Thứ sáu, 15/11/2019, 07:50 AM
  • Click để copy

Giá nước Sông Đuống đắt đỏ: Hà Nội có hào phóng với doanh nghiệp?

Câu chuyện giá nước sạch Sông Đuống cao gấp đôi nước sạch Sông Đà đang đặt cho dư luận nhiều câu hỏi thắc mắc rằng Hà Nội có hào phóng với doanh nghiệp? Có ưu ái dự án này hay không?

Dư luận đang tranh cãi trước việc giá nước Sông Đuống cao gấp đôi Sông Đà.
Dư luận đang tranh cãi trước việc giá nước Sông Đuống cao gấp đôi Sông Đà.

Hà Nội có hào phóng với doanh nghiệp?

Thông tin người dân Hà Nội mua nước gánh lãi vay hơn 2.000 đồng/m3 nước cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trong bài trả lời trên báo Tuổi Trẻ mới đây, bà Đỗ Kim Liên (còn gọi là Shark Liên) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống từng khẳng định rằng: "Chúng tôi không được ưu đãi gì cả".

Đồng thời nói: "Thành phố Hà Nội mua giá hơn 10.000 đồng/m3, nếu Hà Nội đang bán cho người dân giá ví như hơn 5.000 đồng/m3 thì thành phố phải bù cho người dân thì ở đây là người dân hưởng".

Thế nhưng từ trả lời của nữ doanh nhân đến thực tế lại rất khác. Những thông tin xoay quanh dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống như sử dụng đường ống của nhà thầu Trung Quốc từng bị tuýt còi ở dự án của Sông Đà, chưa được nghiệm thu đã đi vào khai thác cùng với việc giá nước được duyệt cao gấp đôi so với giá các nhà máy khác..., khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.

Nhiều chuyên gia kinh tế và người dân khi được hỏi đều chung băn khoăn, thắc mắc, vì sao Hà Nội quá "hào phóng" với doanh nghiệp?

"Dù là sản phẩm có chất lượng đến đâu nhưng khi bạn đang dùng một sản phẩm có giá 5.000 đồng thì bạn cũng phải rất băn khoăn khi sẵn sàng mua sản phẩm khác với giá 10.000 đồng và hẳn sản phẩm đó sẽ rất rất ưu Việt.

Tôi được biết ở thời điểm Hà Nội chấp thuận mức giá nước sạch Sông Đuống thì nhà máy này chưa đi vào hoạt động vậy căn cứ trên cơ sở nào để đánh giá chất lượng nước đầu ra tốt hơn nước sạch Sông Đà? Hơn nữa phải chăng nước sạch khác không đảm bảo nên Hà Nội mới sẵn lòng mua giá cao. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ Hà Nội đang dùng tiền người dân "đi chợ" chứ không phải những người phê duyệt giá tự bỏ tiền ra mua", một chuyên gia chia sẻ với PV.

Nhiều chuyên gia cũng lo ngại, việc Hà Nội chấp nhận mua nước Sông Đuống với giá cao sẽ tác động đến mặt bằng chung giá nước trên toàn Quốc hay gọi cách khác là "phá giá". Từ đó khiến giá nước sạch tăng cao tác động trực tiếp đến đời sống người dân.

Trao đổi với báo chí, bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bình luận: "Người dân mua nước thì phải trả tiền, “đó là điều đương nhiên”. “Nhưng mặt bằng giá nước phải được đảm bảo, không chỉ trên toàn quốc mà còn ở từng khu vực cũng phải đảm bảo chứ không thể để chênh lệch quá mức như hiện nay”.

Ông Hòa cho rằng: Nước là nhu cầu thiết yếu, không thể thiếu, không phải là mặt hàng thị trường hóa. Mức giá cũng phải được điều chỉnh hợp lý. Nếu có hiện tượng bất hợp lý, cơ quan tài chính phải vào cuộc tính toán xem giá nước như thế có hợp lý hay không?

