Hà Nội nêu lý do phản đối cưỡng chế chủ đầu tư 'ôm' quỹ bảo trì chung cư

Thứ tư, 11/03/2020, 09:25 AM

UBND TP Hà Nội cho rằng, tranh chấp quỹ bảo trì chung cư là tranh chấp tài sản, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Vụ việc cư dân chung cư Westa Hà Đông căng băng rôn đòi chủ đầu tư trả quỹ bảo trì tòa nhà xảy ra tháng 6/2019. (Ảnh: IT).

Vụ việc cư dân chung cư Westa Hà Đông căng băng rôn đòi chủ đầu tư trả quỹ bảo trì tòa nhà xảy ra tháng 6/2019. (Ảnh: IT).

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề cập quan điểm về việc cưỡng chế đối với chủ đầu tư chung cư chây ì bàn giao quỹ bảo trì.

Theo đó, Hà Nội cho rằng trường hợp chủ đầu tư chây ì không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì chung cư cho Ban quản trị tòa nhà là hành vi chiếm hữu tài sản của người khác và tranh chấp xảy ra trong trường hợp này là tranh chấp tài sản thuộc quyền giải quyết của tòa án.

UBND TP Hà Nội cho rằng, việc quy định cơ quan hành chính ban hành quyết định cưỡng chế quỹ bảo trì chung cư theo quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư kèm theo thông tư 02 năm 2016 đã được Bộ Xây dựng ban hành là không phù hợp vì cơ quan hành chính không có quyền tổ chức, cưỡng chế tài sản khi tài sản ấy không thuộc sở hữu nhà nước.

Đồng thời, việc tiến hành cưỡng chế có thể làm phát sinh quy trình khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành chính phức tạp.

Vì vậy, Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ Tư pháp về quan điểm xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư và các nội dung quy chế theo hướng tôn trọng các nguyên tắc dân sự, hạn chế đặt ra các quy định sử dụng quan hệ điều hành - chấp hành để giải quyết quan hệ pháp luật dân sự.

Theo thông tư số 02, số 28 năm 2016 và thông tư 06 được Bộ Xây dựng ban hành năm 2019 về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, trường hợp chủ đầu tư chây ì, cố tình không bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư (2% giá mua căn hộ chung cư) thì ban quản trị các tòa nhà có quyền yêu cầu UBND cấp tỉnh cưỡng chế, buộc chủ đầu tư phải bàn giao cho ban quản trị tòa nhà theo quy định.

Hay trước đó, các quy định của Luật nhà ở năm 2014, Nghị định 99 năm 2015 cũng quy định biện pháp cưỡng chế, buộc các chủ đầu tư phải bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của các tòa nhà chung cư.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi Luật nhà ở 2014 liên quan tới quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó có các quy định về thu, quản lý, sử dụng, cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì chung cư…

Bộ Xây dựng cũng ghi nhận kiến nghị trên của UBND TP Hà Nội để báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định của Luật nhà ở 2014 nói chung, các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư nói riêng để phù hợp với tình hình thực tế.

Nêu tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc, bất cập và giải pháp tháo gỡ (tháng 4/2019), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Tổng hợp số liệu của 40 địa phương có báo cáo đến thời điểm 31/3/2019 có 11 địa phương có tranh chấp, khiếu nại. Trong đó chủ yếu xảy ra tại Hà Nội, TPHCM với tổng số 458 tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý vận hành.

Trong đó, chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị (có 54 chung cư chiếm 11,8% tổng số tranh chấp và chiếm 79% tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì).

Riêng địa bàn Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ tranh chấp, khiếu nại liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cao hơn. Hà Nội có 39/919 tòa có tranh chấp, chiếm tỷ lệ 4,2%. TPHCM có 15/867 tòa có tranh chấp, chiếm tỷ lệ 1,7% - báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay.

Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh việc kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, Bộ Xây dựng cũng đưa ra nhiều kiến nghị trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

Đáng lưu ý, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.

Cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà ký ban hành kế hoạch thanh tra năm 2020. Trong kế hoạch thanh tra năm 2020 của Bộ Xây dựng, vấn đề phí bảo trì các tòa chung cư được chú trọng.

Theo đó, Bộ sẽ tiến hành thanh tra công tác quản lý sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư tại hàng loạt dự án tại Hà Nội, TP.HCM trong đó có nhiều dự án của các “ông lớn” bất động sản.

Bài liên quan