Hải quân Mỹ duy trì hiện diện ở Tây Thái Bình Dương - Biển Đông

Thứ ba, 12/05/2020, 19:51 PM

Trong nhiều tuần gần đây, Mỹ vẫn duy trì thường xuyên các hoạt động quân sự đơn phương hoặc song phương ở tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Úc thông báo ba tàu USS America, USS Barry, USS Bunker HIll (Mỹ) và tàu HMAS Parramatta (Úc) đã diễn tập ở Biển Đông hôm 22/4. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc).

Bộ Quốc phòng Úc thông báo ba tàu USS America, USS Barry, USS Bunker HIll (Mỹ) và tàu HMAS Parramatta (Úc) đã diễn tập ở Biển Đông hôm 22/4. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc).

Trang tin USNI News của Viện Hải quân Mỹ đưa tin: Trong khi nhiều nước giảm quy mô hoạt động hải quân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hải quân Mỹ vẫn duy trì các hoạt động ở tây Thái Bình Dương.

Cũng theo trang này, cuộc tập trận Bersama Shield 2020 do hải quân năm nước Anh, Úc, New Zealand, Malaysia và Singapore dự kiến tiến hành từ ngày 7 đến 14/4 đã bị hủy bỏ. Mặc dù vậy, trong nhiều tuần gần đây, Mỹ vẫn duy trì thường xuyên các hoạt động quân sự đơn phương hoặc song phương ở tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch, hải quân Mỹ đã yêu cầu các quân nhân hạn chế tiếp xúc với người dân trên bờ.

Người phát ngôn Đội tàu khu trục số 7 của hải quân Mỹ (đang đóng tại Singapore), Đại úy Lauren Chatmas cho biết: Các tàu Mỹ đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tới mức thấp nhất việc tụ tập đông người, mặc thiết bị bảo hộ cá nhân và tiến hành vệ sinh kỹ càng 2 lần một ngày.

Đáng chú ý, vừa qua, tàu tác chiến ven biển Montgomery (LCS-8) và tàu hậu cần Cesar Chavez (T-AKE-14) đang tiến hành hoạt động "duy trì hiện diện" gần tàu khoan West Capella do công ty dầu khí nhà nước Malaysia Petronas vận hành trên Biển Đông.

Tàu USS Montgomery thực hiện hoạt động tự do hàng hải gần tàu khoan dầu West Capella của Malaysia hôm 7/5.

Tàu USS Montgomery thực hiện hoạt động tự do hàng hải gần tàu khoan dầu West Capella của Malaysia hôm 7/5.

Hoạt động này được cho là thể hiện sự ủng hộ rõ ràng với tàu khoan Malaysia. Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) - ông Greg Poling điểm lại rằng đã 3 lần các tàu chiến Mỹ đến gần khu vực hoạt động của tàu West Capella.

Các hoạt động này diễn ra trong khoảng 1 tháng qua bao gồm: Cuộc tập trận của tàu tác chiến cỡ nhỏ USS Montgomery và tàu vận tải USNS Cesar Chavez (ngày 7/5); Cuộc tập trận chung của ba tàu hải quân Mỹ và một tàu hải quân Hoàng gia Úc (ngày 22/4); Cuộc tuần tra của tàu tác chiến cỡ nhỏ USS Gabrielle Giffords (ngày 25/4).

Ông Poling cho biết sự hiện diện của hải quân Mỹ "liên quan tới sự đối đầu giữa Malaysia và Trung Quốc đã kéo dài từ tháng 12 đến nay". Trong đó, căng thẳng đã gia tăng từ tháng 4 tới nay khi Trung Quốc điều tàu khảo sát "tiến hành khảo sát bất hợp pháp" trong vùng biển gần Malaysia.

Về phía Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Ngô Khiêm cho biết Trung Quốc "luôn chú ý và cảnh giác cao độ" về các hoạt động của Mỹ và đồng minh.

Ông Ngô cho rằng cách tiếp cận của Mỹ "không có lợi cho an ninh và sự ổn định ở Biển Đông và chúng tôi kiên quyết phản đối điều này" và cáo buộc Mỹ mới là "kẻ gây rối" ở khu vực.

Trong khi đó, ở phía Philippines (nằm về phía đông của Philippines), Mỹ điều ba tàu ngầm và nhiều tàu chiến, máy bay tham gia một cuộc tập trận huấn luyện tác chiến kéo dài từ ngày 2 đến 8/5.

Tàu ngầm USS Alexandria chuẩn bị rời cảng Apra hôm 5/5 để chuẩn bị tham gia các hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Tàu ngầm USS Alexandria chuẩn bị rời cảng Apra hôm 5/5 để chuẩn bị tham gia các hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Cuộc tập trận bao gồm các hoạt động tuần tra, trinh sát và giám sát, diễn tập tác chiến mặt nước và tác chiến bằng tàu ngầm và diễn tập đổ bộ...

Tuy vẫn duy trì hoạt động trong khu vực, Mỹ vẫn buộc phải hủy bỏ một số hoạt động chung với các đồng minh. Lực lượng Vệ binh Quốc gia của bang Washington (Mỹ) đã phải rút ngắn hoạt động tập trận chung Bersama Warrior với quân đội Malaysia ở Kuala Lumpur.

Cuộc diễn tập bắt đầu vào ngày 6/3 và kéo dài đến ngày 20/3, song tàu Mỹ phải về nước từ ngày 18/3 do Malaysia quyết định phong tỏa để phòng dịch COVID-19.

Bài liên quan