Gây oan sai, công chức phải dùng lương để bồi thường

Chủ nhật, 01/07/2018, 14:26 PM

Hàng loạt chính sách mới đáng chú ý được áp dụng trong tháng 7, trong đó quy định công chức phải dùng lương để hoàn trả số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị oan sai.

gay-oan-sai-cong-chuc-phai-dung-luong-de-boi-thuong
Ông Huỳnh Văn Nén bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt tù chung thân về các tội giết người và cướp tài sản. Ông Nén phải ngồi tù suốt 17 năm mới được giải oan

Gây oan sai, công chức phải hoàn trả bằng lương

Gây oan sai, công chức phải dùng lương để hoàn trả số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị oan sai. Đây là điểm mới được quy định tại Nghị định 68/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Nghị định 68/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7/2018 quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong đó có nói đến việc bồi thường cho người oan sai.

 Trong đó, mức hoàn trả trong trường hợp công chức cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

Nếu Nhà nước đã bồi thường hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại, mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó;

Nếu Nhà nước đã bồi thường từ trên 80 - 100 tháng lương, mức hoàn trả từ 40 - 50 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước bồi thường;

- Nếu Nhà nước đã bồi thường từ 60 - 80 tháng lương, mức hoàn trả từ 30 đến dưới 40 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;

- Nếu Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương, mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.

Bên cạnh đó, cơ quan có người thi hành công vụ gây thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự phải trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai với người bị thiệt hại.

Nội dung trên được quy định tại Nghị định 68/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Được ủy quyền lại cho cá nhân, pháp nhân khác tham gia tố tụng

Theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP cá nhân được quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác tham gia tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Tương tự, pháp nhân có quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Đồng thời, cá nhân, pháp nhân được ủy quyền cũng được ủy quyền lại cho pháp nhân, cá nhân khác tham gia tố tụng nếu được bên ủy quyền đồng ý bằng văn bản.

Cũng theo Nghị quyết, bên mua khoản nợ xấu, khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bên bán và được xác định tư cách đương sự thay thế cho bên bán.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đến ngày 15/8/2022.

Được dùng smartphone sao chụp hồ sơ, tài liệu

Đây là một trong những nội dung được nêu tại Nghị định 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin.

Cụ thể, người đứng đầu cơ quan cung cấp thông tin có trách nhiệm cho phép người yêu cầu cung cấp thông tin sử dụng điện thoại di động và các phương tiện kỹ thuật khác của cá nhân để sao, chụp văn bản, hồ sơ tài liệu; bố trí địa điểm đọc, nghe, xem, ghi chép, sao chép, chụp thông tin để cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan; bố trí thiết bị tại trụ sở cơ quan, tạo thuận lợi cho công dân tiếp cận thông tin bằng hình ảnh, video...

Đồng thời, phải công khai Danh mục thông tin trên Chuyên mục về tiếp cận thông tin tại website của cơ quan; trường hợp chưa có website, phải niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan hoặc có hình thức công khai khác thuận lợi cho công dân trong việc tiếp cận thông tin.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

5 điều kiện được hưởng án treo

Ngày 15/5/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng về các điều kiện được hưởng án treo.

Cụ thể: Bị xử phạt tù không quá 3 năm; Có nhân thân tốt; Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên; Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo, cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trong đó, thời gian thử thách của án treo phải bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không dưới 1 năm và không được quá 5 năm.

Đặc biệt, không cho hưởng án treo với người phạm tội bị xét xử cùng 1 lần về nhiều tội; phạm tội nhiều lần; bị truy nã hoặc là người chủ mưu.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

 

Vụ cô giáo bị hành hung đến thủng màng nhĩ: Phụ huynh đã đến bệnh viện xin lỗi và mong lượng thứ

Gần 10 ngày ‘im hơi lặng tiếng’ sau khi hành hung cô giáo đến thủng màng nhĩ, ông Phan Minh Thuận đã tìm tới bệnh viện gửi lời xin lỗi và mong được nạn nhân lượng thứ.

 

Bất ngờ với kho vũ khí 'khủng' của hai trùm ma túy ở Lóng Luông

Lực lượng công an đã thu giữ tang vật gồm 49 khẩu súng quân dụng các loại, 17 quả lựu đạn, hơn 6.000 viên đạn các loại, 2 ống nhòm và nhiều vật chứng khác có liên quan tại nơi lẩn trốn của hai trùm ma túy.

 

Bắt đối tượng cầm đầu nhóm người cướp gỗ tang vật

Cơ quan chức năng tạm giữ Cường để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.