Bộ GD&ĐT có đủ dũng cảm tổ chức một kỳ thi lại ?

Thứ tư, 08/08/2018, 05:52 AM

Trước nhiều nghi vấn về kết quả điểm thi THPT Quốc gia 2018 có bất thường về danh sách trúng tuyển Học viện ANND, CSND,Ths Trần Trung Hiếu đặt câu hỏi: “Để lấy lại niềm tin và đòi sự công bằng, sòng phẳng trong thi cử cho tất cả thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018, liệu Bộ GD&ĐT có đủ dũng cảm tổ chức một kỳ thi lại”?

diem-thi-thpt-lang-son-vi-sao-du-luan-van-hoai-nghi
Lạng Sơn đứng số 1 về lượng thí sinh đỗ thủ khoa trường Học viện An ninh nhân dân sau kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đầy hoài nghi.

Không bất ngờ !

Kết quả thống kê dữ liệu dưới dạng định lượng từ danh sách thí sinh trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân (ANND) năm 2018 cho thấy, số lượng thí sinh trúng tuyển năm nay phần lớn tập trung vào các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn trong khi đó, các địa phương có truyền thống hiếu học và có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao hằng năm lại có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều.

Đặc biệt, trong số 6 thí sinh có tổng điểm xét tuyển cao nhất các khối thi (đã bao gồm điểm ưu tiên) thì có tới 3 thí sinh của Hòa Bình, chiếm tỷ lệ 50% và 2 thí sinh của Lạng Sơn, chiếm tỷ lệ 33,3%. Đây cũng là các địa phương đang vướng "lùm xùm" liên quan đến nghi vấn điểm thi THPT quốc gia 2018.

Một điều khá bất ngờ là năm nay Lạng Sơn vươn lên dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào Học viện ANND với 23 thí sinh. Trong số này có 12 thí sinh thi tại Lạng Sơn và 12 thí sinh thuộc K20 thi tại Lạng Sơn, chiếm tỷ lệ 10,5%.

Đồng vị trí thứ 2 là Hà Tĩnh với 15 thí sinh, chiếm tỷ lệ 6,82%. Xếp vị trí thứ 3 là hai tỉnh Hòa Bình và Cao Bằng, mỗi tỉnh có 14 thí sinh, chiếm tỷ lệ 6,4%. Đứng vị trí thứ 4 tiếp tục là hai tỉnh miền núi phía Bắc khác là Sơn La và Bắc Kạn, mỗi tỉnh 11 người, chiếm tỷ lệ 4,5%.

Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình bứt phá ngoạn mục trong khi các tỉnh có truyền thống học hành lại đìu hiu. Hà Nội chỉ có 7 thí sinh đỗ Học viện ANND.

Trái ngược với sự “bứt phá” ngoạn mục của các tỉnh miền núi phía Bắc, các địa phương vốn được đánh giá là có truyền thống hiếu học và nhiều năm liền có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An năm nay lại rất khiêm tốn. Cụ thể, Hà Nội chỉ có 7 thí sinh trúng tuyển, chiếm tỷ lệ 3,2%; Thanh Hóa có 6 thí sinh trúng tuyển, chiếm tỷ lệ 2,7%, Nghệ An cũng chỉ có 5 thí sinh trúng tuyển, chiếm tỷ lệ 2,3%.

gian-lan-thi-thpt-quoc-gia-bo-giao-duc-va-dao-tao-co-du-dung-cam-to-chuc-mot-ky-thi-lai
Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình bứt phá ngoạn mục trong khi các tỉnh có truyền thống học hành lại đìu hiu. Hà Nội chỉ có 7 thí sinh đỗ Học viện ANND.

