triển khai phương án khắc phục tức thời thuộc phạm vi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đã cắt giảm được các bước quy trình hành chính từ công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp mà thông qua hình thức xử lý trực tiếp dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị chính xác, nhanh chóng với những vấn đề nóng đã và đang xảy ra đã có những phản hồi tích cực từ người dân đem lại hiệu quả, sự tin tưởng khi công dân gửi các phản ánh, kiến nghị đến Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh. Qua đó, thu hút được người dân tham gia vào các hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển.

gan-4500-kien-nghi-duoc-nguoi-dan-gui-den-phan-anh-hien-truong
Bên trong Trung tâm IOC.

Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế trong thời gian qua, đó là các cơ quan xử lý chưa thật sự coi trọng việc tham gia tương tác với người dân, vẫn còn tình trạng tương tác theo kiểu đối phó; còn khá nhiều phản ánh thời gian xử lý quá hạn kéo dài và xử lý không dứt điểm nên một bộ phận người dân chưa tin tưởng tham gia phản ánh và có những biểu hiện, suy nghĩ tiêu cực…

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông và Trung tâm IOC tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác truyền thông; nhất là thông qua việc tăng cường xử lý các phản ánh của khách du lịch, đưa các kết quả xử lý thông qua PAHT lên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội qua đó góp phần lan tỏa những kết quả tích cực và tạo sự ủng hộ, đồng tình hưởng ứng trong cộng đồng nhân dân; phối hợp với các phương tiện thông tin báo chí từ Trung ương đến địa phương, thông qua các hình thức để truyền thông nâng cao nhận thức, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo cán bộ, người dân tiếp cận, nắm bắt và sẵn sàng tham gia vào hệ thống phản ánh hiện trường. 

Ông Định cũng lưu ý, các cơ quan, đơn vị nêu cao trách nhiệm trong quá trình xử lý trên hệ thống thông tin phản ánh hiện trường; đặc biệt cần đảm bảo thời gian xử lý, tuân thủ theo Quyết định số 75/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 29/12/2018 về việc quy định triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường. Tăng cường quán triệt đối với lực lượng trực tiếp tham gia xử lý PAHT cần phải bảo mật tối đa thông tin phản ánh, tránh gây phiền hà cho người phản ánh. Bên cạnh đó cần có đánh giá chính xác mức độ hài lòng, không hài lòng trong quá trình đánh giá tiếp nhận PAHT.

gan-4500-kien-nghi-duoc-nguoi-dan-gui-den-phan-anh-hien-truong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cũng giao các đơn vị có liên quan nghiên cứu để tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành Quy trình xử lý thông tin phản ánh hiện trường để tạo sự đồng bộ, hiệu quả cao trong thời gian tới. Sở Nội vụ cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu đưa tiêu chí về “xử lý phản ánh hiện trường” của các cơ quan, đơn vị vào tiêu chí chấm điểm thi đua trong năm 2019 này và các năm tiếp theo.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/gan-4-500-kien-nghi-duoc-nguoi-dan-gui-den-phan-anh-hien-truong-141764.html