Hà Nội lên tiếng về thông tin đổi 700ha đất lấy 5 con đường

Thứ ba, 26/06/2018, 20:29 PM

Trước những lo ngại của dư luận về việc giao 700ha đất cho doanh nghiệp đổi lấy 5 con đường theo hình thức BT, UBND TP Hà Nội đã chính thức lên tiếng.

ha-noi-len-tieng-ve-thong-tin-doi-700ha-dat-lay-5-con-duong
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó GĐ Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội (đứng) phát biểu tại hội nghị.

Triển khai nghiêm túc

Liên quan đến những thông tin về việc Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án công trình giao thông thực hiện theo hình thức BT, khiến dư luận có ý kiến trái chiều, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy diễn ra vào chiều 26/6, đại diện UBD TP Hà Nội đã chính thức lên tiếng giải thích.

Theo đại diện UBND TP Hà Nội, trong điều kiện ngân sách Nhà nước có khó khăn, đầu tư công hạn chế và cắt giảm, các nguồn vốn ODA khó khăn và hạn hẹp. Trong khi đó, việc đầu tư phát triển công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các công trình giao thông và hạ tầng là yêu cầu bức thiết của TP.

Từ thực tế trên, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hình thức hợp tác công tư (PPP) đã được tập trung triển khai thực hiện từ nhiều năm qua. Từ năm 2013 trở về trước, UBND TP đã cho phép các nhà đầu tư nghiên cứu triển khai 63 dự án theo hình thức BT tập trung vào các lĩnh vực giao thông, hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung, chống ô nhiễm môi trường…

Tại hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển, UBND TP đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cho 5 dự án công trình giao thông để giảm ùn tắc giao thông thực hiện theo hình thức BT.

Đây là các dự án được nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2009 - 2015, nhà đầu tư đã tự bố trí vốn để lập hồ sơ đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đã được UBND TP báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép TP chỉ định Nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.

Đại diện UBND TP Hà Nội khẳng định, TP đã nghiêm túc thực hiện các thủ tục quy định về triển khai thực hiện dự án. “Khi tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án đảm báo công khai, minh bạch. UBND TP đã chỉ đạo các Sở, ngành xác định các tiêu chí đối với các Nhà đầu tư phải có năng lực tài chính, năng lực quản trị dự án, đã ứng vốn để lập hồ sơ đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, phải cam kết bố trí vốn để xây dựng công trình BT trước khi được TP giao đất đối ứng với lãi xuất thấp nhất và thời gian thi công công trình ngắn nhất”, đại diện UBND TP Hà Nội cho hay.

Theo vi này, các dự án BT nêu trên đều là các công trình xây dựng đường giao thông, khối lượng kinh phí cho hạng mục bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị công trình BT (thấp nhất là 42 %, có dự án cao tới 80%, chi phí xây lắp chỉ là 20%); chi phí xây lắp đảm bảo đúng định mức, đơn giá Nhà nước quy định, chiếm tỷ lệ thấp. Vì vậy, nếu chỉ nêu thông tin về độ dài của tuyến đường để so sánh sẽ không phản ánh được khách quan chi phí đầu tư của dự án BT.

Đối với dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 (đoạn Ba La – Xuân Mai) theo hình thức BT được UBND TP phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2799/QĐ-UBND ngày 7/6/2018, sẽ được TP tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ, chưa giao dự án cho Nhà đầu tư.

Về quỹ đất đối ứng thanh toán dự án BT, đại diện TP Hà Nội cho hay: Nhà đầu tư phải ứng toàn bộ vốn để lập quy hoạch chi tiết 1/500, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy hoạch và dự án được duyệt, bàn giao cho TP để xác định giá trị quỹ đất thanh toán.

Nhà đầu tư được lựa chọn phải ứng 100% vốn để lập quy hoạch chi tiết 1/500 thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các dự án đối ứng và chi phí đầu tư được khấu trừ vào tiền sử dụng đất theo quy định. Đồng thời chỉ được khai thác sử dụng đối với diện tích đất thương phẩm (đất xây dựng nhà ở, thương mại, dịch vụ có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất), chiếm khoảng 26% trên tổng diện tích khu đất để tính giá trị thanh toán, giao cho Nhà đầu tư hoàn vốn cho công trình BT. Còn lại là đất làm đường giao thông, cây xanh, hồ nước, công trình xã hội (trường học, nhà văn hóa...), không phải là đối tượng để tính tiền sử dụng đất. Sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 và chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, UBND TP mới quyết định giao đất để thanh toán cho công trình BT.

