Hà Nội và TP HCM xếp top 10 các thành phố năng động nhất thế giới

Thứ năm, 30/01/2020, 09:22 AM

Trong bảng xếp hạng do Tập đoàn Jones Lang LaSalle (JLL) công bố, TP HCM xếp thứ 3, Hà Nội xếp thứ 7 chỉ số thành phố năng động toàn cầu.

TP HCM đứng thứ 3 trong danh sách các thành phố năng động nhất thế giới do JLL công bố. (Ảnh: IT).

TP HCM đứng thứ 3 trong danh sách các thành phố năng động nhất thế giới do JLL công bố. (Ảnh: IT).

Bảng xếp hạng thành phố năng động toàn cầu tổng hợp các chỉ số kinh tế xã hội và thương mại của 130 thị trường để xác định thành phố năng động nhất thế giới.

JLL xác định một số động lực tăng trưởng gồm năng lực thu hút nhân tài, các trung tâm sáng tạo và phương án quy hoạch đô thị mà các thành phố sử dụng. 

Kết quả này thể hiện dòng chảy tăng trưởng đang dịch chuyển từ Tây sang Đông, với các thành phố thuộc Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam chiếm lĩnh các vị trí hàng đầu.Bảng xếp hạng cho thấy, Việt Nam có 2 thành phố nằm trong top 10, nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Jeremy Kelly, Giám đốc Nghiên cứu Đô Thị tại JLL cho rằng chính sự năng động đáng chú ý ở các nền kinh tế châu Á mới nổi là bằng chứng cho thấy các chính sách cải cách kinh tế, hỗ trợ kinh doanh và đầu tư cơ sở hạ tầng có thể thúc đẩy sự tăng trưởng công nghiệp, nhất là ở lĩnh vực công nghệ và tạo điều kiện cho văn hóa khởi nghiệp.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bước vào hành trình hội nhập quốc tế và hướng đến nền kinh tế xuất khẩu.

Các hiệp định thương mại quốc tế đã giúp Việt Nam có cơ hội hợp tác với 60 quốc gia trên toàn cầu và hỗ trợ đất nước trên con đường trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Các hiệp định thương mại thành công được dự đoán sẽ thúc đẩy GDP Việt Nam tăng từ 2,18% đến 3,25% hàng năm đến năm 2023 và tăng 4,57% đến 5,30% hàng năm trong giai đoạn 2024-2028.

Tòa nhà chọc trời Keangnam Landmark Tower. (Ảnh: Zing.vn).

Tòa nhà chọc trời Keangnam Landmark Tower. (Ảnh: Zing.vn).

Ngoài ra, quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam lại gây áp lực lớn đối với cơ sở hạ tầng hiện hữu. TP HCM và Hà Nội đều đang đầu tư mạnh vào mạng lưới tàu điện phục vụ cho giao thông công cộng mới. 

“Yếu tố tất yếu cho một thành phố phát triển nhanh chóng là tầm nhìn của nhà lãnh đạo thành phố. Nền kinh tế đổi mới, biến đổi khí hậu và tình hình địa chính trị đang thay đổi có nghĩa là hệ thống quản trị thành phố ngày càng trở nên quan trọng với bất kỳ đô thị nào muốn bắt kịp với tương lai trong những thập kỷ tới,” ông Kelly phân tích.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ không ngừng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng, đặc biệt là với sự giúp đỡ của chính phủ để giải quyết các vấn đề thiếu hụt cơ sở hạ tầng và tăng tính bền vững của thành phố.