Thứ ba, 25/09/2018, 12:05 PM
  • Click để copy

Hà Nội tính 'mặc đồng phục’ cho gần 500 trụ sở: 'Điều dân cần là con người, không phải trụ sở'

Rất nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng trước thông tin Hà Nội tính "mặc đồng phục" cho gần 500 trụ sở, trong đó câu chuyện lãng phí được nhiều người nhắc đến, đồng thời cho rằng điều người dân cần nhất là cán bộ phải giải quyết được việc.

ha-noi-muon-mac-dong-phuc-cho-gan-500-tru-so-phuong-xa-ton-ngan-ty-dong
Mẫu trụ sở UBND do đơn vị tư vấn cung cấp - Ảnh: HRAP.

Tin tức về việc Sở Xây dựng TP Hà Nội đang đề xuất "mặc đồng phục" cho gần 500 trụ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn đang được dư luận quan tâm.

Nhiều ý kiến khác nhau đã được người dân và giới chuyên gia kiến trúc, xây dựng, văn hóa đưa ra quanh đề xuất.Trong đó, nhiều người bày tỏ lo ngại về việc lãng phí tiền bạc, có người lại cho rằng điều thực tế người dân cần là bộ mặt của công chức, con người giải quyết được việc trong bộ máy chính quyền chứ không phải trụ sở các xã phường. 

Anh Lực (một người dân sống tại Thủ đô) chia sẻ: "Hiện nay, có rất nhiều các trụ sở mới, nhiều trụ sở được xây dựng khang trang, vậy nếu "mặc đồng phục" thì phải chăng tất cả phải xây mới, sửa chữa lại?"

Cũng theo một số người dân, TP Hà Nội hiện có rất nhiều trụ sở các cơ quan to đẹp, hoành tráng nhưng việc giải quyết công việc, phục vụ nhân dân lại rất chậm chễ. "Thậm chí việc đi lại, giải quyết công việc ở xã, phường của người dân cũng không nhiều nên không cần phải xây quá hoành tráng", một người dân chia sẻ.

Bàn luận câu chuyện này với PV, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá: Việc đưa ra một thiết kế khuôn mẫu về trụ sở làm việc của các cơ quan xã, phường, thị trấn là tốt, trước đây chưa có. Tuy nhiên, không nên áp dụng chung cho tất cả các địa phương.

ha-noi-tinh-mac-dong-phuc-cho-gan-500-tru-so-dieu-dan-can-la-con-nguoi-khong-phai-tru-so
TS Phạm Sỹ Liêm: "Hà Nội cần nói rõ mục đích "mặc đồng phục" cho gần 500 trụ sở xã, phường".

"Mỗi một địa bàn lại có những vị trí, điều kiện, diện tích, hoàn cảnh thực tế khác nhau nên áp dụng theo kiểu "đồng phục" chung sẽ không hợp lý. Chẳng hạn với địa bàn có diện tích đất rộng có thể xây trụ sở thế này nhưng với địa bàn hẹp thì cần xây dựng kiểu khác để phù hợp", TS Liêm nêu.

Một vấn đề khác được TS Phạm Sỹ Liêm đề cập là việc, Hà Nội cũng như cả nước đang vào cuộc cắt giảm biên chế, sát nhập các ngành và vì thế biên chế công chức có chiều hướng giảm. "Do đó, việc làm mới, xây dựng mới đồng phục có cần thiết không?", TS Liêm nêu.

Ông Liêm nói, cá nhân ông và nhiều người chưa hiểu rõ ý đồ của phương án này sẽ làm thế nào, liệu có đập phá, sửa chữa, xây lại các trụ sở đã, đang sử dụng hay chỉ áp dụng với trụ sở xây dựng mới. Tuy nhiên, TP cần phải cân nhắc kỹ vì rất dễ nảy sinh việc lãng phí.

"Tôi cho rằng, ở Hà Nội, các xã phường, thị trấn hầu hết đã có trụ sở sử dụng tốt rồi nên nếu tính phương án "mặc đồng phục" để rồi phải đập phá hay sửa chữa hoặc xây mới lại sẽ tạo ra sự lãng phí rất lớn, không cần thiết trong lúc đất nước còn khó khăn. Chưa kể, người dân cần nhất là cán bộ cần thay đổi nhận thức, phục vụ đúng nghĩa, tốt hơn chứ không phải những thứ bề ngoài, dù rằng, nếu tốt từ trong ra ngoài ai cũng thích. Hà Nội cần thông tin rõ việc này để người dân hiểu được", nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ.

Ông Liêm cũng nói thêm: "Chúng ta đang vận động xây dựng chính phủ điện tử, các cơ quan cũng áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết vụ việc và vì thế việc xây dựng trụ sở "đồng phục" liệu có cần thiết hay đi trái lại những điều đã vận động...".

KTS Trần Huy Ánh, Hội kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ: "TP còn nghèo nhiều công trình giao thông, trường trạm cần đầu tư xây dựng nên cần cân nhắc kỹ trong việc xây dựng, cải tạo trụ sở cơ quan công quyền. Bởi lẽ đây không phải tiền của cá nhân mà là ngân sách nên tất cả sáng kiến như trên phải giải trình rõ ràng với xã hội về mặt lợi ích, văn hóa, kinh tế và mục đích”.

Ngoài ra, ông Trần Huy Ánh cho rằng: Gần 500 xã, phường ở 500 vị trí và mỗi nơi đều gắn với văn hóa bản địa ở đó vì thế không thể đánh đồng nơi này với nơi kia. Theo ông Ánh, việc đề xuất "đồng phục" trụ sở xã phường là cách nghĩ rất cũ và lãng phí, không đem lại lợi ích văn hóa, kinh tế.

Nguyên đại biểu quốc hội Bùi Thị An cũng cho rằng, Hà Nội cần cân nhắc thật kỹ và cần tận dụng triệt để những trụ sở vẫn có thể sử dụng. "Chỉ nơi nào không thể sử dụng được nữa, bắt buộc phải làm thì mới làm, nếu không sẽ rất lãng phí", bà An nói.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 584 trụ sở (386 công trình ở xã, 177 ở phường và 21 ở thị trấn). Giai đoạn 2011-2015 các quận, huyện đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 290 trụ sở cấp xã, với tổng vốn bố trí trên 1.600 tỷ đồng.

Hiện thành phố còn 7 xã, phường phải thuê trụ sở, gồm các phường: Phú Diễn, Đức Thắng, Xuân Tảo, Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm); các phường Mỹ Đình 1, Xuân Phương, Phú Đô (quận Nam Từ Liêm).

 

Hà Nội: Dự kiến mặc 'đồng phục' cho gần 500 trụ sở xã, phường

Hà Nội dự kiến sẽ thống nhất hình thức thiết kế, bố cục công trình, vật liệu xây dựng, màu sắc công trình trụ sở phường, xã trên địa bàn...

 

Hà Giang: Thay vì xây trụ sở nên đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy nhân sự

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến đề xuất đầu tư dự án hợp khối Trụ sở các cơ quan hành chính tỉnh Hà Giang.

 

‘Hết tiền’ cho Hà Giang xây trụ sở nghìn tỷ

Trước việc tỉnh Hà Giang xin Chính phủ hỗ trợ chi phí nhưng Bộ Kế hoạch cho rằng không còn nguồn và yêu cầu tỉnh tính toán lại.