Không chỉ dẫn đầu về số lượng thí sinh trúng tuyển, các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình và Lạng Sơn còn “áp đảo” khi có tới 5/6 thí sinh là “thủ khoa” vào Học viện ANND năm nay. Cụ thể, 3/6 thủ khoa đạt tổng điểm xét tuyển cao nhất nhóm ngành nghiệp vụ an ninh của Học viện ANND năm 2018 gồm nam khối C03, nữ khối C03, nữ khối D01 đều là thí sinh của Hòa Bình, chiếm tỷ lệ 50%. 2/6 thủ khoa là thí sinh của Lạng Sơn gồm nam khối A01, nữ D01, chiếm tỷ lệ 33,3%. Chỉ có một trường hợp nữ khối A01 là của Thái Nguyên, còn các địa phương vẫn thường dẫn đầu về số lượng thủ khoa như Hà Nội, Nam Định, Nghệ An năm nay đều “vắng bóng”.

Trước thống kê dữ liệu điểm thi vào học viện ANND vừa được công bố trao đôi với phóng viên Thạc sĩ Trần Trung Hiếu - Giáo viên dạy Lịch sử tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết, ông không bất ngờ với kết quả này.

Thầy Trần Trung Hiếu thẳng thắn cho rằng, một thực tế nhức nhối rất nhiều người biết là việc thi vào các trường công an nhân dân nhiều năm qua có yếu tố tiêu cực. Tiêu cực này thể hiện rõ nhất ở đối tượng thi là những thí sinh đang là chiến sĩ nghĩa vụ. Tiêu cực này nhiều người biết, ngành công an, ngành giáo dục đào tạo biết nhưng vẫn chấp nhận thực tế đó và nhiều bậc phụ huynh trong lực lượng có con em thi thừa nhận với nhau điều này. Với góc độ là 1 giáo viên phổ thông, tôi hoàn toàn không bất ngờ về thực trạng đó và những số liệu thống kê đó.

Theo thầy Trần Trung Hiếu, tình trạng đã diễn ra nhiều năm và nếu để nó tiếp tục diễn ra sẽ có hai hệ lụy: Thứ nhất, mất niềm tin của người dân vào một kỳ thi “sạch”, một kỳ thi trung thực và công bằng. Thứ hai, những thi sinh vào học ở các trường của lực lượng CAND bằng con đường tiêu cực, sau này ra trường khó có thể đảm bảo được chất lượng mặt bằng tri thức, khi trên thực tế năng lực xuất phát điểm của họ quá thấp so với nhiều thí sinh thi một cách sòng phẳng.

“Cách hành xử của họ trong công việc khi làm nhiệm vụ và nhiều cách hành xử với công dân  trong cuộc sống sẽ kém hơn thí sinh thi vào bằng năng thực bản thân, thi vào đại học một cách sòng phẳng”, Thầy Hiếu thẳng thắn.

Đừng vì là trường công an mà nương nhẹ nếu sai phạm.

Trước nghi vấn của dư luận, Thầy Trần Trung Hiếu mong các trường trong lực lượng công an nhân dân cần rà soát lại thí sinh điểm cao nằm trong nhóm những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, giáo dục đang kém phát triển hơn nhiều địa phương khác nhưng lại có kết quả điểm cao đột xuất, cao bất thường.

“Nếu cứ để tình trạng này rõ ràng tạo nên sự bất công trong học hành và thi cử. Người học tốt không đỗ trong khi người kém hơn lại đỗ, thậm chí đỗ thủ khoa. Đây là điều khó chấp nhận. Dư luận xã hội không bao giờ chấp nhận thực trạng đó, họ sẽ lên tiếng, phản ứng bằng nhiều cách. Báo chí cần lên tiếng mạnh mẽ để cùng với Bộ GD&ĐT, Bộ Công an làm trong sạch kỳ thi tuyển chọn thí sinh vào các trường công an. Nói cách khác, đó là có 1 “sân chơi” thật sự đàng hoàng, sòng phẳng và trung thực. Cần rà soát, chấm lại, thậm chí tổ chức thi lại để đánh giá năng lực thí sinh”, Thầy Hiếu nói.

gian-lan-thi-thpt-quoc-gia-xem-thuong-phap-luat-giam-dap-du-luan
Ths Trần Trung Hiếu đặt câu hỏi: Để kỳ thi sòng phẳng, công bằng liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có đủ dũng cảm tổ chức một kỳ thi lại?

