Thứ tư, 13/03/2019, 11:38 AM
  • Click để copy

Hà Nội cấm xe máy: Người dân lo mất 'cần câu cơm'

Theo đánh giá của chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, xe máy không chỉ là phương tiện phù hợp với hạ tầng giao thông ở Hà Nội mà nó còn là "chiếc cần câu cơm của nhiều người dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động và cấm xe máy là người dân mất luôn cần câu cơm".

toan-canh-2-con-duong-du-kien-cam-xe-may-dau-tien-tai-o-ha-noi
Nhiều người dân lo lắng khi Hà Nội sắp cấm xe máy trên đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi.

Cấm xe máy dân lấy gì kiếm sống?

Thông tin Hà Nội sắp cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương làm thí điểm cho đề án cấm xe máy ở nội thành từ năm 2030, khiến nhiều người dân hết sức lo lắng.

Đó không chỉ là nỗi lo "cấm xe máy đi bằng gì?", mà với nhiều người dân lao động việc Hà Nội cấm xe máy còn đặt ra cho họ câu hỏi "kiếm sống bằng gì, lấy gì kiếm sống?".

Thực tế ghi nhận cho thấy, xe máy vẫn là phương tiện chiếm số lượng lớn ở Hà Nội. Trong đó, xe máy không chỉ đơn thuần là phương tiện giao thông đi lại, mà còn là phương tiện vận chuyển hàng hóa, công cụ kiếm sống của nhiều người lao động ở Thủ đô như: Xe ôm, vận chuyển rau củ, shipper...

Theo chuyên gia giao thông, ưu điểm của xe máy không chỉ dừng lại ở việc nhỏ gọn, di chuyển dễ dàng thích hợp di chuyển ở những ngõ ngách, phố nhỏ ở Hà Nội mà nó còn phù hợp với "tư duy" mua sắm nhỏ lẻ, vận chuyển nhỏ lẻ của người dân.

"Ví dụ đi mua bao gạo, bao xi măng hay chở con gà, con vịt... người dân đều dùng đến xe máy. Nhưng quan trọng nhất đó là chi phí đi lại rẻ và phù hợp thu nhập, với túi tiền của người dân", chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy trong một cuộc trao đổi với PV về đề án cấm xe máy ở nội thành Hà Nội từng chia sẻ.

ha-noi-cam-xe-may-duong-le-van-luong-nguyen-trai-sai-lam-buyt-nhanh-brt-tai-dien
TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị.

Còn nhớ vào năm 2017, dư luận cũng đã từng "dậy sóng" với thông tin 90% trong số 15.000 người ở Hà Nội ủng hộ việc cấm xe máy được Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đưa ra.

Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định: Xe máy là phương tiện quan trọng trong đời sống người dân hiện nay nên nói việc cấm xe máy là xa rời thực tế.

Vị chuyên gia giao thông thậm chí ví xe máy là "chiếc cần câu cơm của người dân". Ông đánh giá xe máy là phương tiện xóa đói giảm nghèo , tạo ra công ăn việc làm hiện nay của nhiều người dân lao động. "Ngay cả những công chức, những người có ô tô cũng không thể bỏ được xe máy. Cấm xe máy là người dân mất luôn phương tiện kiếm sống”, TS. Thủy nói.

Trở lại với đề xuất cấm xe máy trên đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi được Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đưa ra mới đây, trao đổi với PV, nhiều người lao động tỏ ra hết sức lo lắng.

Anh Bùi Hưng (ở Chương Mỹ, làm nghề buôn bán rau củ) chia sẻ: "Gia đình tôi làm nghề buôn bán rau, hằng ngày chúng tôi cùng rất nhiều người dân trên địa bàn đưa hàng đến các chợ đầu mối, các quán ăn lẻ ở trung tâm TP để giao hàng.

