Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Kháng nghị đúng, biểu quyết bảo sai

Thứ tư, 13/05/2020, 08:46 AM

Mặc dù có sai sót về tố tụng nhưng khi biểu quyết thì 4 lần 100% Hội đồng thẩm phán bác kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của Viện trưởng VKSND tối cao.

Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Kháng nghị đúng, biểu quyết bảo sai.

Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Kháng nghị đúng, biểu quyết bảo sai.

Ngày 8/5, công bố quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, HĐTP TAND tối cao thừa nhận quá trình điều tra, xét xử vụ án Hồ Duy Hải ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm còn một số thiếu sót, nhưng lại chỉ đề nghị các cơ quan liên quan tiến hành kiểm điểm làm rõ những sai sót này.

Theo đó, HĐTP cho rằng, không cần thiết phải hủy các bản án để điều tra lại. Sau phán quyết trên, dư luận băn khoăn, thậm chí búc xúc đặt nhiều câu hỏi về nhận định trên của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh kháng nghị đúng

Tại phiên xét xử giám đốc thẩm, đại diện VKSND tối cao đã phân tích rõ thêm về nội dung đã nêu trong kháng nghị.

Đại diện VKSND tối cao nhấn mạnh về những mâu thuẫn trong việc thu giữ dấu vân tay tại hiện trường vụ án. Trả lời về nội dung này, Điều tra viên vụ án cho rằng việc thu giữ dấu vân tay tại hiện trường không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải là trùng khớp với lời khai của Hải vì có việc sau khi gây án, Hải đã đi rửa tay nên không để lại dấu vân tay?

Tuy nhiên, Điều tra viên tỏ ra lúng túng khi giải thích việc Hồ Duy Hải đi nhiều nơi nhưng không để lại vân tay và ĐTV cho rằng đây là điều… bình thường.

Lí giải cho việc “bình thường” này, Điều tra viên cho biết thêm, khi khám nghiệm hiện trường phát hiện và thu giữ được 7 dấu vân tay, trong đó 2 dấu vân tay của nạn nhân và 5 dấu vân tay của ai không truy nguyên được, như nạn nhân Hồng ăn, ở, sinh hoạt tại hiện trường xảy ra vụ án nhưng lại không tìm được dấu vân tay nào của chị Hồng tại hiện trường.

Điều tra viên phát biểu thừa nhận có sai sót.Đại diện VKSND tối cao đưa quan điểm: Đây là án truy xét, nên việc lấy dấu vân tay tại hiện trường của vụ án là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc lấy dấu vân tay đang thể hiện có nhiều thiếu sót. Đại diện VKS còn nhấn mạnh về những tài liệu thể hiện thu giữ dấu vân tay tại hiện trường, trong đó, dấu vân tay tại hiện trường còn được đối chiếu và kết luận của hai đối tượng là Sol và Nghị.

Trong khi dấu vân tay thu được 7 mẫu nhưng lại không có dấu vân tay nào của Hải. Nhiều thành viên HĐXX cũng nêu quan điểm về việc khó có thể lí giải khi hiện trường vụ án lại không có dấu vân tay của cả nạn nhân và hung thủ, phải chăng còn nhiều vị trí mà Cơ quan điều tra chưa thu lấy dấu vân tay.

Theo báo Công lý thông tin, về việc không thu thập đầy đủ các vật chứng (thớt và ghế), Điều tra viên (ĐTV) cho biết, khi khám nghiệm hiện trường có rất nhiều đồ vật. Trong khi, vết thương trên người nạn nhân là bị cứa cổ, nên cán bộ điều tra đã sai sót khi chỉ nghĩ tới dao, không thu lại ghế và thớt. Sau đó nhân viên bưu điện đã đốt các đồ vật này đi.

Đến khi bắt được bị cáo Hải, dựa vào lời khai của Hải mới biết Hải dùng hung khí là thớt, dao để sát hại nạn nhân Hồng và dùng ghế, dao để sát hại nạn nhân Vân. Sau đó Cơ quan điều tra đã sử dụng đồ vật tương tự để dựng lại chính xác hiện trường.

Về việc không đưa ra lời khai đầu tiên với nội dung không nhận tội của Hồ Duy Hải, ĐTV lý giải, do lời khai ban đầu chỉ là sàng lọc nên không lưu trong hồ sơ. Cụ thể, khi rà soát danh sách cuộc gọi tại Bưu điện Cầu Voi thấy có số của Hải nên Cơ quan điều tra mời Hải lên hỏi như những người khác. Đáng nói, Hải khai đi đám tang cùng một số người, nhưng qua xác minh thì thấy Hải không đến đám tang, nên mới dẫn đến nghi vấn.

Một vật chứng quan trọng khác, đó là chiếc mặt dây chuyền thu được dưới áo ngực của nạn nhân. Theo lời khai của Hải, đã lấy dây chuyền trên cổ nạn nhân đi bán. Tới nơi mua lại vật chứng theo lời khai của Hải, Cơ quan điều tra đã thu được sợi dây chuyền bị thiếu mặt. Tình tiết này cho thấy, lời khai và vật chứng tại hiện trường trùng khớp.