Đáng chú ý, theo đại diện UBND TP Hà Nội: “Giá đất thanh toán sẽ được Liên ngành TP xác định theo sát giá thị trường theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính, trên cơ sở đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch đảm bảo nguyên tắc so sánh giá trên thị trường và trừ đi phần kinh phí Nhà đầu tư đã ứng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Diện tích đất giao và giá trị đất thanh toán cho Nhà đầu tư tương đương với giá trị công trình BT theo đúng nguyên tắc, quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ và Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 12/3/2018 của UBND TP. Sau khi thanh toán tương đương giá trị công trình BT, diện tích đất còn thừa (nếu có), TP sẽ thu hồi lại, thực hiện quản lý theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ”.

Không giao 700ha đất cho doanh nghiệp đổi lấy đường

Tại cuộc họp ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết: Về diện tích đất đối ứng cho 5 dự án BT vừa được giao không đến 700ha. Trên thực tế, diện tích phục vụ nghiên cứu cho các dự án BT chỉ khoảng 270ha. Tuy nhiên, cái 270ha đất đối ứng này không có nghĩa là mang số này đổi lấy các tuyến đường. Cao lắm chỉ 26%. Còn diện tích 270ha là trong phạm vi nghiên cứu dự án.

Về thắc mắc tại sao không thực hiện đấu giá các khu đất để lấy tiền xây dựng các tuyến đường? Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết: Chủ trương của TP là có hạ tầng xã hội bằng nhiều con đường. Vì vậy, con đường nào thuận lợi nhất, đúng quy định nhất, ngắn nhất thì làm.

“Với chúng tôi đất cũng là tiền, tiền cũng là đất. Tại sao không đấu giá? Việc đấu giá không phải các cơ quan chuyên môn không nghĩ đến nhưng tính đi tính lại không hề đơn giản vì liên quan đến câu chuyện giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Vì thế, thông qua con đường các nhà đầu tư và quản lý hành chính vẫn đảm bảo tiết kiệm được cho ngân sách nên chúng tôi đã tính toán đề xuất thực hiện dự án theo hình thức BT.

Ngoài ra, việc đấu giá đất, ngày hôm nay có thể chúng ta đấu giá 1 triệu/m2, ngày mai 2 triệu/m2 nhưng ngày kia có thể xuống 500.000 đồng. Nhưng thời gian ký hợp đồng là thời gian giao đất cho người ta và ấn định giá là cố định”, ông Nghĩa nói.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng đã có văn bản giải thích về việc này. Theo đó, Hà Nội đã đồng ý cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng 5 tuyến đường theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Đổi lại, TP giao nhà đầu tư khoảng 700 ha đất đối ứng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, đây là các dự án đã được nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2015, đã được UBND TP Hà Nội báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.

Nguyên nhân được Sở này đưa ra là do ngân sách khó khăn, khó cân đối nguồn vốn nên từ năm 2016, Hà Nội có chủ trương huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng. Trong đó ưu tiên thực hiện một số dự án hạ tầng trọng điểm theo hình thức BT.

Việc thực hiện các dự án BT của Hà Nội được khẳng định “đều tuân thủ các quy định tại Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án được các cơ quan chuyên môn của Hà Nội thẩm định kỹ; quỹ đất giao để thanh toán cho nhà đầu tư được tính toán theo phương án có giá trị cao nhất…”

Đáng chú ý, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay, diện tích đất giao cho các dự án làm đường trên chỉ để nhà đầu tư lập nghiên cứu quy hoạch và họ chỉ được khai thác một phần diện tích đất đó.

 

Nguy cơ tham nhũng tiềm ẩn từ việc 'đổi đất lấy hạ tầng' ở các dự án BT

Nguy cơ tham nhũng, chất lượng dự án thấp, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.. là những vấn đề bắt nguồn từ các dự án BT đã được nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra.

 

Dễ nảy sinh lợi ích nhóm trong vụ đổi 40 ha ‘đất vàng’ Thủ đô lấy 2,8km đường

Hà Nội chấp nhận đánh đổi gần 40ha đất “vàng” tại quận Nam Từ Liêm để xây dựng tuyến đường nối Lê Trọng Tấn tới Vành đai 3 dài 2,85km.