Giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế qua ‘Tủ sách Huế’

Thứ năm, 09/07/2020, 19:17 PM

Thông qua “Tủ sách Huế” sẽ giới thiệu và quảng bá văn hóa, con người xứ Huế…

Trạm đọc sách miễn phí – văn hóa đọc sách của bạn trẻ Huế. Ảnh: Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế.

Trạm đọc sách miễn phí – văn hóa đọc sách của bạn trẻ Huế. Ảnh: Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có thông báo kết luận về việc thống nhất Đề án thiết lập và phát triển “Tủ sách Huế”, nhằm mục tiêu giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa giáo dục và văn hóa của vùng đất Cố đô.

Theo đó, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - giao Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện sau khi Đề án thiết lập và phát triển Tủ sách Huế được phê duyệt, phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh trong quá trình xây dựng và hoàn chỉnh Đề án.

Đồng thời, phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh xây dựng các tiêu chí để chọn các đầu sách tham gia “Tủ sách Huế” theo các danh mục lĩnh vực. Trước mắt ưu tiên lĩnh vực nghiên cứu Huế.  

Tham mưu UBND tỉnh thành lập các hội đồng, tổ chuyên gia, tổ giúp việc theo từng lĩnh vực để lựa chọn sách có giá trị tiêu biểu để xuất bản, tái bản cho “Tủ sách Huế”; tiếp cận các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm có những bộ sách quý, các công trình giá trị chưa xuất bản để đề nghị xuất bản, tái bản trên nguyên tắc kết hợp đồng bộ giữa xuất bản và phát hành.

Đã từ lâu sách đã đi vào cuộc sống của mỗi con người, sách là nơi ghi lại, lưu trữ những điều hiểu biết của con người và ở đó cũng chính là nơi chia sẻ những thông tin, những suy nghĩ giữa con người với con người. Sách hay sẽ giúp ta mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, là cách để nối liền quá khứ - hiện tại và mở ra tương lai.

Việc Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo hình thành “Tủ sách Huế” là việc làm thiết thực và cần thiết để giữ gìn văn hóa đọc trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, đồng thời tôn vinh, khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sách. 

Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể đối với việc sáng tác, quảng bá, lưu giữ sách; nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kĩ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Thông qua “Tủ sách Huế” cũng sẽ giới thiệu và quảng bá văn hóa, con người xứ Huế, những giá trị đã được chắt lọc và thể hiện trên từng cuốn sách, có giá trị trường tồn mãi với thời gian.

Bài liên quan