Đường Nguyễn Trãi là con đường chúng tôi hay đi lại, huyết mạch để di chuyển hằng ngày. Chúng tôi không biết nếu cấm xe máy đường này thì việc làm ăn của bao nhiêu người dân buôn bán sẽ ra sao? Cấm xe máy chúng tôi lấy gì chở hàng, không lẽ thuê ô tô?".

Cùng nỗi lo anh Quang (chủ một cửa hàng tạp hóa ở Yên Nghĩa) chia sẻ: "Chung tôi thường phải sử dụng xe máy để đi giao và lấy hàng hóa vì ít nên nếu di chuyển bằng ô tô thì sẽ không có lãi. Hơn nữa vì hàng hóa cồng kềnh tôi cũng không thể lên xe buýt, vậy cấm xe máy thì chúng tôi đi bằng cách nào? Chưa kể dọc trên 2 con đường này có những con ngõ rất nhỏ, chỉ có thể di chuyển bằng xe máy".

Xe máy không phải nguyên nhân tắc đường

Số liệu thống kê vào năm 2017, cho thấy ở Hà nội có khoảng 5 triệu xe máy, gần 500.000 ô tô. Đó là chưa tính 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn (số liệu thống kê được Vtv.vn trích dẫn).

Trong khi đó, thông tin từ báo Tiền Phong cho thấy: Trong 8 tháng đầu năm 2018, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, đã làm đăng ký, cấp biển số mới cho hơn 218.000 phương tiện, trong số này có hơn 38.000 ô tô, 170.000 xe máy. Tính trung bình mỗi tháng, Hà Nội đang có thêm hơn 27.000 ô tô, xe máy, xe đạp điện được cấp biển số để đổ ra đường... đó là còn chưa kể các phương tiện như taxi, xe khách.

toan-canh-2-con-duong-du-kien-cam-xe-may-dau-tien-tai-o-ha-noi
Tình trạng giao thông trên đường Nguyễn Trãi.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, xe máy không phải là nguyên nhân gây ra tắc đường và việc cấm xe máy trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng sẽ vô tình khiến ô tô cá nhân gia tăng nhiều hơn.

“Đừng đổ lỗi cho xe máy là nguyên nhân gây ra tắc đường. Xe máy cũng không gây ô nhiễm môi trường nhiều như ô tô, chỉ bằng 1/10 ô tô. Nếu cấm xe máy thì người ta sẽ cố gắng mua bằng được ô tô và khi đó phương tiện ô tô lại gia tăng, lúc đó thì càng nguy hiểm”, TS. Thủy phân tích.

Vị chuyên gia giao thông cũng chỉ ra rằng, do xe máy là phương tiện quá tiện lợi nên nhiều khi người dân chỉ đi vài trăm mét cũng dùng xe máy lưu thông. Đây là nhược điểm mà mỗi người dân cần ý thức hơn nhằm tiết kiệm cũng như nhằm hạn chế tắc đường.

 

Toàn cảnh 2 con đường dự kiến cấm xe máy đầu tiên tại ở Hà Nội

Tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi đang được Hà Nội cân nhắc lựa chọn thí điểm cấm xe máy hoạt động trước năm 2030.

 

Hà Nội cân nhắc cấm xe máy đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi: 'Chỉ là thông thoáng giả tạo'

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, "Việc cấm xe máy tại một, hai tuyến đường này chỉ làm các tuyến phố khác thêm ùn tắc bởi giao thông là sự di chuyển, là sự ràng buộc giữa các tuyến đường, có điểm đi, điểm đến. Có thể một, hai tuyến phố này thông thoáng khi cấm xe máy nhưng đó chỉ là thông thoáng giả tạo".

 

Tin tai nạn giao thông mới nhất 12/3: Cấm xe máy, đường buýt nhanh BRT có hết tắc?

Tin tai nạn giao thông mới nhất 12/3 có thông tin cập nhật diễn biến về việc Hà Nội muốn cấm xe máy trên đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi nhằm tăng hiệu quả cho buýt nhanh BRT và tàu điện Cát Linh - Hà Đông.