Gia cảnh thống khổ của 2 nhân viên bị chủ quán bánh xèo tra tấn dã man

Thứ ba, 24/11/2020, 06:21 AM

Gia cảnh nghèo túng khiến Đức và Duy phải lặn lội ra Bắc Ninh đi làm thuê để mưu sinh để rồi bị chủ nhà quán bánh xèo tra tấn dã man.

Gia cảnh thống khổ của 2 nhân viên bị chủ quán bánh xèo tra tấn dã man. Ảnh: VTC New

Gia cảnh thống khổ của 2 nhân viên bị chủ quán bánh xèo tra tấn dã man. Ảnh: VTC New

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó và phải nghỉ học giữa chừng, Đức và Duy khăn gói rời quê ra Bắc Ninh giúp việc cho quán bánh xèo và bị chủ quán tra tấn dã man. Nhiều người dân đã không khỏi ngậm ngùi xót xa khi chứng kiến hình ảnh Duy với thương tích đầy mình xuất hiện tràn ngập trên các mặt báo, dư luận cả nước.

Ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng nằm sâu hun hút trong hẻm nhỏ của bà Bùi Thị Tòa (73 tuổi, thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ) bỗng chộn rộn hơn thường nhật khi bà con, lối xóm ra vào tấp nập để hỏi han tình hình của Võ Văn Đức - cháu ngoại bà Tòa.

Cả ngày hôm nay (23/11), bà Tòa đứng ngồi không yên, lòng dạ cứ bồn chồn kể từ khi đón nhận hung tin về Đức. Ngồi thẫn thờ ở bậc thềm trước hiên nhà.

"Sáng nay, tôi ra chợ mua rau và được mọi người thông tin là thằng cháu của mình bị chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh hành hạ. Nghe xong, tôi rụng rời chân tay, lật đật chạy về nhờ hàng xóm gọi điện cho má thằng Đức. Bây chừ, dì của Đức đang ra ngoài đó coi sự tình thế nào", bà Tòa kể.

Nhắc đến hoàn cảnh của Đức, bà Tòa nghẹn ngào chia sẻ, hơn 20 năm trước, chị Võ Thị Thái Diệu (mẹ Đức) gặp và nảy sinh tình cảm với người đàn ông cùng quê. Cả hai không đăng ký kết hôn, ăn ở với nhau rồi sinh ra Đức.

Ngày Đức lọt lòng mẹ, người cha tệ bạc phũ phàng dứt áo ra đi, mặc cho chị Diệu tự xoay xở trước vô vàn khó khăn và điều tiếng "không chồng mà có con".

"Ngày thằng bé tròn 1 tuổi, mẹ nó lặn lội vào trong Nam tìm việc làm để gửi tiền về cho tôi nuôi cháu. Nhiều năm kế tiếp, tôi phụ bốc vác gạch để kiếm thêm thu nhập sắm sách vở cho cháu tới trường", bà Tòa trải lòng và nói trong nước mắt.

Bà Tòa khóc nghẹn khi kể về Đức. Ảnh: VTC New

Bà Tòa khóc nghẹn khi kể về Đức. Ảnh: VTC New

Năm 2012, khi đang chuẩn bị lên lớp 8, Đức bỏ học giữa chừng vì thương bà vất vả để theo mẹ vào miền Nam, dù 7 năm liền, cậu luôn đạt danh hiệu học sinh khá.

Đầu năm 2019, qua giới thiệu từ người quen, Đức quyết định không Nam tiến với mẹ nữa mà khăn gói ra Bắc Ninh để phụ việc ở quán bánh xèo của Hiền (chị Tuyết).

"Trong năm đầu ra Bắc Ninh làm cho quán của Hiền, thỉnh thoảng Đức gọi điện về hỏi thăm sức khỏe của tôi. Từ đầu năm 2020, nghe Đức bảo đã chuyển sang làm cho quán của Tuyết. Vậy là từ đó tới nay, Đức bặt vô âm tín", bà Tòa sụt sùi kể.

Cách nhà của hai bà cháu Đức tầm 5 cây số là nơi Trương Quang Duy (14 tuổi, thôn Thuận Hòa, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành) từng lớn lên trong vô vàn khó khăn, thiếu thốn.

Chiều muộn, ông Trương Quang Thái (cha Duy) ngồi bần thần trên chiếc giường ọp ẹp. Dường như người đàn ông với gương mặt ngờ nghệch này vẫn chưa hình dung được câu chuyện con trai của mình bị người khác bạo hành.

Ông Thái - cha của Duy. ẢNh: VTC New

Ông Thái - cha của Duy. ẢNh: VTC New

Trò chuyện với báo chí, ông Trương Quang Minh - chú ruột Duy bộc bạch, 6 năm trước, mẹ Duy qua đời vì bạo bệnh. Kể từ đó, căn bệnh thần kinh của ông Thái chuyển biến xấu hơn và không thể kiểm soát hành vi.

"Khi tai họa chưa giáng xuống gia đình, anh Thái đi làm rẫy thuê trên Tây Nguyên, vài ba tháng mới về nhà một lần. Từ khi vợ mất, anh ấy đổ bệnh nặng hơn, thế là 3 đứa con lần lượt dắt díu nhau tha hương cầu thực. Anh trai và chị gái của Duy ra ngoài Bắc Ninh làm cho quán bánh xèo cũng được 3 năm. Còn thằng Duy mới ra hồi tháng 9 vừa rồi", ông Minh cho hay.

Theo ông Minh, khi xem hình ảnh cháu mình toàn thân bị thương tích, ông như đứt từng đoạn ruột.

"Tội nghiệp thằng bé, học chưa hết lớp 8 đã phải xin nghỉ để kiếm tiền phụ giúp với anh chị lo thuốc men cho cha. Giờ chỉ mong sức khỏe cháu hồi phục để sớm về quê", ông Minh bày tỏ.

Bài liên quan