Cũng theo thầy Trần Trung Hiếu, trong thi tuyển với đối tượng thí sinh tự do là cán bộ chiến sĩ đang đi nghĩa vụ nhiều năm gần đây thường có hai biểu hiện tiêu cực có thể xảy: Thứ nhất là tiêu cực trong công đoạn coi thi. Khâu coi thi dễ xảy ra tiêu cực vì hầu hết thí sinh là lính nghĩa vụ công an lại thi trong không gian riêng, một phòng thi riêng, thậm chí hội đồng coi thi riêng. Nếu có yếu tố gian lận  trong khâu coi thi, nhiều người khó biết vì không có bằng chứng, không có camera giám sát.

Khâu thứ hai ở khâu chấm thi. Nhược điểm “chết người” của bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua là không rọc phách càng “lộ” ra nhiều kẻ hở cho khấu chấm thi cho những kẻ trục lợi.  Rõ ràng, cả hai khâu này đều có vấn đề đặc biệt khâu coi thi.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và hiệu quả với Bộ Công an để rà soát lại điểm cao bất thường của nhiều thí sinh đăng ký thi tuyển vào các trường của lực lượng CAND ở các địa phương Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình... Tôi đề nghị và ủng hộ phương án nên thanh tra, kiểm tra toàn diện danh sách các thí sinh đã trúng tuyển ở 2 trường Học viện ANND và CSND, thậm chí chưa nên công nhận trúng tuyển khi chưa xác minh rõ ràng. Các Học viện đó của ngành công an đã và đang nỗ lực xây dựng các cơ sở giáo dục trọng điểm, chất lượng cao thì không nên chấp nhận đào tạo những thí sinh đã trúng tuyển bằng sự can thiệp của quyền lực và tiền bạc, bằng sự gian dối trong thi cử.

 Đã xử lý, kỷ luật sai phạm thì phải trên tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, cần phải có sự sòng phẳng giữa thí sinh vừa học xong với thí sinh tự do, giữa ngoài ngành và trong ngành. Nếu vi phạm quy chế thi của Bộ GD&ĐT, vi phạm Luật của ngành công an thì  phải xử lý nghiêm để trả lại sự công bằng cho các thí sinh và lấy lại niềm tin cho nhân dân. Chúng ta nên có cách nhìn nhận thẳng thắn rằng, bây giờ đừng nên đổ lỗi cho “quy trình”, “kỹ thuật”, “hình thức” ...để cắt nghĩa cho những sai phạm trong giáo dục và thi cử. Lỗi là ở yếu tố con người.

Lâu nay dư luận không tin với kết luận điểm thi 35 chiến sĩ nghĩa vụ ở Tiểu đoàn cảnh sát cơ động cụm thi Lạng Sơn. Dù những người liên quan đến thi này có trả lời báo chí nguyên nhân điểm thi cao do chăm học, do học đến tóp má, học đến miệt mài thì không ai tin. Rõ rang, các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT, Bộ Công an cần vào cuộc để làm rõ vấn đề”, Thầy Hiếu nhấn mạnh.

Thầy Trần Trung Hiếu cho rằng, người vào học các trường công an nhân dân nhờ gian lận khó trở thành cán bộ có năng lực, có phẩm chất, đạo đức thực thi nhiệm vụ ngành. Thậm chí nếu những người đó là “con cha cháu ông” khi ra trường được bố trí công việc thuận lợi, thậm chí ở vị trí chỉ huy, lãnh đạo sẽ gây hại cho ngành, cho nhiệm vụ thiêng liêng là giữ gìn trật tự, an ninh, an toàn cho xã hội.

“Tôi đã 25 năm đi dạy và cũng từng dạy ôn thi gần 20 năm cho các chiến sỹ nghĩa vụ đi thi trung cấp, cao đẳng, đại học ở các trường của lực lượng công an và tôi hiểu rõ một thực tế là nhiều bạn (chứ không phải tất cả) chủ yếu là con em trong ngành và rất hạn chế về tri thức, hổng về kiến thức cơ bản, yếu về kỹ năng làm bài để thi và thi đỗ. Họ vừa đi làm, vừa tranh thủ học thêm để thi và trên thực tế thì họ có quá ít thời gian để ôn luyện như nhiều học sinh phổ thông. Để thi một cách sòng phẳng và đỗ vào các trường trung cấp, cao đẳng đã khó. Đỗ vào học viện càng khó hơn vì các trường này luôn có điểm sàn, điểm đỗ rất cao trong nhiều năm qua.

Nhiều thí sinh mang trên mình sắc phục của ngành đã đạt điểm cao, thậm chí là “thủ khoa” thì đây là hiện tượng bất thường, cần xem lại. Việc các thí sinh này có điểm cao hơn thí sinh nhiều địa phương có truyền thống học và thi tốt là điều bất thường như Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình…Vì vậy, tôi đề nghị Học viện ANND, Học viện CSND cần tiến hành nghiên cứu, rà soát lại danh sách trúng tuyển ở nhóm đối tượng là các chiến sỹ nghĩa vụ đạt kết quả cao bất thường. Trong trường hợp cần thiết, có thể đối chiếu điểm thi với bài thi gốc của một số thí sinh trúng tuyển ở các địa phương có biểu hiện sai phạm trầm trọng trong gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018. Đừng vì đó là trường công an lại nương nhẹ, nới lỏng những trường hợp vi phạm . Đừng để những cán bộ ngành công an phải trải qua kỳ thi gian dối, trải qua sự bất công. Trường công an né tránh, trường dân sự làm nghiêm là sự không công bằng”, thầy Trần Trung Hiếu nêu quan điểm.

Gian lận kỳ thi THPT Quốc gia 2018 sau khi đã phơi bày và lộ rõ, nếu không được giải quyết dứt điểm, quyết liệt, triệt để sẽ tạo ra hệ lụy trực tiếp đến công tác đào tạo cán bộ. Nếu cán bộ được lựa chọn là người trưởng thành từ kỳ thi gian dối với sự chi phối của quyền lực và tiền bạc,thì  làm sao họ có đủ cái “phông văn hóa” để làm việc và hành xử trong công việc và cuộc sống được không ?

“Trước trước những biểu hiện gian lận thi cử trầm trọng của nhiều địa phương phía Bắc này, liệu Bộ GD&ĐT có đủ dũng cảm để :

Thứ nhất, không chấp nhận danh sách trúng tuyển của những thí sinh vi phạm không ?

Thứ hai, liệu nếu phát hiện chính xác và thống kê đầy đủ những thí sinh “được gian lận” dẫn đến thay đổi kết quả điểm số, Bộ GD&ĐT có tổ chức lại một kỳ thi khác không?”. Thầy Hiếu nêu câu hỏi.

“Dư luận xã hội mong muốn, chờ đợi  Bộ GD&ĐT, Bộ Công an cùng các địa phương hãy quyết liệt điều tra và xử lý những sai phạm trầm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở nhiều địa phương, để từ đó tổ chức những kỳ thi trung thực, sòng phẳng, đàng hoàng. Nếu có dấu hiệu sai phạm khi có kết luận của các cơ quan chức năng, cần xử lý nghiêm, dù những kẻ “thủ phạm” hay “tòng phạm” là ai.”. Thầy Hiếu nêu quan điểm.

 

Thi THPT Quốc gia, nhận trách nhiệm rồi sao nữa?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về kỳ thi THPT 2018. Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tiếp tục nhận trách nhiệm kỳ thi THPT quốc gia 2018

Sáng 2/8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị Tổng kết năm học 2017 - 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học mới theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp tục nhận trách nhiệm về kỳ thi THPT quốc gia 2018.

 

Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Nhận trách nhiệm trước những bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia 2018

Sáng nay 1/8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo Chính phủ về tình hình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương.