Hadico và những bê bối khó quên

Thứ ba, 29/10/2019, 07:42 AM

Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (Hadico) không chỉ xảy ra "bất ổn" về nhân sự mà trong quá khứ doanh nghiệp này còn gặp một loạt bê bối khó quên.

hadico-va-nhung-be-boi-kho-quen
Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (Hadico) từng xảy ra nhiều vấn đề. (Ảnh: IT).

Nắm giữ loạt đất vàng nhưng bất ổn về tiền bạc?

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP Hà Nội.

Năm 2010, Công ty chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, gồm 23 đơn vị thành viên hoạt động phụ thuộc, 2 công ty con, 2 công ty liên kết. Hiện tại, Hadico có 12 chi nhánh, đơn vị trực thuộc, 7 công ty con và 6 công ty liên kết.

Gần đây dư luận xôn xao trước thông tin, Hadico bị chi cục thuế quận Bắc Từ Liêm ra thông báo tiền thuế nợ với con số nhiều tỷ đồng.

Trong quá khứ, Thanh tra TP Hà Nội cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm của Hadico. Cụ thể, tại Kết luận thanh tra số 1857/KL-TTTP-P2 ngày 1/7/2016, Thanh tra TP Hà Nội chỉ rõ: "Về việc sử dụng vốn cho đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại Công ty Nông nghiệp Hà Nội, có một só khoản phải thu quá hạn, khó có khả năng thu hồi với tổng số tiền là 34.082.852.043 đồng bao gồm: Công ty TNHH Thương mại Việt Thanh nợ 8.979.730.875 đồng, hiện đơn vị đang ngừng hoạt động; Công ty TNHH Trang My nợ 12.130.100.000 đồng, hiện đơn vị này đang ngừng hoạt động: Công ty CP giải pháp điện tử thông tin nợ 12.973.021.168 đồng, hàng năm số tiền trả nợ gốc rất ít.

Về sử dụng vốn cho các cá nhân tạm ứng, Kết luận thanh tra cho rằng: Từ năm 2011-31/12/2015, Công ty Nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện tạm ứng cho 129 cán bộ, công nhân viên Công ty, trong đó có 38 người đã chuyển công tác. Tổng số dư nợ đến 31/12/2015 là 26.580.573.999 đồng.

Qua kiểm tra làm việc với 17 người có số dư nợ lớn (18.727.360.881 đồng) thấy số tiền tạm ứng lớn, việc tạm ứng diễn ra tuỳ tiện, nội dung tạm ứng trên giấy đề nghị tạm ứng không rõ ràng, người nhận tiền tạm ứng chuyển tiền tạm ứng cho người khác sử dụng, hầu hết các trường hợp chưa thực hiện việc hoàn ứng đã được tạm ứng tiếp.

Theo tờ Diễn đàn doanh nghiệp: "Từ khi mới thành lập, Hadico nắm giữ nhiều quỹ đất lớn trong nội đô và tham gia triển khai hàng loạt dự án. Mặc dù sở hữu những khu đất vàng nhưng dưới thời lãnh đạo tiền nhiệm, Hadico lại mắc hàng loạt sai phạm về sử dụng, quản lý đất khiến các nhà đầu tư tiềm năng muốn “nhòm ngó” phải dè chừng".

Năm 2010 - 2011, Hadico được giao thực hiện các dự án như Dự án đầu tư xây dựng cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất bảo quản hoa phục vụ phát triển vùng hoa Tây Tựu, Dự án làm hàng rào tại Xí nghiệm Vườn quả du lịch Từ Liêm; Dự án xây dựng Trung tâm thương mại chợ đầu mối Minh Khai; Dự án giết mổ gia súc, gia cầm ở Thường Tín và Phúc Thọ…

Song các dự án này đều gặp phải vướng mắc, chậm tiến độ và UBND TP. Hà Nội đã có Công văn số 3881/UBND-KHĐT/2015 xác định, trường hợp Công ty không huy động được vốn, không có khả năng tiếp tục thực hiện, chậm triển khai thực hiện, UBND TP sẽ xem xét các phương án như: dừng dự án, chuyển chủ đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và kêu gọi xã hội hóa hoặc các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật...

