Giá vé máy bay tăng vù vù và lý giải bất ngờ của Cục Hàng không

Thứ hai, 20/04/2020, 18:32 PM

Giá vé máy bay của các hãng hàng không đang tăng vù vù gấp 3-4 lần so với trước đây, dù vậy nhiều chuyến bay vẫn diễn ra tình trạng cháy vé.

Giá vé máy bay tăng gấp 3-4 lần so với trước đây. (Ảnh minh họa).

Giá vé máy bay tăng gấp 3-4 lần so với trước đây. (Ảnh minh họa).

Giá vé máy bay bất ngờ tăng gấp nhiều lần

So với mấy tháng trước, khảo sát hiện nay cho thấy giá vé máy bay của các hãng hầu hết đều tăng gấp nhiều lần.

Khảo sát giá vé máy bay của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways chặng bay TP HCM - Hà Nội, Đà Nẵng - TP HCM cho thấy, giá vé đều tăng khoảng 3, 4 lần so với trước.

Cụ thể: Đường bay Hà Nội – TP HCM, trên website của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã niêm yết giá vé phổ thông khứ hồi thấp nhất là 5,1 triệu đồng/khách, cao nhất là gần 5,6 triệu đồng/khách.

Trong khi đó, tại website bán vé trực tuyến của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cũng niêm yết giá vé tăng lên tới hơn 3 triệu đồng. Tương tự, hãng hàng không Bamboo Airways cũng đã niêm yết giá lên tới hơn 4 triệu/chuyến. Mặc dù vậy, nhưng nhiều chuyến bay của các hãng cũng đã có thông báo hết vé.

Theo lý giải của một số hãng, nguyên nhân của việc giá vé máy bay tăng là do việc “nới lỏng” cách ly làm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Tuy nhiên, do việc giãn cách trên mỗi chuyến bay được thực hiện theo hình thức sắp xếp chỗ, mỗi khách cách nhau 1 ghế nên lượng khách khai thác không cao. Do đó, để đủ chi phí vận hành thì các hãng phải tăng giá vé lên cao.

Cục Hàng không nói gì?

Báo Giao Thông dẫn lời lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam lý giải về việc giá vé máy bay tăng cao cho hay, trên cùng một chuyến bay, có rất nhiều dải giá vé.

Hay nói cách khác, số tiền mà hành khách bỏ tiền ra mua vé trên cùng một chuyến bay chưa hẳn đã giống nhau. Có người mua đắt hơn, có người mua rẻ hơn.

Một số chuyến bay của Vietjet Air thông báo hết vé.

Một số chuyến bay của Vietjet Air thông báo hết vé.

Riêng trong giai đoạn này, nếu giá vé có đắt cũng là điều không quá khó hiểu. Nhu cầu đi lại, đặc biệt trên trục Hà Nội - TP HCM vẫn rất cao trong khi lượng cung bị hạn chế do dịch Covid-19.

“Hiện tại, số chuyến bay cung ứng chỉ bằng 5 - 6% so với trước kia. Khi cầu cao mà cung hạn chế thì giá vé cao là đương nhiên. Tuy nhiên, dù cao đến mức nào thì cũng không thể vượt quá trần giá vé máy bay quy định”, lãnh đạo Cục Hàng không VN khẳng định và cho biết thêm: Vừa qua, đã có trường hợp khách Việt Nam bay từ Thái về trên máy bay của hãng hàng không nước ngoài đã phải trả số tiền tới vài nghìn USD theo thoả thuận.

“Tất nhiên, trong nước, mức giá không thể cao đột biến như thế do trần giá vé máy bay nội địa vẫn đang bị khống chế”, vị này khẳng định.

Theo Thông tư 17/2019, về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội đại có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định rõ, giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500 – 800km, mức giá tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km đến dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá 3,2 triệu đồng; còn từ 1.280km trở lên giá rơi vào 3,75 triệu đồng/vé/chiều.

Mức giá tối đa này đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ tiền thuế giá trị gia tăng, các khoản thu hộ DN cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm giá dịch vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý và giá dịch vụ tăng thêm.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn có công văn hoả tốc yêu cầu Cục hàng không Việt Nam (HKVN) hạn chế một số đường bay nội địa đến Hà Nội, TP HCM, Phú Quốc, Đà Nẵng từ ngày 30/3 đến 15/4.

Đối với đường bay Hà Nội - TP HCM, mỗi hãng hàng không Việt Nam chỉ được khai thác 1 chuyến/ngày. Các đường bay Hà Nội - Đà Nẵng/Phú Quốc - Hà Nội và TP HCM - Đà Nẵng/Phú Quốc - TP HCM các hãng cũng chỉ được khai thác 1 chuyến/ngày/đường bay.

Đối với các đường bay còn lại đi và đến Hà Nội và TP HCM sẽ phải dừng toàn bộ. Tuy nhiên, đối với các chuyến bay không vận chuyển hành khách sẽ không bị hạn chế khai thác.

Đặc biệt, Bộ GTVT cũng căn cứ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc cắt giảm các chuyến bay đi/đến, kịp thời đề xuất phương án, báo cáo Bộ GTVT xem xét quyết định.

Trong trường hợp đặc biệt phát sinh nhu cầu chuyên chở hành khách từ các cảng hàng không địa phương đến Hà Nội, TP HCM và ngược lại, các hãng hàng không có thể đề nghị đến Cục HKVN từng trường hợp cụ thể để xem xét quyết định.

Bài liên quan