Thứ năm, 13/09/2018, 12:31 PM
  • Click để copy

Hà Nội lại muốn cấm bán thịt chó vào năm 2021?

Ngành thú y Hà Nội đang xây dựng lộ trình hạn chế thói quen ăn thịt chó, thậm chí tiến tới cấm bán thịt chó từ năm 2021.

ha-noi-lai-muon-cam-ban-thit-cho-vao-nam-2021
Hà Nội có thể cấm bán thịt chó từ năm 2021 - (Ảnh minh họa).

Sẽ cấm buôn bán thịt chó, mèo?

Liên quan đến thông tin TP Hà Nội đang mong muốn tuyên truyền để người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo... gây nhiều tranh cãi trong dư luận, mới đây, trong một bài viết được đăng tải trên Website của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Thú y Hà Nội đã đề cập đến thông tin: "Cần xây dựng lộ trình hạn chế hoạt động giết mổ chó, mèo làm thực phẩm, tiến tới không kinh doanh, buôn bán, giết mổ chó, mèo thương phẩm". 

Thậm chí, tờ Vnexpress dẫn lời ông Sơn cho biết: Vào khoảng 2021, sẽ cấm bán thịt chó ở các quận nội thành Hà Nội. Theo ông Sơn, đây là những khu vực trung tâm, có đông du khách quốc tế nên cần làm trước.

Với khu vực ngoại thành, Chi cục trưởng Thú y cho rằng cần thời gian để tuyên truyền do những nơi này nuôi chó thả rông nhiều, khó quản lý và còn liên quan đến thói quen, tập quán của người dân trong việc sử dụng thịt chó làm thực phẩm.

Theo ông Sơn: Vài năm trở lại đây, nhiều người đã thay đổi nhận thức và từ bỏ thói quen trên. Lý do của chuyển biến trên không chỉ vì nhiều nước và tổ chức quốc tế phản đối ăn thịt chó, mà trong thực tế ăn thịt chó có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm; hơn nữa, thịt chó quá nhiều chất đạm không tốt cho sức khoẻ...

Kinh doanh thịt chó gây phản cảm

Đề cập đến vấn đề "tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo" ông Sơn đề cập: "Việc kinh doanh, giết mổ chó, mèo, sử dụng thịt chó, mèo hiện nay trên địa bàn TP còn nhiều bất cập. Nhiều nơi còn coi việc giết mổ chó mèo như một nghề như xã Đức Giang (huyện Hoài Đức); Dương Nội (Hà Đông). 

Việc vận chuyển chó giết mổ (chó thui) trên đường không được che đậy đã tạo ra những phản cảm đối với người đi đường, đặc biệt khách tham quan du lịch, du khách Quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một Thủ đô văn minh, hiện đại.

cho-tha-rong
Tình trạng thả rông chó ở Hà Nội vẫn xuất hiện nhan nhản - (Ảnh: Hiếu Chí).

Ngoài ra còn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh các bệnh truyện nhiễm như bệnh dại, xoắn khuẩn, bệnh tả… cho các đối tượng tham gia quá trình kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo".

Cũng theo ông Sơn, trên thực tế hiện nay việc quản lý nuôi và kinh doanh thịt chó mèo chưa thật sự được quan tâm. Theo quy định của Pháp luật đối với chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

"Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh. Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định.

Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

Đối với UBND cấp xã/phường thực hiện việc lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn (bao gồm các thông tin họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi, số lượng chó nuôi, ngày, tháng, năm tiêm phòng vắc-xin dại). Hàng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhập thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn.

Quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý, thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận.

Bên cạnh đó áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi, quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận..."

Tuy nhiên, ông Sơn cho hay: Qua kiểm tra tại các cơ sở các đoàn kiểm tra chuyên môn đều ghi nhận việc chó thả rông còn nhiều, không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay cả ở các quận nội thành (kể cả ở phố đi bộ) vẫn còn nhiều trường hợp người dân mang chó ra đường không có người dắt, không có rọ mõm.

"Thực tế đã xảy ra trường hợp chó tấn công người, nhất là chó có trọng lượng lớn (khoảng 30 - 40 kg trở lên) có thế cắn trực tiếp người hoặc nhiều trường hợp chó chạy nhảy đùa nghịch với chó cùng đi trên đường đã gây thương tích cho người đi đường.

Việc xử lý các trường hợp vi phạm này cũng chưa được quan tâm, thông thường giải quyết theo hướng tự giải quyết giữa người bị hại và chủ nuôi chưa có sự can thiệp của chính quyền nên chưa làm gương để chủ hộ rút kinh nghiệm...", ông Sơn nêu.

Trong diễn biến liên quan, trước lý do Hà Nội đưa ra rằng: Việc giết mổ, sử dụng thịt khó gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh của một Thủ dô văn minh, hiện đại... đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. 

Không ít ý kiến của các nhà văn hóa, xã hội cho rằng thịt chó, mèo cũng chỉ là ẩm thực riêng của mỗi người và từ lâu trở thành món ăn quen thuộc. Vì vậy, nói ăn thịt chó gây phản cảm là không chính xác. "Không nên lấy văn hóa phương Tây áp đặt cho người Việt Nam...".