Hàng loạt cựu lãnh đạo Hadico lĩnh án tù vì liên quan đến quản lý tài sản nhà nước

Sáng 16/5/2018, TAND Hà Nội đã xử phạt bị cáo Phan Minh Nguyệt (cựu phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, nguyên Tổng giám đốc Hadico) 12 năm tù; Nguyễn Thị Huyền Hảo (41 tuổi, cựu kế toán trưởng Hadico) 9 năm về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cùng tội danh trên, các bị cáo Đỗ Văn Hảo (cựu phó Tổng giám đốc Hadico) 7 năm, Đặng Thị Thanh Tâm (cựu giám đốc xí nghiệp vườn quả Từ Liêm) 8 năm, Dương Thị Chinh (nguyên kế toán xí nghiệp vườn quả Từ Liêm) 3 năm cho hưởng án treo và Nguyễn Trọng Hùng (nguyên giám đốc công ty Bắc Hà) 4 năm tù.

Quá trình xét xử làm rõ những hành vi sai phạm của các bị cáo. Ông Nguyệt bị cho là vi phạm luật đất đai trong việc chỉ đạo cấp dưới phá dỡ công trình, xây dựng khu nhà ở, ki-ốt tại khu vườn quả Từ Liêm.

Cựu phó giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nội Phan Minh Nguyệt (thứ 2 từ phải sang) cùng các bị cáo nghe tòa tuyên án. (Ảnh: VNE).
Cựu phó giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nội Phan Minh Nguyệt (thứ 2 từ phải sang) cùng các bị cáo nghe tòa tuyên án. (Ảnh: VNE).

Theo giám định của Bộ Tài nguyên môi trường, đây là đất nông nghiệp song các bị cáo cho xây dựng 114 căn nhà để hợp thức thành đất phi nông nghiệp.

Sau khi xây dựng, bị cáo Nguyệt đã chỉ đạo xí nghiệp thành viên và kế toán trưởng Huyền Hảo thu của hơn 100 người sử dụng với số tiền là hơn 47 tỷ đồng.

Trong số tiền này, bị cáo Nguyệt đã chỉ đạo bà Hảo để gần 18 tỷ đồng ngoài sổ sách để chi tiêu cá nhân. Đây là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn. Hiện cơ quan chức năng đã ra quyết định phá dỡ toàn bộ công trình trên.

Phan Minh Nguyệt với tư cách chủ tịch, tổng giám đốc còn yêu cầu rút hơn 40 tỷ đồng từ nguồn vốn vay phục vụ sản xuất bình ổn giá để phục vụ chi tiêu cá nhân. Tòa cho rằng, số tiền hơn 40 tỷ đồng không phải do bị cáo Nguyệt quản lý mà các xí nghiệp thành viên chuyển về trái quy định. Hành vi của ông Nguyệt không phải tội tham ô, là lợi dụng chức vụ quyền hạn. Những người còn lại giữ vai trò giúp sức.

Trước khi vụ án được phát hiện, ông Nguyệt đã trả lại hơn 25 tỷ đồng và gia đình bị cáo khắc phục nốt 14,9 tỷ đồng.

Tòa án đã xác định các bị cáo vì lợi ích của Hadico làm thiệt hại lợi ích nhà nước, vi phạm quyền sử dụng đất sở hữu toàn dân; vì vụ lợi và động cơ cá nhân làm trái các quy định về tài chính, kế toán.

Với quy mô và tính chất công ty, Hadico được xác định là doanh nghiệp có tiềm năng rất lớn có thể thu hút các nhà đầu tư trên thị trường tham gia hợp tác, liên kết. Tuy nhiên, Công ty đã bộc lộ năng lực quản lý, tài chính yếu kém với hàng loạt sai phạm được chỉ ra trong bản án hình sự tuyên đối với nhóm lãnh đạo tiền nhiệm và cả những khoản tạm ứng, chi tiêu vô tội vạ đã được Thanh tra Hà Nội chỉ ra trong kết luận thanh tra trước đó.