Giám đốc doanh nghiệp y tế ‘tâm tư’ về hiện tượng khẩu trang tăng giá

Thứ ba, 04/02/2020, 14:13 PM

Giám đốc một doanh nghiệp thiết bị y tế đã chia sẻ những tâm tư, đề xuất để gỡ rối trước hiện tượng khẩu trang y tế tăng giá trong đợt phòng dịch Virus Corona.

Hình ảnh một xưởng sản xuất khẩu trang ở TP HCM. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Hình ảnh một xưởng sản xuất khẩu trang ở TP HCM. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Những ngày này, cả xã hội đang chung tay phòng chống dịch viêm phổi do Virus Corona gây ra. Trong đó, vấn đề nóng bỏng đang được quan tâm nhất là việc mặt hàng khẩu trang y tế tăng giá gấp nhiều lần.

Là sản phẩm thiết yếu được cơ quan chức năng khuyến khích sử dụng phục vụ phòng chống dịch Corona, nhưng sản phẩm khẩu trang y tế đang có hiện tượng bị khan hàng, găm hàng thổi giá, bằng chứng là vừa qua các cơ quan chức năng gồm: Công an, Quản lý thị trường đã xử lý hàng loạt các tiệm thuốc, cơ sở kinh doanh trước việc tăng giá bán khẩu trang.

Theo đó, mặt hàng này thường ngày chỉ có giá khoảng 50 ngàn đồng/hộp thì những ngày có dịch Corona có nơi bán tăng giá gấp 10 lần lên đến 500 nghìn đồng/hộp. Thậm chí, khi bị xử phạt một số cửa hàng, hiệu thuốc đã đối phó bằng cách trưng biển không bán.

Một số chủ hiệu đưa ra lý giải rằng, mặt hàng khẩu trang hiện nay đang khan hiếm, giá nhập nguyên liệu tăng do đó giá sỉ cũng tăng nhiều lần so với trước vì thế họ không thể nhập giá cao mà bán giá thấp cho người dân.

“Nếu tôi nhập 150 ngàn đồng/hộp thì anh không thể bắt tôi bán với giá 50 ngàn đồng/hộp”, một số cửa hàng đưa ra lý giải khi được hỏi về lý do từ chối bán khẩu trang.

Đi tìm sự thực cho việc này, PV Báo Sức Khỏe Cộng Đồng đã có cuộc trao đổi cùng anh M.Q. Giám đốc một doanh nghiệp thiết bị y tế, người có thâm niên 10 năm làm trong lĩnh vực kinh doanh trang thiết bị y tế.

Mở đầu buổi trò chuyện anh Q. cũng lên án các hành vi trục lợi từ dịch bệnh và cho rằng, trong thời điểm này, những người kinh doanh trong ngành hơn bao giờ cần thể hiện được đạo đức, trách nhiệm, với cộng đồng.

Tuy nhiên, theo anh Q. những khó khăn đối với doanh nghiệp cung cấp trang thiết bị nói chung và các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang thời gian qua là câu chuyện có thực, giá nguyên liệu sản xuất khẩu trang cũng là có thực.

“Từ khoảng mùng 1 Tết nguyên đán Canh Tý, thị trường khẩu trang đã có biến động khi nhiều nhà máy, kho hàng khẩu trang đã bán hết sạch hàng cho phía Trung Quốc do bên nước bạn xảy ra dịch trước chúng ta khoảng 1 tháng.

Nhu cầu khẩu trang tăng đột biến dẫn tới việc thương lái gom hàng để xuất sang Trung Quốc. Tới ngày mùng 3-4 Tết; giá mua xuất bán khẩu trang tại Trung Quốc đã tăng lên tương đương khoảng 300 ngàn đồng/hộp 50 chiếc.

