Hạm đội tàu ngầm nhiều bí ẩn của Trung Quốc

Thứ bảy, 23/11/2019, 09:40 AM

Theo báo cáo thường niên 2019 của Bộ Quốc phòng Mỹ về sự phát triển của quân đội Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc đang sở hữu một trong những hạm đội tàu ngầm mạnh nhất thế giới.

Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc đang phát triển và trở thành một trong những hạm đội tàu ngầm mạnh nhất thế giới.
Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc đang phát triển và trở thành một trong những hạm đội tàu ngầm mạnh nhất thế giới.

"Trung Quốc không chỉ có khả năng triển khai nhiều tàu ngầm đến phía Tây Thái Bình Dương hơn Mỹ, mà các tàu Trung Quốc cũng có thể phù hợp hơn các tàu Mỹ khi hoạt động ở các khu vực duyên hải nhộn nhịp và nông”, tờ National Interest nhận xét về hạm đội tàu ngầm Trung Quốc hồi tháng 5/2019.

Hải quân Trung Quốc là hải quân lớn nhất khu vực, với hơn 300 tàu tấn công mặt nước, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu tuần tra và các loại tàu chuyên dụng khác. Đây cũng là một lực lượng ngày càng hiện đại và linh hoạt, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.

Bắc Kinh triển khai các tàu ngầm để “đạt được ưu thế hàng hải trong chuỗi đảo đầu tiên”, chạy từ Nhật Bản đến Philippines, cũng như ngăn chặn và chống lại bất kỳ sự can thiệp nào của bên thứ ba nếu xảy ra xung đột với Đài Loan.

Để đạt được điều đó, tính đến giữa năm 2019, Trung Quốc đã mua được 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN), và 50 tàu ngầm tấn công thông thường (SS). Theo báo cáo, tốc độ phát triển của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đang bắt đầu chậm lại và có khả năng sẽ tăng lên từ 65 đến 70 tàu ngầm vào năm 2020.

Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc tấn công thông thường bao gồm 12 chiếc SS lớp Kilo do Nga chế tạo, 8 chiếc có khả năng phóng tên lửa hành trình chống hạm, cộng với 13 chiếc SS lớp Song/ Type 039 và 17 chiếc tàu ngầm tấn công lớp Yuan/Type 039A. Lầu Năm Góc dự đoán Trung Quốc sẽ có thêm 3 chiếc lớp Yuan vào năm 2020.

Trong khi đó hạm đội tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc bao gồm 2 chiếc SSN lớp Shang I/Type 093 và 4 chiếc SSN lớp Shang II/Type 093A. Vào giữa những năm 2020, Trung Quốc có thể sẽ chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân tên lửa dẫn đường Type 093B, báo cáo của Lầu năm góc cho hay. Phiên bản mới của lớp Shang này sẽ tăng cường khả năng chiến đấu chống mặt nước của hải quân Trung Quốc và có thể cung cấp tùy chọn tấn công trên bộ bí mật hơn.

Chiến tranh chống mặt nước là một nhánh của chiến tranh hải quân liên quan đến việc tấn công các lực lượng mặt nước của kẻ thù.

Năm 2018, Trung Quốc đã khiến cộng đồng quân sự thế giới ngạc nhiên khi hạ thủy một chiếc tàu ngầm không ai ngờ tới. Cho tới giờ, chi tiết về chiếc tàu ngầm này vẫn còn là điều bí ẩn. Các chuyên gia chỉ có thể ước lượng kích thước của tàu ngầm dựa trên bức ảnh chụp lúc hạ thủy. Theo đó, nó dài khoảng 45 mét, đường kính khoảng 4,5 mét.

Hồi tháng 10/2019, một blog chuyên nghiên cứu về hải quân, HI Sutton, nói rằng tàu ngầm mới có thiết kế khác lạ và không có cánh buồm. Các tàu ngầm thông thường đều có cánh buồm, nơi lắp kính tiềm vọng. Tuy nhiên, tàu ngầm mới của Trung Quốc chỉ có một chỗ lồi nhỏ ở nơi thường là vị trí cánh buồm.

Điều trần trước quốc hội hồi tháng 3/2019, Đô đốc hải quân Mỹ Philip Davidson cho rằng: “Hoạt động tàu ngầm của các đối thủ tiềm năng đã tăng gấp ba lần từ năm 2008, đòi hỏi ít nhất một sự gia tăng tương ứng từ phía Mỹ để duy trì ưu thế".

"Có 400 tàu ngầm trên thế giới (không kể Mỹ) , trong đó khoảng 75% ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. 160 tàu ngầm trong số này là của Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Trong khi ba nước này tăng cường năng lực của họ, Mỹ đã loại bỏ các tàu ngầm tấn công cũ nhanh hơn so với việc thay thế chúng”, ông Davidson nói.

Tháng 12/2016, hải quân Mỹ tuyên bố cần 66 tàu ngầm tấn công để đáp ứng nhu cầu của các chỉ huy khu vực. Nhưng đầu năm 2019, hạm đội chỉ có 51 tàu ngầm tấn công. Và con số có thể sẽ giảm.

Trong khi đó, Trung Quốc không chỉ có khả năng triển khai nhiều tàu ngầm đến phía Tây Thái Bình Dương hơn Mỹ, mà các tàu Trung Quốc cũng có thể phù hợp hơn so với các tàu Mỹ khi hoạt động ở các vùng duyên hải đông đúc, và nông của khu vực này.

Eo biển Đài Loan nông nên không thích hợp với các tàu ngầm lớn, lặn sâu của Mỹ. "Mặc dù SSN có lợi thế rất lớn so với SSK (chạy bằng diesel), địa hình nông sẽ hạn chế một phần lợi thế chính của SSN về việc lặn sâu ở tốc độ cao sau khi khai hỏa và nhờ đó tránh bị phát hiện", chuyên gia Henry Holst của Viện Hải quân Mỹ giải thích.

Để giải quyết một phần cho sự bất lợi ngày càng tăng của hạm đội tàu ngầm Mỹ so với hạm đội tàu ngầm Trung Quốc, Hải quân Mỹ đang thử nghiệm các cách mới, hiệu quả hơn để hỗ trợ các tàu ngầm, đồng thời mua các tàu ngầm robot để hỗ trợ các tàu ngầm có người lái trong một số nhiệm vụ.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/ham-doi-tau-ngam-nhieu-bi-an-cua-trung-quoc-142665.html