Báo Bảo vệ Pháp luật dẫn lời Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận định: ''Theo các anh (Điều tra viên- PV) lí giải, là khi khám nghiệm các anh không biết những cái đó (cái thớt, cái ghế dính máu- PV) là hung khí gây án, đến khi bắt được Hải rồi thì Hải mới khai dùng ghế và dùng thớt đánh mới biết.

Tuy nhiên, cái ghế và cái thớt có dính máu mà các anh không thu, đấy là thiếu sót, các anh có thừa nhận không? Cái này là chúng ta sai rồi, cái gì sai mà VKS kháng nghị thì chúng ta phải chấp nhận là sai, đúng không?

Thực ra thì chúng tôi cũng thông cảm với anh vì là các anh chỉ chăm chăm tìm cái dao vì thấy cắt cổ, nhưng không nghĩ là cái thớt và cái ghế, các anh tìm vật chứng gây án, nhưng không nghĩ là thớt, ghế. Đấy là điều tôi muốn trao đổi với các anh".

Kết luận nội dung kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về sai sót của cơ quan điều tra khi không thu giữ vật chứng của vụ án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Cái nội dung này là các anh sai, kháng nghị đúng".

Còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ

Đại diện VKSND tối cao, ông Hồ Đức Anh cho rằng, căn cứ để Viện trưởng VKSND tối cao quyết định kháng nghị bản án là bởi trong hai bản án còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ: Thời gian xuất hiện của Hồ Duy Hải tại bưu điện Cầu Voi; Khám nghiệm tử thi chưa làm rõ thời gian tử vong của nạn nhân; Về những vật chứng, dao, thớt, ghế được mua về để thay thế là không đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, việc tài liệu tố tụng đưa ra ba con dao không nhất quán về mặt kích thước, thì không thể khẳng định con dao nào là công cụ gây án.

Nhận định về mẫu than tro của việc đốt quần áo và dây lưng của Hải còn mơ hồ. Bên cạnh đó, quá trình tố tụng cũng chưa làm rõ việc bưu điện Cầu Voi hôm xảy ra án mạng có bị mất nước hay không; cũng như chưa làm rõ được việc bán tài sản mà Hải lấy của nạn nhân, mới chỉ dựa vào lời khai của Hải.

Đại diện VKSND tối cao nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra lại vụ án. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị có 6 việc phải làm khi điều tra lại. Đó là thực nghiệm lại điều tra hiện trường; xác định dấu vân tay là của ai và các đối tượng tình nghi; trưng cầu giám định thời điểm nạn nhân chết; làm rõ cơ chế gây thương tích; xác định rõ hơn động cơ, mục đích gây án; bổ sung vào hồ sơ vụ án những tài liệu, chứng cứ đang có trong hồ sơ nghiệp vụ của cơ quan điều tra. 

Viện Kiểm sát khẳng định có đủ căn cứ và thấy cần thiết kháng nghị 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm, để làm rõ mâu thuẫn, thiếu sót trong tố tụng. Những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.

Về nội dung kháng nghị cho rằng, một số lời khai của nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án, theo Hội đồng thẩm phán, kiến nghị này là đúng nhưng những sai sót này không làm thay đổi bản chất vụ án. Hội đồng thẩm phán đề nghị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An tiến hành kiểm điểm làm rõ việc này.

Hội đồng thẩm phán phân tích thêm, ở những thời điểm quan trọng, Hồ Duy Hải luôn nhận tội. Lời nhận tội của bị cáo đã được các cơ quan tố tụng từ sơ thẩm đến phúc thẩm và đoàn liên ngành thẩm định, đánh giá.

"Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết án Hồ Duy Hải tội giết người, cướp tài sản là có căn cứ. Tòa các cấp xử phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản là đúng quy định pháp luật", Hội đồng thẩm phán nhận định.

Có sai sót về tố tụng nhưng không đồng ý điều tra lại

Hội đồng thẩm phán biểu quyết nội dung có sai sót về tố tụng, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Theo Hội đồng thẩm phán, dù quá trình điều tra, xét xử còn một số thiếu sót nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án. Bởi thế không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao.

Nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội (trong đó có ĐBQH Lê Thanh Vân, Tiến sĩ Luật) và của nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định, Hội đồng thẩm phán cho rằng những sai sót trên không ảnh hưởng đến bản chất vụ án là một suy luận áp dụng cực kỳ đáng lo ngại cho Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.

Rõ ràng, những vi phạm về tố tụng xảy ra trong quá trình xét xử đã được VKSND tối cao chỉ ra trong bản kháng nghị được Hội đồng thẩm phán thừa nhận là những vi phạm về pháp luật hình thức.

Khi pháp luật hình thức không bảo đảm thì tác động trở lại pháp luật nội dung và làm cho nó không còn bảo đảm tính khách quan, toàn diện nữa. Khi một vụ án được xem xét đánh giá mà chứng cứ thiếu khách quan, thì khó có thể mang lại kết quả xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trước đó, trưa ngày 8/5,khi Chủ tọa phiên giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã tiến hành lấy biểu quyết 4 vấn đề cụ thể.

1. Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không thay đổi bản chất vụ án”.

2. Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”.

3. Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của VKSNDTC có đúng pháp luật hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.

4. Chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị ? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”.

Bài liên quan