Hà Nội sẽ xây lại con đường gốm sứ mới

Thứ tư, 10/06/2020, 06:47 AM

TP Hà Nội đã có chủ trương lên kế hoạch gắn tranh gốm sứ hoàn trả con đường gốm sứ bị phá do mở đường lên mặt tường bê tông cốt thép mới.

Empty

Thông tin về việc phá dỡ con đường gốm sứ để mở rộng đường Âu Cơ mới đây tại buổi giao ban báo chí thành ủy Hà Nội, ông Phạm Thanh Học - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, đây là việc làm bất khả kháng.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thông tin: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội được UBND TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư dự án.

Theo Ban quản lý dự án, mục tiêu của dự án là đầu tư đồng bộ tuyến dường Nghi Tàm và đường Âu Cơ đoạn từ nút giao đường Thanh Niên đến nút giao cầu Nhật Tân nhằm kịp thời xử lý tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao thông, tạo hướng kết nối nhanh giữa trung tâm chính trị Ba Đình và trung tâm TP với cửa ngõ hàng không quốc tế Nội Bài thông qua cầu Nhật Tân và đường nối từ cầu Nhật Tân tới sân bay Nội Bài.

Để triển khai theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, phải thực hiện phá dỡ một đoạn tường gốm sứ dài gần 300m từ nút Khách sạn Thắng Lợi đến ngã ba Xuân Diệu để phục vụ cho việc mở rộng đường đê hiện tại.

Ban Quản lý dự án đã báo cáo và UBND TP đã có chủ trương sau khi hoàn thành xây dựng xong tường chắn đê bê tông cốt thép sẽ tiếp tục có kế hoạch gắn tranh gốm sứ lên mặt tường bê tông cốt thép mới (chiều dài tường bê tông cốt thép là rất lớn).

"TP sẽ tiếp tục duy trì và phát triển con đường gốm sứ ngày càng đẹp hơn, xứng đáng là một biểu tượng và là nét đẹp văn hóa độc đáo của Thủ đô".

Trước đó, thông tin TP Hà Nội phá bỏ hàng trăm mét con đường gốm sứ để phục vụ cho công trình mở rộng đường Âu Cơ khiến nhiều người dân tiếc nuối bởi có thể ảnh hưởng đến danh hiệu "Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới" do Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận.

Con đường gốm sứ ven sông Hồng Hà Nội chính thức khởi công năm 2007, hoàn thành vào tháng 10/2010. Đây là công trình nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Công trình dài gần 4km với diện tích khoảng 6.500m2, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Đây chính là bức tranh gốm đa dạng, mang dấu ấn của làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng.