Giáo dục Việt Nam cần chuyển tư duy từ 'đóng' sang 'mở'

Thứ sáu, 22/09/2017, 15:54 PM

GS Lê Quang Minh cho rằng, hệ thống giáo dục Việt Nam đang vận hành theo mô hình dựa trên quy tắc, có nhiều điểm "mắc kẹt". Do đó, cần thay đổi từ mô thức tư duy cố định (cứng, đóng) sang mô thức tư duy phát triển (mở).

GS Lê Quang Minh từng làm hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, và hiện nay đang làm tại trung tâm đào tạo quản lý tiên tiến (Viện Quản trị đại học, ĐHQG TP.HCM) đã có những quan điểm khá thú vị về chất lượng giáo dục Việt Nam.

Bài trình bày của ông nằm trong phần tổng quan hội thảo giáo dục 2017 với chủ đề "Về chất lượng giáo dục phổ thông" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức sáng nay (22/9).

Mở đầu, ông Minh cho rằng có sự khác biệt lớn trong quan điểm về "chất lượng giáo dục" giữa nhà nước, địa phương, nhà trường, phụ huynh và giáo viên.

Trong khi Nhà nước nhìn nhận chất lượng nằm ở mục tiêu chiến lược phát triển đất nước, quan điểm toàn diện, các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, tỉ lệ đạt chuẩn… thì đối với địa phương, chất lượng phải là đạt các chuẩn quốc gia, các chỉ tiêu "được trên giao".

Giáo dục VN cần chuyển tư duy từ
Ông Lê Quang Minh cho rằng có nhiều sự khác biệt trong đánh giá về giáo dục giữa các bên liên quan. Ảnh: Lê Văn.

Còn các trường lại bị kẹt giữa áp lực giữa Bộ và địa phương. Đối với nhà trường, chất lượng là đạt chuẩn các kỳ thi quốc gia, các chỉ tiêu địa phương đề ra… Phụ huynh lại quan tâm tới điểm số, thứ hạng và việc con em mình có đỗ đại học hay không.

Một ví dụ về sự khác nhau trong quan điểm chất lượng và mục tiêu giáo dục của các bên liên quan khác nhau đó là thực tiễn của mô hình "trường học mới Việt Nam" (VNEN).

"VNEN nhắm đến phát triển kỹ năng nhận thức, còn phụ huynh phản đối VNEN vì lo sợ con em mình điểm kém trong các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp và thi đại học. Với nhà quản lý giáo dục thì mục tiêu của VNEN là tuyệt vời, còn phụ huynh thì đâu có quan tâm tới điều đó" - ông Minh nói.

Từ đó, GS Minh đề xuất, để giảm khoảng cách trong đánh giá giữa các bên liên quan, tạo được cách hiểu mang tính đồng thuận chung thì cần phải chuyên mô hình chất lượng "theo quy tắc" sang mô hình "theo nguyên lý".

Ông giải thích mô hình "quy tắc" bao gồm các quy chuẩn đặc tả chung cho mọi loại hình trường, không phân biệt sự khác biệt vùng miền, văn hoá, điều kiện khác...Các đặc tả này rất chi tiết, mang tính bắt buộc. Mô hình này còn được gọi là "mô hình tuân thủ", với đặc điểm dễ nhận biết là nhiều cụm từ "theo quy định". Ví dụ từ Thông tư về tiêu chuẩn đánh giá các trường trung học năm 2012, tiêu chuẩn 1 có 10 tiêu chí thì có tới 19 cụm từ "theo quy định".

" Cái gì cũng theo quy định thì khái niệm tự chủ không còn bất cứ ý nghĩa nào cả.  Mô hình quản lý chất lượng theo quy tắc giúp chúng ta tiến rất nhanh trong giai đoạn đầu. Đó là lý do giải thích tại sao đạt kết quả cao (như PISA). Nhưng sau đó sẽ đi ngang và đi xuống. Và hiện nay tôi đã có dấu hiệu này ".

Trong khi đó, mô hình "chất lượng theo nguyên lý" áp dụng được cho các bối cảnh khác nhau, dung hoà được những mâu thuẫn về quan điểm chất lượng giữa các bên.

Để chuyển sang mô hình này thì Nhà nước chỉ cần định ra những nguyên lý chung, sau đó giao quyền cho phụ huynh, nhà trường.

Ông Minh quan sát thấy "hiện nay lãnh đạo tỉnh và sở GD-ĐT chỉ lặp lại Bộ GD-ĐT, cái gì cũng chờ thông tư của Bộ GD-ĐT. 

"Làm sao giảm khoảng cách này lại, giao vai trò cho địa phương. Nói là giao tự chủ cho trường nhưng trường không dám nhận vì kẹt sở, sở lại kẹt thông tư của Bộ".

Trong lúc "chờ" sự chuyển hóa tư duy, ông Minh đề xuất, có thể rút ngắn các khoảng cách trung bình và ngắn, trong đó cần phải nâng cao vai trò của các địa phương.