Gọi điện quảng cáo bị phạt: Người dân cần làm gì nếu tiếp tục bị quấy rối?

Thứ bảy, 10/10/2020, 07:03 AM

Người dân có thể cung cấp các bằng chứng, chuyển tiếp thông tin về tin nhắn, email, cuộc gọi rác về hệ thống tiếp nhận tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác với cơ quan chức năng.

Từ 1/10, gọi điện quảng cáo có thể bị xử phạt. (Ảnh minh họa).

Từ 1/10, gọi điện quảng cáo có thể bị xử phạt. (Ảnh minh họa).

Dư luận đang quan tâm đến việc từ 1/10, Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác sẽ chính thức có hiệu lực.

Đáng chú ý trong Nghị định này chính là quy định không được gọi điện quảng cáo trước 8h sáng, nếu vi phạm người quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người đặt ra là khi nghị định có hiệu lực mà người dân vẫn bị quấy rối thì phải làm sao, phản ánh đến đâu? Trước vấn đề này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công Thương) đã có những chia sẻ đến báo chí.

Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết: 9 tháng đầu năm, Cục đã tiếp nhận và xử lý hơn 220 phản ánh, yêu cầu của người tiêu dùng trong lĩnh vực điện thoại, viễn thông, kết nối mạng di động và internet.

Nội dung phản ánh của người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào việc bị quấy rối, làm phiền bởi các tin nhắn và cuộc gọi rác; quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ trái ý muốn của người tiêu dùng; gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và cuộc sống.

Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định hành vi "quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng" là bị cấm.

Từ ngày 1/10/2020, hành vi "gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo" có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 91 mới được ban hành.

Để tránh bị quấy rối, làm phiền bởi các tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng có quyền phản ánh, cung cấp các bằng chứng, chuyển tiếp thông tin về tin nhắn, email, cuộc gọi rác về hệ thống tiếp nhận tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác với các doanh nghiệp.

Do vậy, khi nhận được các tin nhắn quảng cáo không mong muốn, người tiêu dùng có thể từ chối bằng cách soạn tin theo cú pháp đã được hướng dẫn trong tin nhắn quảng cáo.

"Ngoài ra, người tiêu dùng có nghĩa vụ phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử, người quảng cáo và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác", đại diện Cục cho biết.

Đặc biệt, trong trường hợp nhận được các tin nhắn quảng cáo mà không đề cập hướng dẫn cách từ chối, người tiêu dùng có thể liên hệ các doanh nghiệp viễn thông hoặc hotline tư vấn, hỗ trợ 1800.6838 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để phản ánh, khiếu nại.

Theo quy định tại Nghị định số 91, "danh sách không quảng cáo" là tập hợp các số điện thoại đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào.

Người quảng cáo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet không được phép gọi điện thoại quảng cáo, gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo, gửi tin nhắn quảng cáo tới bất kỳ số điện thoại nào nằm trong "danh sách không quảng cáo".

Điều 13 về nguyên tắc gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo, người quảng cáo chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với Người sử dụng.

 Nếu vi phạm, người quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

 Một số quy định đáng chú ý khác và mức xử phạt theo Nghị định 91/2020/NĐ-CP:

 Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng:

- Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng.

- Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo.

- Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo.

Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng:

- Thực hiện quá 1 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng;

- Gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng;

Phạt tiền từ 60-80 triệu đồng:

- Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo không đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.

Bài liên quan