Hà Nội kiểm tra hơn 3.800 mẫu thực phẩm, phát hiện 6% không đạt chuẩn

Thứ hai, 04/11/2019, 11:04 AM

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đánh giá, nhìn chung công tác đảm bảo ATTP của thành phố đã đạt kết quả tốt song số cơ sở vi phạm cũng còn nhiều. Hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng cũng sẽ diễn biến phức tạp hơn ở thời điểm cuối năm với nhiều thủ đoạn tinh vi.

ha-noi-kiem-tra-hon-3800-mau-thuc-pham-phat-hien-6-khong-dat-chuan
Lực lượng ATTP kiểm tra các hộ kinh doanh.

Hà Nội hiện có gần 70.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ, lẻ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 5.000 ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát. Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội, 9 tháng của năm 2019, toàn thành phố đã thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP. Qua kiểm tra 102.595 lượt cơ sở, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử phạt 5.819 cơ sở với số tiền hơn 23 tỷ đồng.

Riêng CATP Hà Nội đã phát hiện 2.485 vụ vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính 2.485 vụ, thu nộp ngân sách hơn 8,2 tỷ đồng, đồng thời khởi tố 3 vụ với 5 đối tượng sản xuất hàng giả, kém chất lượng.

Cùng đó, 9 tháng năm 2019, Hà Nội đã lấy 3.829 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại labo xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm có 3.586 mẫu đạt chỉ tiêu (chiếm tỷ lệ 93,7%), tức còn 6,3% mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm không đạt...

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, nhìn chung công tác đảm bảo ATTP của thành phố đã đạt kết quả tốt song số cơ sở vi phạm cũng còn nhiều.

Ban chỉ đạo ATTP thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống phát hiện, điều tra, giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn; khuyến khích các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm...
Ưu tiên nhập và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm và có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua công nghệ thông tin như điện thoại thông minh... để người dân dễ dàng truy xuất và tiếp cận được các sản phẩm an toàn, chất lượng đã được cơ quan chức năng kiểm định.

Đặc biệt, theo thông lệ, cứ "đến hẹn lại lên", vào quý cuối cùng của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

 Trong ngày hôm nay, thường trực HĐND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh việc đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ đảm bảo ATTP trên địa bàn thời gian qua, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, phiên giải trình cũng hướng đến việc tìm ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, nhất là thời điểm cuối năm khi thị trường tiêu dùng thực phẩm được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt trong dịp những tháng cuối năm 2019.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/ha-noi-kiem-tra-hon-3-800-mau-thuc-pham-phat-hien-6-khong-dat-chuan-140689.html