Giá điện tăng người tiêu dùng lo 'tát nước theo mưa'

Thứ ba, 19/03/2019, 06:28 AM

Như lý giải của Bộ Công Thương việc tăng giá điện là tất yếu khi giá thành đầu vào tăng. Tuy nhiên làm sao để khi tăng giá điện không xảy ra tình trạng "tát nước theo mưa",ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

gia-dien-tang-nguoi-tieu-dung-lo-tat-nuoc-theo-mua
Như lý giải của Bộ Công Thương việc giá điện tăng là tất yếu khi giá thành đầu vào tăng. Ảnh minh họa

Theo Bộ Công Thương, trên cơ sở các yếu tố đầu vào, dự kiến giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tăng khoảng 8,36% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh), tương ứng giá bán lẻ điện bình quân 2019 khoảng 1.864,44 đồng/kWh.

Xung quanh việc xây dựng phương án tăng giá điện, mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã nhấn mạnh: Thứ nhất, về cơ cấu nguồn điện huy động trong năm 2019, với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 6,8%, Bộ Công Thương dự báo tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 toàn quốc sẽ đạt 211,9 tỷ kWh. Năm 2019, dự kiến cơ cấu nguồn điện sẽ bao gồm các loại hình như: Nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí, nhiệt dầu, các nhà máy điện mặt trời, gió, sinh khối.

Các yếu tố đầu vào được đưa vào xem xét phương án giá điện năm 2019 gồm: Giá than nội địa; giá than pha trộn giữa than NK với than sản xuất trong nước của một số nhà máy điện; dự báo về tỷ giá năm 2019 giữa VND với các ngoại tệ như USD, Euro, Yên Nhật… trên cơ sở số liệu thực tế của năm 2018 và dự báo tỷ giá năm 2019; các khoản chi phí còn treo chưa được đưa vào giá điện trong các năm trước (chênh lệch tỷ giá)...

Một yếu tố nữa được lý giải, trong số 93 nước được thống kê, nếu tính từ thấp đến cao thì Việt Nam đứng thứ 21 - tức là giá điện của Việt Nam chỉ cao hơn 20 nước, nhưng thấp hơn tới 73 nước khác.

Theo đó, giá điện của Việt Nam cao hơn Burma, Egypt - hai nước có giá điện thấp nhất với 0.02 USD/kWh. Các nước có giá điện thấp tiếp theo là Iran, Iraq, Kuwait, Qatar, Malaysia, Ukraine, Algeria, Uzbekistan…từ 0,03 USD - 0,06 USD/kWh. Đây là các nước có nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt rất lớn, khiến giá điện thấp hơn mặt bằng chung.

Một số nước/khu vực trong khu vực có giá điện cao hơn Việt Nam như: Singapore (0,16 USD/kWh), Japan (0,26 USD/kWh), Philippines (0,19 USD/kWh), Hong Kong (0,14 USD/kWh), Hàn Quốc (0,11 USD/kWh), Indonesia (0, 11 USD/kWh), Thái Lan (0,11 USD/kWh), Trung Quốc - Ấn Độ là 0,08 USD/kWh. Ngay cả so với Lào, Campuchia, giá điện của Việt Nam cũng chỉ bằng 81,7% và 73,5%. 

Thống kê Global Petrol Prices cho thấy, một số nước có giá điện rất cao, chẳng hạn như Đức là 0,33 USD/kWh - cao gấp 4,7 lần giá điện Việt Nam, Australia là 0,26 USD/kWh gấp 3,7 lần, Tây Ban Nha ở mức 0,25 USD/kWh gấp 3,5 lần, Italia là 0,23 USD/kWh gấp 3,2 lần. Nước có giá điện cao nhất là Denmark với 0,34 USD/kWh, gấp gần 5 lần so với giá điện của Việt Nam.

gia-dien-tang-nguoi-tieu-dung-lo-tat-nuoc-theo-mua
Câu hỏi đặt ra làm sao để khi tăng giá điện không xảy ra tình trạng "tát nước theo mưa",ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