Cho đến ngày 6 Tết, các cửa hàng nhỏ lẻ mở cửa thì hiện tượng gom hàng để bán xuất sang thị trường Trung Quốc tiếp tục diễn ra. Mặc dù vậy, nhu cầu lớn nguồn cung vẫn không đủ nên giá khẩu trang tăng từng giờ...…”, anh Q. chia sẻ.

Suốt thời gian trò chuyện, PV cũng chứng kiến anh Q. nhận được nhiều cuộc gọi đặt hàng, hỏi về khẩu trang nhưng vị giám đốc này đều lắc đầu bất lực.

Anh tâm sự: “Ngay cả bản thân tôi làm trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế cả 10 năm nay, có nhiều mối quan hệ với các đối tác nhưng cũng không thể mua và bán được đơn hàng khẩu trang nào. Mỗi ngày, tôi nhận được cả trăm cuộc gọi từ khắp nơi để đặt hàng mua khẩu trang, hoặc nhờ mua hàng nhưng sự thực khó khăn hơn cả lên trời”.

Theo anh Q: Từ xưa, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất khẩu trang đa phần là nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh xảy ra, nguồn nguyên liệu bấp bênh, các nguồn từ Châu Âu thì đắt và chưa kịp nhập về cùng với đó là các Công ty Việt Nam nghỉ Tết và chưa kịp bắt nhịp vào sản xuất vì vậy mặt hàng khẩu trang vốn đã khan hiếm lại càng khó khăn.

Anh Q. cho rằng, nếu đặt bản thân vào các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh thì người dân sẽ hiểu được phần nào. “Bởi anh không thể nhập từ nhà máy giá cao mà bán ra giá thấp”.

Đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để bình ổn thị trường, ngăn bán phá giá, tuy nhiên theo anh Q. các cơ quan chức năng phải có giải pháp từ gốc vấn đề.

“Trước mắt để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tôi đề xuất là miễn giấy phép nhập khẩu thiết bị, vật liệu y tế mới 100% và xuất xứ Châu Âu, miễn tất cả các thuế, chi phí nhập khẩu, hỗ trợ vận chuyển thiết bị, nguyên liệu, dừng vận chuyển các hàng không quan trọng.

Bên cạnh đó, công bố danh sách điện thoại, email của các Trưởng tham tán thương mại các nước để doanh nghiệp nhà nước tư nhân liên hệ nhập hàng về Việt Nam! Cấp tài chính, cam kết thay doanh nghiệp về nguồn vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp nhập thiết bị, nguyên liệu….” anh Q. cho hay đồng thời nhấn mạnh đây là các giải pháp cần thực hiện ngay không nên chậm chễ bởi nhu cầu cạnh trang từ Trung Quốc và các nước có dịch bệnh về sản phẩm, thiết bị này là rất lớn.

Danh sách 33 công ty sản xuất khẩu trang

Ở diễn biến khác, tối 2/2, Bộ Y tế có Công văn số 403 BYT-TB-CT về danh sách các công ty sản xuất khẩu trang y tế, trang phục phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bệnh viện trực thuộc trung ương, y tế các bộ, ngành.

Theo đó, danh sách 33 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế và trang phục phòng, chống dịch để các đơn vị chủ động liên hệ, có kế hoạch trang bị phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong đó, có 2 công ty sản xuất khẩu trang N95 với năng lực sản xuất từ 40.000 - 42.000 chiếc/ngày và 22 công ty sản xuất khẩu trang y tế 3,4 lớp với năng lực sản xuất từ 20.000 - 180.000 chiếc/ngày. Ngoài ra, có 9 công ty sản xuất quần áo bảo hộ phòng, chống dịch bệnh.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sản xuất chủ động, có kế hoạch ổn định, tăng cường sản xuất, đáp ứng kế hoạch sử dụng, yêu cầu phòng, chống dịch bệnh của các Sở Y tế, bệnh viện và nhu cầu của nhân dân.

Ngoài danh sách trên, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cập nhật các công ty sản xuất khẩu trang y tế, trang phục phòng, chống dịch bệnh.

Bài liên quan