 

Lãnh đạo TP Hà Nội và đại diện doanh nghiệp trong buổi khánh thành Nhà máy nước mặt Sông Đuống
Lãnh đạo TP Hà Nội và đại diện doanh nghiệp trong buổi khánh thành Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

"Nếu có bù lỗ cũng phải được cân nhắc, tính toán hợp lý tránh hiện tượng việc bù lỗ vô tình giúp DN thực hiện việc đầu cơ về nguồn nước để tăng giá và thu lợi nhuận khủng. Cách tính giá nước gây tranh cãi như hiện nay hay việc Hà Nội bất chấp giá cao vẫn mua nước của dự án Nhà máy nước sông Đuống, không loại trừ có yếu tố sân sau’, ông Phạm Văn Hòa bày tỏ.

Vị ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, cần có sự vào cuộc khách quan của các cơ quan chức năng để minh bạch hóa các hoạt động, vận hành tại dự án này.

Ai đã ký mua nước Sông Đuống?

Theo báo Tuổi Trẻ: Năm 2019, năm đầu tiên Nhà máy nước mặt Sông Đuống bán, phân phối nước sạch ở Hà Nội với lưu lượng hơn 100.000m3/ngày đêm. Và để mua nguồn nước của đơn vị này, liên ngành TP đã trình UBND TP Hà Nội phương án cấp bù gần 200 tỉ đồng cho phần chênh lệch giá bán buôn.

Tháng 7/2017, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký văn bản quy định giá bán nước sạch tối đa của Nhà máy nước mặt Sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Việc chấp thuận tạm tính giá cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống trên cao hơn cả giá nước sạch bán cho người dân theo quy định của UBND TP Hà Nội đang áp dụng. Thậm chí giá ấy còn cao hơn giá bán bình quân của các đơn vị kinh doanh nước sạch và cao hơn cả giá thực thu sau khi trừ chi phí khấu hao.

Chính điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi có hay không sự ưu ái với Nhà máy nước mặt Sông Đuống?

Cũng theo báo chí, để có cơ sở chuẩn bị cấp nước, cuối năm 2018, Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống đã có nhiều văn bản gửi các đơn vị kinh doanh nước sạch trên địa bàn Hà Nội và đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch của mình bằng giá tạm tính là 10.246 đồng/m3.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống được sử dụng đường ống của Nhà thầu Trung Quốc.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống được sử dụng đường ống của Nhà thầu Trung Quốc.

Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội đều có văn bản cho rằng “không đủ nguồn lực tài chính” để thực hiện mua nước với giá 10.246 đồng/m3 mà Công ty nước mặt sông Đuống đưa ra. Giá bán nước sạch cần được sự chấp thuận và ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Sở Tài chính.

Ngay sau đó, Công ty nước mặt Sông Đuống (chủ đầu tư) đã đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận phê duyệt phương án giá bán nước sạch tạm thời của Nhà máy nước mặt Sông Đuống là 10.246 đồng/m3 để làm cơ sở phát nước thương mại.

Đồng thời đề nghị Sở Tài chính Hà Nội làm việc với các đơn vị liên quan (Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội) thống nhất giá bán tạm thời theo phương án 10.246 đồng/m3, để từ tháng 12/2018 các đơn vị có cơ sở tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, liên ngành tài chính - xây dựng Hà Nội ghi nhận giá bán nước sạch bình quân của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho người dân chỉ hơn 9.700 đồng/m3. Còn nếu tính theo tỷ lệ nước thu tiền (đạt 81,4%) thì giá bán nước sạch sau khi trừ tỉ lệ hao hụt chỉ còn hơn 7.900 đồng/m3

Chính vì thế, nếu phải mua nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống với giá 10.246 đồng/m3 thì với mức nước tiêu thụ khoảng 80.000m3/ngày đêm, tương đương 29,2 triệu m3/năm sẽ khiến Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội dự kiến lỗ hơn 192 tỷ đồng/năm. Tương tự, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội cũng sẽ lỗ trên 58 tỷ đồng/năm khi mua nước với mức giá này.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/gia-nuoc-song-duong-dat-do-ha-noi-co-hao-phong-voi-doanh-nghiep-141806.html