"So sánh giá điện năm 2018 của Việt Nam so với các nước trong khu vực được thống kê cho thấy, giá điện của Việt Nam đạt 91,9% so với giá điện của Trung Quốc, Ấn Độ; 81,7% so với giá điện của Lào; 73,5% so với giá điện của Indonesia; 50,4% so với giá điện của Philippine và 38,7% so với giá điện của Campuchia. Nếu giá điện lần này được điều chỉnh tăng ở mức 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành thì giá điện của Việt Nam sẽ ở mức 0,08 USD/kWh, tương đương so với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ”, ông Tuấn cho hay. 

Tuy nhiên PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, điện tăng giá chắc chắn sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nền kinh tế. Tác động như thế nào, tác động đến đâu thì chúng ta cần có tính toán cụ thể.

"Việc giá điện tăng 8,36% chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến 2 chỉ số là CPI và GDP, trong khi GDP giảm thì CPI sẽ tăng", TS Long phân tích.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc tăng giá điện là xu thế tất yếu. Đáng lý, cuối năm 2018, chúng ta đã phải điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, việc này đã được hoãn lại để kiểm soát lạm phát.

"Điện là mặt hàng quan trọng vì nó là đầu vào của nhiều ngành, nếu không đảm bảo bù đắp đủ chi phí và có mức lãi hợp lý để sản xuất thì không cung cấp đủ nguồn năng lượng. Điều này ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực khác", PGS Long khẳng định tăng giá điện là xu thế tất yếu.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, điện là lĩnh vực độc quyền. Nếu đã độc quyền thì Nhà nước kiểm soát, quản lý bằng cách định giá, có xem xét cụ thể, dựa trên chi phí hợp lý của giá điện. Việc tăng giá lên bao nhiêu thì các cơ quan chức năng phải tính toán thận trọng, để đảm bảo an sinh xã hội và tránh việc này ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác.

Trước xu thế giá điện tăng tất yếu, ông Long cho rằng, nhà nước phải có những chính sách chống biện pháp "tát nước theo mưa", để nhận cơ hội này đồng loạt các mặt hàng khác tăng giá. Cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện phải thông tin tuyên truyền tiết kiệm sử dụng điện.

Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, việc giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và năng lực cạnh tranh, cho nên doanh nghiệp phải tổ chức năng lực quản trị tốt, tổ chức trang thiết bị hiện đại giảm bớt tiêu hao năng lượng, để giảm chi phí sản xuất.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà nhấn mạnh: Tăng giá điện làm tăng giá thành dẫn tới tăng giá bán, làm ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh. Đây là mối lo cho tất cả các doanh nghiệp, không riêng gì Tập đoàn Sơn Hà. Rõ ràng các yếu tố, cơ quan nhà nước đã tính toán được. Doanh nghiệp cũng mong mọi thứ thật rõ ràng, minh bạch, có lộ trình tăng giá phù hợp. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động ứng phó với việc điện tăng giá.

 

Xả quỹ bình ổn, giá xăng dầu được giữ ổn định

Theo thông tin điều chỉnh xăng dầu ngày 18/3/2019, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ ổn định giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường.

 

Lợn hữu cơ giữ giá cao giữa 'tâm bão' dịch tả lợn Châu Phi

Trong khi sức tiêu thụ và giá cả thịt lợn tại chợ dân sinh đã giảm mạnh thì tại hệ thống các siêu thị lớn và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, loại thịt lợn hữu cơ vẫn giữ nguyên mức giá hơn 200.000 đồng/kg.

 

Hà Nội: Giá đậu phụ, rau củ tăng 'chóng mặt' do dịch tả lợn Châu Phi

Do lo ngại ăn phải lợn mắc dịch bệnh nên người dân đổ xô tiêu thụ các loại rau củ, cá, đậu phụ... khiến giá cả các loại thực phẩm này tăng nhanh đến mức "chóng mặt".